- “Yêu là yêu” – chân lý thật đơn giản cùng với những mong ước, khao khát đi tìm hạnh phúc lứa đôi của giới trẻ  đã gây xúc động với khán giả tại triển lãm “Sao không nói”, diễn ra sáng 8/6 tại 45 Tràng Tiền Hà Nội.

Những câu chuyện tình yêu –  bi kịch và hạnh phúc đã được sáu nhóm bạn trẻ chia sẻ, tái hiện trong khuôn khổ triển lãm, bao gồm các phẩm đa phương tiện: hình ảnh, âm thành và hiện vật. Nhờ đó, người xem được dẫn dắt qua nhiều xúc cảm về tình yêu: Đau đớn, day dứt, khắc khoải, tuyệt vọng, cô đơn, hạnh phúc trào dâng…



Chuyện của một nữ sinh từ quê lên thành phố học, say đắm với mối tình đầu, rồi bị người tình bỏ rơi với cái thai trong bụng. Sau bao đau đớn, cô vẫn dũng cảm giữ lại đứa con, vươn lên trong cuộc sống.  (Nhóm HS Đà Nẵng)

Tình yêu đồng tính phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những định kiến trong xã hội

Chuyện của một cặp đôi đồng tính nam vượt qua những ngăn cách dằng dặc về thời gian và địa lý cùng những định kiến để đến với nhau.

Chuyện của một học sinh đến tuổi yêu, hoang mang trong “vòng tay siết chặt” của gia đình và nhà trường. “Văn phòng mở cửa, thầy cô tư vấn luôn túc trực từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, nhưng hàng ghế chờ trước cửa phòng vẫn xếp và không có bóng người, vì sao?


Những câu chuyện không xa lạ, nhưng vẫn đầy ám ảnh

Chuyện của nữ sinh ám ảnh lần phá thai đầu tiên. Chuyện đôi công nhân yêu nhau trong nghèo khó, của một người mẹ có H luôn day dứt nhớ đứa con đã mất… Những câu chuyện ấy không xa lạ, song lần đầu tiên được những “người trong cuộc” tự tin nói lên với thông điệp về các vấn đề họ gặp phải trong đời sống tình yêu, tình dục, cũng như những ước mơ thầm kín của họ.


Những kỷ vật tình yêu làm xúc động mạnh người xem. Nhiều người chia sẻ, họ không khỏi rung mình trước những xúc cảm rất mãnh liệt trong từng hình ảnh, hiện vật.

Sáu nhóm thanh niên tham gia thực hiện và trình bày tại triển lãm bao gồm: sinh viên Học viện Báo chí, sinh viên Đại học Sư phạm, học sinh phổ thông trung học thành phố Đà Nẵng, nhóm công nhân trẻ, nhóm thanh niên có H, và nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới.

 Đây là những nhóm đối tượng có đời sống tình dục tích cực song cũng là nhóm còn ít nguồn lực và vị thế xã hội. Thậm chí những nhóm không thuộc số đông như nhóm có H, nhóm khuyết tật, nhóm LGBT còn đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc được đảm bảo các quyền tình dục chính đáng.



Khán giả thể hiện quan điểm của họ về sự bình đằng trong tình yêu

"Bác Hồ đã viết một trong các quyền mà ai cũng được có là “quyền mưu cầu hạnh phúc. Thực tế, chúng ta không thể ngờ rằng có những điều với nhiều người là rất giản dị, rất tự nhiên… lại là những thách thức, những ước mơ tưởng chừng không thể thực hiện được với một số người. Những câu chuyện trong triển lãm không phải bây giờ mới xảy ra nhưng thường không được nói ra vì những kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội” – bà Hoàng Tú Anh, Chủ tịch Liên Minh Quyền tình dục nói.

Về mục đích của triển lãm, bà Tú Anh bày tỏ: “Chúng tôi hi vọng triển lãm Sao không nói sẽ giúp mọi người có cái nhìn cởi mở hơn, nhân văn hơn về những quyền rất cơ bản của mỗi con người, như quyền được yêu, được kết hôn, được có con, được có các mối quan hệ tình cảm và tình dục an toàn, thỏa mãn, không bạo lực…”

Quỳnh Anh