Theo thống kê, lao động nữ của Ninh Bình hiện chiếm trên 50%. So với khu vực thành thị, phụ nữ nông thôn chưa có việc làm ổn định chiếm số lượng lớn đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông. Do đó lao động nữ nông thôn luôn có nguyện vọng được học nghề và có việc làm để có nguồn thu nhập ổn định.

{keywords}
Lao động nữ nông thôn luôn có nguyện vọng được học nghề và có việc làm. Ảnh minh họa

Nắm bắt tình hình thực tế, năm 2019, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các cấp Hội nông dân tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 800 nghìn lượt hội viên nông dân, trong đó có 80% là hội viên nông dân nữ… tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Các cấp Hội Phụ nữ cũng đã lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ, xác định nguyên nhân, phân công cán bộ Hội giúp trên 200 hộ thoát nghèo.

Đến nay, nguồn vốn do các cấp Hội quản lý là gần 3 nghìn tỷ đồng, cho gần 86 nghìn lượt người vay, trong đó có 14.251 lượt phụ nữ nghèo, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ tại địa phương. Hội Phụ nữ tỉnh cũng tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được chú trọng.

Trong năm 2019, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức dạy nghề cho trên 17 nghìn người, trong đó nữ chiếm trên 70% với 12 nghìn người; tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật là 685 người…

Có nghề trong tay, phụ nữ có thêm cơ hội để tìm việc làm phù hợp. Riêng năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tư vấn cho trên 9 nghìn lượt lao động nữ, giới thiệu việc làm cho hơn 200 lao động nữ.

Minh Vy