- Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến cụm từ “trại dưỡng lão” là người ta sẽ nghĩ ngay tới những điều ủ dột, não nề, những lời trách móc, giận hờn của các cụ và nghĩ đến sự bất hiếu của những đứa con. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, vì nhiều lý do khác nhau, việc người già sống ở trung tâm dưỡng lão dường như là một xu thế không thể cưỡng lại.

Góc nhìn mới về trung tâm dưỡng lão

Chi phí mỗi tháng ở các trung tâm dưỡng lao (TTDL) do tư nhân lập ra khoảng chục triệu đồng. Ở đây, ngoài nơi ở tốt với khá đầy đủ trang thiết bị dùng trong sinh hoạt, các cụ còn được chăm sóc về dinh dưỡng lẫn theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật.

Chăm sóc sức khỏe cho người già tại Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Ảnh: N.A)
Mỗi sáng các cụ trong TTDL Thiên Đức đều dậy sớm, đi tập thể dục xong xuôi rồi về tắm rửa, thay đồ, ăn sáng, đọc báo. Sau đó, mỗi cụ lại có một “lịch trình” riêng hoặc tất cả có thể cùng tham gia các họat động tập thể như chơi cờ, câu cá, … Các cụ ốm đau thì phải chăm sóc y tế (tại trung tâm luôn duy trì một đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng đông đảo)

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện trung tâm có gần 200 cụ và chia làm 4 nhóm: Nhóm khỏe mạnh - minh mẫn, nhóm rối loạn tâm thần tuổi già (các cụ bị lẫn), nhóm các cụ minh mẫn nhưng không khỏe mạnh (ngồi xe lăn), nhóm người cao tuổi phải chăm sóc 24/24 (nghĩa là các cụ khi đi viện về phải sống thực vật).

Chia như này là theo nhu cầu bệnh tật và gia đình nên giá cả cũng khác nhau. Ví dụ người khỏe mạnh minh mẫn mà ở một mình một phòng thì giá khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nếu cụ bị tai biến phải chăm sóc 24/24 và nằm phòng riêng thì giá sẽ thay đổi, khoảng 10 -12 triệu đồng/người/tháng.

Nếu cụ bị tai biến mà nằm phòng tập thể thì giá sẽ bằng một cụ minh mẫn khỏe mạnh ở một mình. Ngoài ra, các cụ khỏe mạnh minh mẫn ở chung phòng 8 người thì mỗi tháng chi phí là 4 triệu đồng”, ông Ngọc cho hay.

Cũng từ sự phân chia này mà chế độ ăn uống, phục vụ phụ thuộc vào sức khỏe của các cụ. Nếu cụ nào không còn răng phải ăn cơm nghiền, nếu cụ nào ăn xông thì phải xay, nghiền, lọc sang chế độ sữa, nước,... Mỗi chế độ ăn uống phục vụ phức tạp hơn đều có mức giá cao hơn.

Vào trại dưỡng lão hay ở nhà thuê ôsin phục vụ?

Với mức giá như trên, hẳn nhiều người sẽ đưa ra sự so sánh, với số tiền đó có thể thuê đến 2-3 người giúp việc phục vụ, cụ lại ở nhà cùng con cháu, đỡ tón kém hơn,...

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ: “Cha mẹ già lý tưởng nhất vẫn là sống cùng con cháu. Chúng tôi lập ra trung tâm dưỡng lão này cũng không nhằm cổ xúy và khuyến khích con cái đưa hết cha mẹ vào đây.

Ở đây, với mức giá trên 10 triệu nhưng mọi thứ cũng không thể đầy đủ như ở nhà được. Tuy nhiên, nếu ở nhà riêng và có thuê đến 3-4 người phục vụ thì cũng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, các cụ không được chăm sóc thăm khám sức khỏe tốt bằng ở đây”.


 
So với việc dùng khoản tiền trên dưới chục triệu đồng để thuê 3-4 người giúp việc phục vụ người già thì việc vào trại dưỡng lão cao cấp có điều dưỡng, y tá chăm sóc liệu có phải là một lựa chọn tốt hơn? (Ảnh: N.A)
Ngoài ra, theo ông Ngọc, so với việc ở gia đình riêng thì việc ở trung tâm dưỡng lão còn mang lại cho các cụ một đời sống tinh thần không nghèo nàn như người ta vẫn tưởng.

Ở đây luôn duy trì các hoạt động xã hội như kỷ niệm ngày 20/11 thì các cụ từng là giáo viên sẽ được tổ chức tặng hoa quà; ngày 27/2 thì các cụ từng là thầy thuốc cũng được tổ chức tương tự.

Ngoài ra, các cụ còn có hoạt động ngoại khóa, tìm được bầu bạn cùng tuổi, cùng tâm trạng. Nhiều cụ rất khó tính vào đây sống một thời gian thì tính cộng đồng cao hơn hẳn, rất hòa nhập và dễ chịu”, ông Ngọc cho hay.

Ông Ngọc khẳng định, mục đích mở ra trung tâm này của mình là để “thay đổi định kiến của nhiều người về trại dưỡng lão”. Ông muốn làm nhiều người không còn nghĩ rằng việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là việc làm bất hiếu, bởi khi vào đây, các cụ đã có được sức khỏe và đời sống tinh thần tốt hơn.

Khi được hỏi cụ nghĩ sao nếu dùng khoản tiền trên chục triệu đồng để thuê riêng cho cụ một người giúp việc, ở nhà với cụ 24/24, chuyên chỉ chăm sóc cụ, một cụ trong trung tâm bày tỏ: “Chắc không phải con tôi muốn tôi vào đây cho rảnh nợ đâu. Chúng quá bận rộn. Tôi cũng nhớ nhà nhưng chúng vẫn đến thăm tôi đều đều, Tết nhất vẫn đón về, bất cứ khi nào tôi muốn thì tôi cũng được đón về cả”.

Để so sánh ở nhà và ở TTDL, nhiều cụ cho biết chẳng so sánh được, vì ở đâu thì cũng được cái nọ, mất cái kia và lựa chọn sao cho phù hợp, có lợi nhất cho cả các cụ lẫn công việc làm ăn của con cái.

Rất nhiều cụ cho biết, các cụ tự nhận thấy mình là gánh nặng của gia đình nhưng đây là điều tất yếu vì khi các con còn nhỏ, các cụ cũng đã phải lặn lội, hi sinh rất nhiều. Nay đến tuổi già là lúc các con báo đáp lại cha mẹ.

Theo số liệu dự báo do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2009, tính đến hết năm 2011, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta đạt 7,6 triệu người, chiếm 8,74% tổng dân số. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 11,2 triệu người, tăng hơn 45% so với năm 2011 và chiếm tới 11,63% tổng dân số.

Hiện nay, tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng nhưng trong quá trình đô thị hóa thì thiếu các khu quy hoạch dành cho người cao tuổi. Đây là vấn đề thiết thân đến từng gia đình và ảnh hưởng tới toàn xã hội.
 

N.Anh

(Bài 3: Đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão: Tất yếu hay bất hiếu?)