Giải Nobel Hòa bình năm nay đã vinh danh ba phụ nữ châu Phi "đấu tranh phi bạo lực vì an toàn và quyền phụ nữ tham gia vào công cuộc xây dựng hòa bình".
Đó là nữ Tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ của Liberia Leyma Gbowee và nhà hoạt động vì dân chủ, hòa bình của Yemen Tawakkul Karman.
Kể từ sau năm 2004, không có thêm phụ nữ châu Phi nào giành được Nobel Hòa bình. Trước đó, giải thưởng này từng được trao cho Wangari Maathai của Kenya. Bà đã qua đời ở tuổi 71 vào tháng trước.
Người phụ nữ Ả rập đầu tiên
Nobel lần này là sự ghi nhận tầm quan trọng của nữ quyền trong việc lan tỏa hòa bình toàn cầu. Ba chủ nhân của giải thưởng cùng chia sẻ khoản tiền trị giá 1,5 triệu USD.
Trong đó, Tawakkul Karman là người phụ nữ đầu tiên của Ả rập giành giải thưởng này.
Từ trái qua phải: Leymah Gbowee, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Tawakul Karma. Ảnh: New York Times |
Năm nay 32 tuổi, bà mẹ của 3 con nhỏ chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc với giải thưởng này. Tôi xin trao lại nó cho những người thanh niên cách mạng ở Yemen và người dân Yemen nói chung".
‘Người đàn bà thép’ châu Phi
Người phụ nữ thứ hai được tôn vinh, Sirleaf, đến từ Liberia - đất nước bị tàn phá bởi các cuộc nội chiến. Khoảng 200.000 người chết và một nửa trong tổng dân số 3 triệu người bị mất nhà cửa do cuộc xung đột kéo dài từ năm 1989 đến 2003. Đất nước này vẫn đang rất khó khăn để duy trì nền hòa bình mong manh cùng với sự giúp đỡ của quân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Sirleaf năm nay 72 tuổi. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị công tại Đại học Havard, Mỹ. Bà từng đảm nhiệm vị trí đứng đầu khu vực tại Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và chính quyền Liberia.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1997, bà chỉ về sau tướng Charles Taylor. Dù thất bại nhưng bà đã trở thành một nhân vật lỗi lạc của đất nước, và được gọi là "người đàn bà thép", "linh hồn của cách mạng Liberia", "người mẹ Cách mạng". Năm 2005, bà trở thành nữ lãnh đạo dân cử đầu tiên ở châu Phi.
Sirleaf được coi là một nhà cải cách và kiến tạo hòa bình tại Liberia.
"Giải thưởng này giúp tôi cống hiến nhiều hơn nữa cho công cuộc hòa giải" - từ Monrovia, Sirleaf chia sẻ. "Người dân Liberia hẳn sẽ cảm thấy tự hào".
Năm 2005, trả lời phỏng vấn của hãng AP, Sirleaf nói bà mong có thể truyền cảm hứng cho những người phụ nữ trẻ, và trở thành mẫu hình của họ.
"Nếu như bạn đang phải đua tranh với đồng nghiệp nam trong công việc, bạn phải làm tốt hơn họ... và phải khiến họ tôn trọng bạn, xếp bạn ngang hàng với họ. Điều này rất khó. Thậm chí ngay cả khi họ chấp thuận bạn, thì vẫn theo kiểu đàn ông nắm quyền thượng phong. Và rồi họ nói: 'Ồ, giờ thì cô ấy là một trong số chúng ta'".
Chiến dịch tranh cử của bà cũng nói lên điều đó, với câu "Ellen - Cô ấy là người Đàn ông của chúng ta".
Với giải thưởng này, Ủy ban Nobel đã biểu dương những nỗ lực của Sirleaf trong việc đảm bảo an ninh cho đất nước, thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội, củng cố vị thế của phụ nữ tại Liberia.
Trong tháng này, bà tiếp tục vận động tái cử, tuy nhiên, giải thưởng không xét đến cuộc bầu cử hiện nay tại Liberia.
"Chúng tôi không tính đến yếu tố nội bộ đó" - Chủ tịch Hội đồng Nobel của Na Uy Thorbjoern Jagland nói. "Chúng tôi phải dựa trên tâm nguyện của Alfred Nobel, rằng giải thưởng này dành cho người nào cống hiến nhiều nhất cho hòa bình thế giới".
Chiến thắng của nữ quyền
Gbowee là một tiếng nói then chốt phản đối bạo lực trong suốt thời gian nội chiến tại Liberia. Bà đã lãnh đạo một nhóm phụ nữ Thiên chúa giáo và Hồi giáo, vận động phụ nữ vượt qua mọi ranh giới về tôn giáo hoặc vô thần để cùng nỗ lực vì hòa bình, trong đó có cả chiến dịch "cấm vận sex". Bà cũng động viên họ tham gia vào các cuộc bầu cử.
Năm 2003, bà đã dẫn đầu cuộc diễu hành trên khắp thủ đô Monrovia, yêu cầu chấm dứt tình trạng các binh lính cưỡng bức phụ nữ mặc dù ba tháng trước đó, một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết.
Ủy ban Nobel ghi nhận, Gbowee đã "nỗ lực để củng cố tầm ảnh hưởng của phụ nữ Tây Phi trong và sau chiến tranh".
"Tôi thực sự bối rối. Tôi chỉ là một người bình thường. Đây là lần đầu tiên trong suốt 39 năm cuộc đời mình, tôi không thể cất lên lời nào".
"Đây là chiến thắng của nữ quyền trên toàn thế giới. Còn điều gì có thể tuyệt vời hơn là ba phụ nữ cùng nhận được giải này?", Leyma Gbowee nói.
Thu Lượng (theo BBC/Time/New York Times)