Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các thành viên hai Ban chỉ đạo; Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, địa phương liên quan.

ninh binh 1.jpeg
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh: Năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tập trungchỉ đạo thực hiện, phát huy trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh đã công bố 2.048 quy trình nội bộ giải quyết TTHC, trong đó cắt giảm được 3.640 giờ làm việc và 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành được cắt giảm 1 bước trong quy trình thực hiện.

Cải cách chế độ công vụ; cải cách tổ chức bộ máy được quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Sau sắp xếp, tỉnh còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố và 5 huyện, giảm 1 đơn vị) và 125 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 18 phường, 6 thị trấn, 101 xã, giảm 18 đơn vị)…

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, tạo môi trường làm việc hiện đại, tăng năng suất lao động, chất lượng giải quyết TTHC, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra đảm bảo tiến độ của Đề án 06. Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã chủ động tham mưu triển khai kịp thời các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, mang lại hiệu quả tích cực. Triển khai phục vụ, phát triển công dân số được đẩy mạnh, 100% công dân đủ điều kiện được cấp tài khoản định danh điện tử.

Cũng trong năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số.

Việc nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, phát triển nhân lực số được chú trọng. Việc chuyển đổi số ở một số lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, du lịch đạt kết quả tích cực.

Trong đó, đến nay, toàn tỉnh 99% cơ sở giáo dục công lập triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 45,2% học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông được triển khai học bạ số; 100% học sinh đầu cấp được triển khai, ứng dụng phần mềm đăng ký tuyển sinh; có 96,2% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử; đã vận hành và quản lý tốt 5 ki-ốt và 32 điểm phát Wifi miễn phí ở các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh; đã đưa ứng dụng (App) du lịch thông minh “Ninhbinhtourisminfo” trên thiết bị di động giúp du khách và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có được thông tin hữu ích về du lịch Ninh Bình…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong năm 2024, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong năm 2025.

 Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng hai Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng hai Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 trong năm 2024, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện bài bản, quyết liệt, tạo sự đồng thuận rất cao trong tổ chức triển khai thực hiện.

100% nhiệm vụ của Đề án 06 đã hoàn thành, nhiều nhiệm vụ hoàn thành dẫn đầu cả nước. Chuyển đổi số đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thay đổi nếp nghĩ, phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Về nhiệm vụ năm 2025, ông Ngọc đề nghị các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xây dựng.

Các tổ chức Hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Tiếp tục phát huy vai trò và sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp trong CCHC; chú trọng hình thành cộng đồng số, công dân số, văn hóa số.

Tăng cường công tác tham mưu để tăng cường kết nốivà sử dụng hiệu quả các nguồn lựctrongcải cách hành chính, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng hai Ban Chỉ đạo tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc. 

Tại hội nghị, 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 Theo Đinh Ngọc-Đức Lam (Báo Ninh Bình)