- Một người mẹ lọm khọm lên tòa chỉ để nói một lời tha thứ và khẳng định lại sự thật vụ án, một người mẹ lặn lội gõ cửa khắp nơi suốt bốn năm ròng kêu oan cho con, …đơn giản chỉ vì hai chữ: niềm tin.
 
Niềm tin giúp họ nghị lực để vượt qua nỗi đau, để bước tiếp, để bao dung, để đem lại những điều tốt đẹp. Thế nhưng, có những niềm tin sao đắng ngắt, day dứt lòng người.
 
Niềm tin của hai người mẹ
 
Có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Minh Hải (21 tuổi, Đồng Nai) phạm tội giết người diễn ra hồi cuối tháng 8 vừa qua là một người mẹ già đôn hậu. Bà là mẹ của nạn nhân Tạ Thanh Hữu – nam thanh niên đang nằm bất động trên ghế bố. 
 
Ngày 5/2/2011, tại quán cà phê Vườn xà cừ (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai), nhầm anh Hữu là người trong một nhóm thanh niên có mâu thuẫn từ trước nên Nguyễn Minh Hải đã cầm khúc cây đánh nhiều cái vào đầu. Sau cú đánh nhầm, nạn nhân Hữu bị nứt và lõm sọ, liệt tứ chi…sống đời thực vật.

Tại tòa, mặc dù các con của bà đòi tòa tuyên tăng hình phạt, tăng bồi thường với Hải nhưng bà cụ không đồng ý, chỉ khiếu nại một điều: “tòa dưới đó cho rằng con tôi có lỗi là không đúng” rồi bà đề nghị tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Hải để bị cáo sớm có cơ hội trở về.

Dựa vào lời khai của Hải, cấp sơ thẩm nhận định nạn nhân Hữu cũng một phần có lỗi nên tuyên phạt Hải mức án 10 năm tù về tội “giết người”. Tin rằng con mình không có lỗi, người mẹ kháng cáo đề nghị xử phúc thẩm.
 
Tại tòa, mặc dù các con của bà đòi tòa tuyên tăng hình phạt, tăng bồi thường với Hải nhưng bà cụ không đồng ý, chỉ khiếu nại một điều: “tòa dưới đó cho rằng con tôi có lỗi là không đúng” rồi bà đề nghị tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Hải để bị cáo sớm có cơ hội trở về.
 
Hóa ra, bao nhiêu công sức cực nhọc lặn lội hàng trăm cây số khiêng cậu con trai tật nguyền lên tòa, người mẹ cốt chỉ để nói ra điều ấy. Có lẽ, bà muốn lấy lại sự trong sạch cho con, muốn Hải phải khai đúng sự thật và cũng muốn chắc chắn rằng niềm tin của mình vào pháp luật sẽ được đền đáp dù chỉ là một lời nói.
 
Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm nhận định nạn nhân Hữu hoàn toàn không có lỗi, mức án tù 10 năm với bị cáo là quá nhẹ nhưng phía bị hại không đề nghị tăng hình phạt nên Tòa y án.

Khi nghe hỏi về lý do kháng cáo rồi lại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, người mẹ khẽ mỉm cười “con tôi đằng nào cũng thế rồi, Hải còn trẻ nên nông nổi, bắt nó ở tù lâu thì tội nghiệp. Ở đời ai chẳng có lúc vấp ngã, tôi tin sau thời gian cải tạo Hải sẽ thành người tốt”.
 
Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Nở (61 tuổi, mẹ của Trương Thị Kim Hoàn – cô gái từng bị kết án oan 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) cũng là một câu chuyện đầy xúc động về niềm tin.
 
Tôi nhớ rõ, ngày Hoàn được TAND quận 1 (TP.HCM) tuyên bố đình chỉ vụ án vì kết án oan và xin lỗi công khai là ngày Hoàn và mẹ mừng rơi nước mắt. Người mẹ ấy vốn ít học, quê mùa ấy đã lặn lội gõ cửa khắp nơi kêu oan cho con suốt 4 năm ròng.
 
Khi được hỏi “sao bác tin con mình vô tội?”, mẹ Hoàn chỉ ngậm ngùi: “Ngày ấy con tôi mới 20 tuổi, cả đời nó có xa ba mẹ bao giờ đâu? Từ nhỏ, tôi vẫn dạy con là phải làm ăn lương thiện. Nhiều đêm tôi thức trắng nghĩ dại hay con mình buôn ma túy thật, nhưng lại thấy tiền nó không có một đồng, hỏi con thì kiên quyết nói không nên tôi tin và tôi cũng tin vào sự công minh của pháp luật, vào những người cầm cán cân công lý còn lại. Mình tin là mình có thể làm được cô ạ…”.
 
Câu chuyện của hai người mẹ cứ ám ảnh mãi. Vì sao họ lại có thể nuôi dưỡng một niềm tin như thế giữa bao nỗi khó khăn? Sao họ luôn tin rằng những gì tốt đẹp sẽ được đáp lại bằng những điều tốt đẹp?
 
Sự thất vọng
 
Cũng là câu chuyện về niềm tin, gần đây, sau khi theo dõi diễn biến phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Tân Hoàng Phát, đặc biệt là sau khi tòa tuyên án, nhiều cô gái từng là tiếp viên tại “địa ngục massage” Tân Hoàng Phát đã không kìm được cảm xúc, ngồi phịch xuống hàng ghế trước phòng xử án để bày tỏ sự thất vọng và cảm giác bức xúc vô cùng.

Các bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Phát trước vành móng ngựa

“Tôi từng bị nhốt, từng bị đánh đập đây, sao Tòa không hỏi tôi? Sao lại chuyển tôi từ bị hại sang thành nhân chứng?” hay “sao Tòa không nhắc gì đến tôi? Vậy tiền bà Yến còn nợ tôi thì sao? Tôi là bị hại giờ cũng bị chuyển thành nhân chứng vậy tôi làm sao để lấy tiền? sao tòa chẳng nói gì cả?”, “xử sao kỳ vậy? Giờ chỉ chúng tôi là thiệt thòi thôi”…

Những câu nói như thế cứ râm ran tại khu hành lang trước phòng xử án.
 
Dư luận xôn xao sau vụ này, nhiều tờ báo đã thẳng thắn ghi nhận sự bày tỏ ý kiến, quan điểm của một số cá nhân, chuyên gia về pháp luật cũng như ý kiến độc giả. Trong rất nhiều ý kiến ấy, không ít bạn đọc cho rằng vụ án “có vấn đề”.
 
Phải chẳng, người ta đang mất niềm tin tốt đẹp vào một số cá nhân nắm cán cân công lý?
 
Trước làn sóng dư luận ấy, lãnh đạo TAND Tối cao cũng như VKSND Tối cao đã lên tiếng sẽ nghiên cứu, xem xét kỹ hồ sơ vụ án cũng như diễn tiến vụ việc để có những biện pháp cần thiết, phù hợp.

Và như vậy, dù thế nào dư luận cũng được trấn an và tin rằng mọi thứ sẽ được công bố một cách minh bạch, rõ ràng.
 
Phía sau vành móng ngựa, không chỉ có nước mắt và đau thương, không chỉ có sự trừng phạt mà còn là nơi giúp con người phải đối diện với chính mình để tỉnh ngộ, để vượt qua, để đem lại niềm tin cho người khác.

Và hi vọng, niềm tin sau vành móng ngựa sẽ là tin tưởng vào cái thiện luôn thắng cái ác, vào lẽ công bằng, vào sự công tâm của pháp luật và tình người.
 
M. Phượng