Đề biển giảm giá 50%, nhưng đa số chỉ giảm 2%, hay giá khuyến mại rồi vẫn đắt hơn giá thị trường, khuyến mại hàng lỗi, hàng kém chất lượng,…là những chiêu đánh lừa người tiêu dùng.
"Đói" khách còn mập mờ khuyến mãi
Chê khuyến mãi nội, người Việt du lịch nước ngoài
“Giảm 50%” nhưng chỉ giảm…2%
Chê khuyến mãi nội, người Việt du lịch nước ngoài
“Giảm 50%” nhưng chỉ giảm…2%
Dịp đầu năm chị Nguyễn Thị Hằng (Việt Trì, Phú Thọ) xuống Hà Nội để mua một chiếc tủ lạnh cho gia đình vì biết thông tin một siêu thị điện máy lớn trên đường Cầu Giấy có giảm giá tới 50% cho 100% khách hàng khi mua sắm vào ngày vàng.
Chị Hằng cho biết, đến nơi hỏi mua đúng mặt hàng mình cần rồi nhờ nhân viên bán hàng tư vấn giảm giá 50% như thế nào thì nhận được câu trả lời: "Khách hàng mua sản phẩm bất kỳ thanh toán xong ra ngoài quầy bốc thăm phiếu giảm giá, nếu bốc vào phiếu giảm giá có con số là bao nhiêu thì sẽ được giảm giá đúng theo như con số trên phiếu".
Tuy nhiên, nhân viên này còn nói thêm, số tiền giảm giá với những món hàng giá trị lớn sẽ không quá 4 triệu đồng nếu khách hàng bốc được phiếu giảm giá 50%.
Trở ngược ra quầy thu bốc thăm xem mọi người chọn lấy con số giảm giá, người được bốc một lần, người được bốc hai tới ba lần vì mua nhiều món hàng khác nhau, thế nhưng chỉ toàn thấy người được giảm giá 2%. Đứng cả tiếng đồng hồ mới thấy một người may mắn bốc được phiếu giảm giá 8%.
|
Trong khi nhân viên giới giảm giá 50% còn tôi chỉ thấy toàn giảm 2%. "Cứ tưởng sẽ mua được chiếc tủ lạnh với mức giảm 30 - 50% như quảng cáo nhưng té ngửa đó là một cú lừa. Giờ mua hàng khuyến mãi giảm giá mà phải bốc thăm, vậy chẳng khác nào mua vé số trúng thưởng, may thì trúng không thì sẽ như mua hàng chưa khuyến mãi", chị Hằng chia sẻ.
Khuyến mại đắt hơn giá thực
Anh Lê Nhất Huy ở Nguyễn Công Hoan (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, khi đi mua hàng khuyến mãi tại siêu thị: Nhiều khi đi mua được hàng khuyến mãi đúng hay không còn do may mắn chứ đa phần là kiểu giảm giá rồi nhưng vẫn cao hơn giá mà các cửa hàng điện máy ở ngoài.
Anh Nhất Huy kể: 8/3 có ý định tặng vợ một chiếc điện thoại Samsung S3, đi khảo sát giá tại các siêu thị điện máy thấy chỗ nào cũng có giảm giá, mức giảm nhiều lên đến cả triệu đồng, ít cũng giảm được nửa triệu. Thấy giá còn hơn 12 triệu đồng khá hấp dẫn, quyết định quay lại siêu thị được giảm nhiều nhất để mua.
Ai ngờ, trên đường đi, tiện ngó qua một cửa hàng điện thoại trên đường Xuân Thủy, cách siêu thị điện máy mình tham khảo giá chưa đầy 50m, ở cửa hàng này, không có chương trình khuyến mãi, không giảm giá mà chiếc điện thoại Samsung S3 giá mới chỉ có 11,5 triệu đồng.
"Kể ra cũng may không về lại bị vợ nói mua hàng giảm giá rồi giá vẫn bị đắt hơn hàng chưa giảm. Đó là chưa kể số tiền chênh nhau giữa giảm giá và chưa giảm giá của chiếc điện thoại lên đến cả triệu đồng chứ không ít", anh Huy cho hay.
Hàng cũ, hàng lỗi mốt
Dạo quanh các tuyến phố như Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Đội Cấn, Hàng Bông, Đại La, Tôn Đức Thắng, Kim Mã… có rất nhiều cửa hàng thời trang trưng đủ các loại biển quảng cáo như: xả hàng cuối vụ, giảm giá đến 50%, thanh lý cửa hàng, mua 1 tặng 1… khiến người tiêu dùng như lâm vào ma trận.
|
Tại một cửa hàng trên phố Chùa Bộc, quần áo xuân hè được đổ đống với tấm biển giảm giá, xả hàng… nhưng khi chúng tôi xem chất vải thì hỡi ơi trên các đường chỉ có vết hoen ố. Hỏi chủ cửa hàng thì được giải thích: “Không sao đâu, hôm qua hàng có dính vài hạt mưa, em cứ về giặt qua 1 lần là bay hết ấy mà”. Ngoài nhiều vết ố nhỏ, các đường chỉ cũng khá rệu rã, đặc biệt có nhiều mối bị bong.
Chia tay cửa hàng này, chúng tôi lại đến một cửa hàng khác cùng tuyến phố. Tại đây, tất cả các sản phẩm mùa hè đều được giảm đến 50%. Tuy nhiên khi phát hiện có một chiếc áo giống hệt chiếc mà tôi đã mua cách đây gần 2 năm, giá cũng không rẻ hơn là bao, đem thắc mắc này đến chủ cửa hàng thì chị khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: “Tất cả hàng tại đây đều mới nhập về bên Quảng Châu 3 tháng trước”.
Chị Vân Chi (nhà ở đường Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngoài những hàng mới lấy thì cũng có khá nhiều hàng tồn kho, hàng cũ bị trà trộn vào. Người tiêu dùng khó mà nhận ra nếu không quan sát kỹ. Đặc biệt hầu hết các loại quần áo cũ do bảo quản không tốt nên mặc một thời gian là bong chỉ hoặc rách”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương (Nhân viên truyền thông tại Trần Duy Hưng) cho bức xúc: “Tôi mua một chiếc váy sau khi giảm 50% giá còn 220 ngàn đồng trên đường Kim Mã, sử dụng được gần 10 ngày mới phát hiện có vết gián nhấm, quay lại cửa hàng đổi thì nhân viên và chủ nhất quyết không cho và mặc nhiên đổ lỗi do khách hàng bảo quản không tốt”
Tương tự, anh Nguyễn Hải Ninh (Hà Nội) cũng cho biết: "Tôi mới xây dựng gia đình, kinh tế còn nhiều khó khăn nên thường hay mua đồ giảm giá. Các vật dụng thiết yếu trong nhà đều là hàng giảm giá".
"Tôi mới mua một chiếc laptop thanh lý ở cửa hàng có hơn 6 triệu đồng. Mặc dù đã chọn lựa rất kỹ nhưng ông bạn cùng công ty bảo đấy là hàng dựng. Biết là bị hớ nhưng mình ít tiền cũng đành chịu, giờ vừa dùng vừa lo có hỏng hóc thì không biết có được bảo hành không", anh Ninh cho biết.
Trà trộn hàng “lởm” vào thương hiệu lớn
Một trường hợp khiến chúng tôi khá bất ngờ là một thương hiệu thời trang trong nước khá nổi tiếng, có khá nhiều showroom trên toàn quốc. Các sản phẩm của họ đều giảm giá rất ít, chỉ từ 5-10% nhưng có một góc khá lớn treo biển từ tấm bìa các tông như: hàng thanh lý, áo thun 30 ngàn đồng, áo ba lỗ 30 ngàn đồng, quần bò 100 ngàn đồng.
Rất nhiều khách hàng bị thu hút bởi tấm biển này. Nếu nhìn sơ qua thì nhiều mẫu mã tại khu giảm giá này khá giống với các sản phẩm của thương hiệu nhưng khi nhìn mác lại thấy... toàn chữ Trung Quốc!
Thiết nghĩ, đây cũng là một trong vô vàn “chiêu” câu khách nhưng đồng thời điều đó cũng đặt một dấu chấm hỏi rằng liệu những sản phẩm trong cửa hàng có bị gắn mác giả không?
(Theo VTC)