- Quốc tế hoá giáo dục đại học mang lại cho các quốc gia đang phát triển rất nhiều lợi ích. Đó là cơ hội học tập kinh nghiệm từ những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hơn để rút ngắn quá trình đổi mới.

Vai trò của quốc tế hoá giáo dục đại học với những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới là tên của một phiên họp của Going Global 2014 - hội nghị quốc tế về giáo dục đại học do Hội đồng Anh tổ chức tại Miami từ 29/4 - 1/5. Ngồi trên bàn chủ toạ là đại diện đến từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, một lựa chọn khó có thể tuyệt vời hơn!

“Khó có thể tuyệt vời hơn” bởi vì, nếu Brazil là đại diện cho Nam Mỹ với vị thế nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới về GDP thì Thổ Nhĩ Kỳ lại là một quốc gia ngày càng có tiếng nói trong khu vực, nằm ở nơi giao nhau giữa Châu Á và Châu Âu. Còn Việt Nam lại gây ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Phiên thảo luận thực sự sôi động với những ý kiến hoàn toàn khác biệt của ba vị chủ toạ: Giáo sư Glaucius Oliva, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Khoa học Công nghệ Brazil, Giáo sư Gokhan Cetinsaya, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ và Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

{keywords}
Các chủ tọa đến từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam

Hiểu đúng hơn về quốc tế hoá giáo dục đại học

Quốc tế hoá giáo dục đại học mang lại cho các quốc gia đang phát triển rất nhiều lợi ích. Đó là cơ hội học tập kinh nghiệm từ những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hơn để rút ngắn quá trình đổi mới.

Đó là cơ hội để xây dựng những đại học xuất sắc và cập nhật giáo trình. Có lẽ chính vì điều này mà không ít người đã hình thành quan niệm “cho – nhận” trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế - các trường đối tác từ các quốc gia phát triển “cho” còn các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn đang “nhận” các lợi ích từ phía đối tác.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã khẳng định đây là cách tiếp cận không đúng đắn ngay từ đầu trong quá trình hợp tác quốc tế, và “cần phải hiểu khác đi.” Một ví dụ sinh động: những người được lựa chọn đi học tập ở nước ngoài thường là những sinh viên và nhà nghiên cứu giỏi. Đến học tập và nghiên cứu tại một quốc gia phát triển, họ tham gia đóng góp những ý tưởng mới, hoặc thậm chí những phát minh mới.

Quan trọng hơn, chính họ đang góp phần tạo nên một môi trường sống và làm việc đa văn hoá tại quốc gia phát triển. Chính vì vậy, quốc tế hoá giáo dục đại học không phải là quá trình một chiều mà nó là một quá trình và tất cả các bên tham gia cần bình đẳng hướng tới mục tiêu tất cả cùng có lợi.

Ngay lập tức, một đại biểu tham dự là hiệu trưởng một trường đại học của Vương quốc Anh đã bày tỏ sự đồng tình.

Ông kể về việc mình thường xuyên phải “chỉnh” các đồng nghiệp trong cách họ suy nghĩ về những đối tác đến từ các nước đang phát triển.

Ông muốn những đồng nghiệp trẻ ghi nhớ rằng những quốc gia đang phát triển là nơi đối mặt với nhiều khó khăn và vấn đề cần giải quyết nhất; vì vậy, chính những quốc gia này là nơi có những giải pháp sáng tạo nhất mà chính những quốc gia phát triển hơn cần học tập.

Thứ trưởng Ga cho rằng việc hiểu đúng trong hợp tác quốc tế là nền tảng cho sự tự tin và vị thế của mỗi bên trong mở rộng hợp tác quốc tế.

Hiểu đúng về vị thế của mình, các quốc gia đang phát triển sẽ tránh được nhiều bất cập, ví dụ như để “lọt” những trường, đơn vị giáo dục quốc tế không đạt tiêu chuẩn giảng dạy hay cấp bằng hoạt động tại địa phương.

Ngoài ra, các quốc gia phát triển thường là lựa chọn của những bộ óc sáng tạo nhất đến từ các quốc gia đang phát triển; nhưng đây lại là những nước có quy định chặt chẽ nhất về sở hữu trí tuệ.

Chính vì vậy, một nghịch lý là có những phát minh được chung sức sáng tạo nên bởi những nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia đang phát triển nhưng quê hương của nhà khoa học đó lại hầu như không được “dự phần” (trong khi chính nhà khoa học đó lại đi học bằng ngân sách nhà nước).

Nguyên nhân là bởi sản phẩm trí tuệ ấy được bảo vệ bằng trùng điệp các quy định về sở hữu trí tuệ tại các quốc gia phát triển - và đây là một điều rất đáng lưu tâm.

Chảy máu - Thụ hưởng - Lan toả chất xám

Phiên thảo luận thực sự nóng lên sau khi nữ chủ toạ Helen Silvester, Giám đốc Giáo dục, Hội đồng Anh Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu (mở rộng) đặt câu hỏi về hiện tượng chảy máu chất xám trong quốc tế hoá. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nhường quyền trả lời câu hỏi này cho ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, đang ngồi dưới khán phòng.

{keywords}

Ông Vang đưa ra con số ước tính 3% sinh viên tham dự các chương trình học bổng nhà nước đã không quay trở lại và nêu lên thực tế những người được lựa chọn thường là những ứng viên ưu tú và giàu thành tích. Họ có thể không mấy khó khăn để kiếm được những công việc mới có mức đãi ngộ cao hơn.

Giáo sư Cetinsaya, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả khán phòng cười ồ khi ông phát biểu: “Chảy máu chất xám à. Chúng ta PHẢI ĐẨY MẠNH việc đó.” (We need to encourage braindrain).

Còn Giáo sư Oliva, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Khoa học Công nghệ Brazil, hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi không muốn gửi anh đi học nước ngoài xong, anh lại thích về yên phận trong cơ quan nhà nước. Chúng tôi cần anh ra ngoài kia, đồng cam cộng khổ với các doanh nghiệp kia kìa”.

Ông cũng nêu ra con số khoảng 3% sinh viên Brazil khi đi du học không quay trở lại, nhưng khẳng định, việc đó cũng không quan trọng vì cuối cùng thì không có ai chịu thiệt cả.

Nhưng hỏi kỹ ra thì ông giáo sư cũng thừa nhận rằng Brazil cũng có những chính sách ràng buộc phổ biến: ứng viên nhận học bổng cần ký cam kết sẽ quay trở lại và làm việc trong khoảng thời gian đúng bằng khoảng thời gian được cử đi học.

Lắng nghe cuộc đối thoại, một nữ đại biểu trong khán phòng đến từ Đại học Reading Vương quốc Anh lựa chọn một thuật ngữ “trung tính” hơn: brain circulation - tuần hoàn chất xám hay lan toả tri thức. Có lẽ đây là một cách nhìn nhận phù hợp, sẽ không có tri thức nào bị mất đi (brain drain) và cũng sẽ không có một bên duy nhất nào chỉ hưởng lợi (brain gain) trong quá trình dịch chuyển tri thức toàn cầu.

Những ý tưởng hay mới

Từ một đất nước trình độ phát triển thấp nửa thế kỷ trước đây, Brazil ngày nay đã lớn mạnh với vị thế một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nền công nghiệp đứng thứ hai châu Mỹ.

Giáo sư Oliva cho biết thành tựu ấy phần nhiều nhờ nguồn nhân lực được cử đi học ở nước ngoài và tiếp thu những tinh hoa sáng tạo quốc tế từ những thập niên 60, 70. Ngày nay, Brazil muốn tiếp tục truyền thống đó.

Năm 2011, nước này đã đặt ra mục tiêu 100.000 sinh viên đại học chuyên ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) phải thực tập ở nước ngoài ít nhất ba tháng.

Kết quả cho tới hiện nay rất khả quan khi những tập đoàn lớn có nhà máy ở Brazil như Boeing hay Hyundai đều nồng nhiệt chào đón những sinh viên này đến làm việc tại nhà máy của họ tại Mỹ hay Hàn Quốc. Quan trọng hơn, sau khi học xong, các sinh viên này hầu hết đều được mời vào làm tại nhà máy của chính những hãng đó ngay tại Brazil.

Ngoài ra, nước này đã thực hiện sáng kiến Nhân tài trẻ với mục tiêu cung cấp những hỗ trợ tài chính ban đầu để thu hút các dự án nghiên cứu đến với Brazil. Nước này đã thu hút được 1.000 nhà nghiên cứu trẻ đến Brazil nghiên cứu trong vòng ít nhất là ba năm.

Một sáng kiến khác là thu hút các giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu qua việc tạo ra chế độ làm việc linh hoạt tại Brazil. Họ chỉ cần đến đây một hoặc hai tháng khi thực hiện một dự án nghiên cứu ba năm; đổi lại, họ sẽ được lựa chọn một nhà nghiên cứu tài năng của Brazil để hỗ trợ thực hiện nghiên cứu toàn thời gian.

Hoặc, nhà nghiên cứu quốc tế này có thể lựa chọn một nghiên cứu sinh Brazil, đưa về nước của họ để thực hiện nghiên cứu, sau đó họ lại lựa chọn một nghiên cứu sinh Brazil khác để tham gia, cho đến khi hoàn thành nghiên cứu.

Vị giáo sư, nghiên cứu sinh cao cấp quốc tế này còn nhận được khoản hỗ trợ ban đầu 15.000 real (khoảng gần 7.000 đô la Mỹ) và được coi là nghiên cứu sinh bản địa, điều này có nghĩa họ có quyền được tiếp cận những nguồn tài trợ nghiên cứu như bất kỳ nghiên cứu sinh Brazil nào.

Vũ Hải Đăng