Các mẫu xe ôtô hiện nay, đặc biệt là xe sang, được trang bị hàng loạt công nghệ an toàn tiên tiến như hỗ trợ phanh khẩn cấp, hỗ trợ giữ làn đường, đèn pha tự động thích ứng hay camera 360 độ. Các trang bị này giúp bảo vệ tốt hơn hành khách trên xe và những người cùng tham gia giao thông, tuy nhiên chúng cũng khiến giá bán của xe ô tô tăng cao.
Vì vậy, ôtô bình dân thường bị lược bỏ nhiều tiện nghi và hệ thống an toàn nhằm hạ giá thành. Nếu lựa chọn các mẫu xe này, người dùng nên lưu ý để chắc chắn rằng chiếc xe của mình được trang bị đầy đủ những tính năng an toàn thiết yếu và hữu dụng nhất.
Dây an toàn
Dây an toàn giờ đây đã là trang bị tiêu chuẩn trên mọi mẫu ôtô bán ra trên thị trường. Dù không còn mới nhưng dây an toàn vẫn là tính năng an toàn quan trọng và hữu dụng nhất trên xe hơi.
Dây an toàn được coi là trang bị an toàn quan trọng và hữu dụng nhất trên ôtô. Ảnh: Shutterstock. |
Theo thống kê của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) năm 2017, đã có khoảng 14.955 người dân Mỹ tránh được lưỡi hái tử thần nhờ cài dây an toàn khi xảy ra tai nạn.
Tại Việt Nam, dù đã có những quy định và mức phạt cao nhưng thói quen cài dây an toàn khi đi ôtô vẫn chưa thực sự phổ biến. Thậm chí, có những chủ xe còn đối phó với hệ thống nhắc cài dây của xe bằng cách dùng các loại chốt giả dây an toàn.
Túi khí
Túi khí là tính năng an toàn quan trọng thứ hai trên ôtô và có tác dụng hỗ trợ, tăng hiệu quả bảo vệ cho dây an toàn. Nhiều nước trên thế giới quy định ôtô bán ra phải có túi khí, tuy nhiên tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, túi khí chưa phải trang bị an toàn bắt buộc. Các mẫu xe bản thiếu phục vụ kinh doanh ở nước ta thường bị lược bỏ túi khí để giảm giá thành.
Túi khí được lắp đặt tại các điểm thường xảy ra va chạm với hành khách khi xảy ra tai nạn như vô-lăng, bảng táp-lô hay hông xe. Chúng đóng vai trò như những tấm nệm đỡ, giúp hành khách tránh các chấn thương chết người như tổn thương não hay cột sống.
Hệ thống chống bó cứng phanh
Lần đầu ra mắt tại Mỹ cuối thập niên 1970, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) nhanh chóng chứng tỏ được hiệu quả và giúp giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông.
Tác dụng của hệ thống ABS. Ảnh: Gfycat. |
Trong trường hợp phanh gấp, nếu nhận thấy một hay nhiều bánh xe có tốc độ quay nhanh/chậm hơn mức quy định, hệ thống ABS sẽ tự động tăng/giảm lực phanh, từ đó chống hiện tượng chết cứng (bó) bánh xe. Nhờ vậy, tài xế dễ dàng kiểm soát hướng lái hơn và tránh cho xe khỏi bị trượt.
Hiện nay, đa phần ôtô và một số dòng xe máy tại Việt Nam được trang bị hệ thống ABS. Tuy nhiên, vẫn có những mẫu ôtô bản thiếu giá rẻ bị lược bỏ tính năng này.
Hệ thống cân bằng điện tử
Hệ thống cân bằng điện tử (ESC/ESP) hoạt động dựa vào dữ liệu từ nhiều cảm biến khác nhau như tốc độ bánh xe, góc lái, gia tốc hay áp suất phanh nhằm nhận biết khi nào xe có khả năng bị lật hoặc mất lái, từ đó chủ động can thiệp.
Tác dụng của hệ thống ESC. Ảnh: Gfycat. |
Hệ thống ESC giúp xe cân bằng và ổn định bằng cách tự động phanh từng bánh xe hoặc ngắt lực truyền từ động cơ tới một hay nhiều bánh xe. Nhờ đó, giúp giảm thiểu các hiện tượng văng đầu, văng đuôi hoặc lật xe.
Hiện nay, hệ thống cân bằng điện tử đã trở nên phổ biến và có mặt trên hầu hết mẫu ôtô bán ra thị trường.
Hệ thống kiểm soát lực kéo
Hệ thống kiểm soát lực kéo (TRC/TCS/ASR) sử dụng các cảm biến để theo dõi tình trạng bám đường của bánh xe khi tăng tốc, từ đó điều chỉnh, phân bổ hợp lý lực kéo giữa các bánh xe trước/sau, giúp ngăn hiện tượng trượt bánh khi tăng tốc đột ngột, đặc biệt trong các điều kiện đường sá trơn trượt.
Nút bấm tắt/bật tính năng kiểm soát lực kéo trên ôtô. |
Tính năng kiểm soát lực kéo là một phần trong hệ thống cân bằng điện tử và được các nhà sản xuất trang bị trên nhiều mẫu xe mới hiện nay vì tính hữu dụng cao.
TheoZing
Những công nghệ nổi bật trên ô tô trong suốt những thập kỉ qua
Những cuộc cách mạng về các công nghệ được trang bị trên các dòng ô tô đã mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.