“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Mới gần 16h, nhưng khu chợ cuối thôn 7, Chợ Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội)
đã khá tấp nập, ngập tràn màu áo công nhân (CN) của những công ty thuộc khu công
nghiệp Bắc Thăng Long từ Canon, Hoya đến SUNCALL, NISSEI…
Nhanh tay nhặt liền hai mớ rau muống, chị Nguyễn Thị Huyền (công nhân Công ty
Hoya) bảo: “Ở đây chợ chiều thường họp sớm để công nhân mua đồ về nấu bữa tối
cho kịp đi làm ca ba bắt đầu lúc 6h tối”.
Giơ túi thức ăn vừa mua chị cười: “Mấy hôm nay nắng lên rau cỏ rẻ rồi nên mua ăn
bù những hôm trước, rau muống cũng còn 2 nghìn một mớ, tính ra như bữa tối hôm
nay của ba chị em tổng chi hết 25 nghìn”.
Theo chân chị Huyền về khu nhà trọ nằm trong một ngõ nhỏ giữa thôn có tới gần 10
dãy nhà cho thuê chủ yếu cũng là công nhân của khu công nghiệp. Nằm khuất phía
cuối ngõ, dãy nhà chị thuê trọ có 12 phòng, mỗi phòng chỉ khoảng 15m2 nhưng đồ
đạc trong mỗi phòng được các chị sắp xếp khá ngăn nắp.
Tất cả đều đang tất bật chuẩn bị nấu bữa cơm tối. Sau một hồi xào nấu trên chiếc
bếp ga du lịch đặt cuối phòng, ba chị em Huyền đã làm xong bữa tối đơn giản với
đĩa rau muống luộc, bát thịt sốt cà chua thêm mấy quả dưa chuột.
Bữa tối bỗng trùng xuống khi chúng tôi chợt nhắc tới giá phòng, giá điện nước.
Nhưng rồi các chị bảo: “Tết ra từ tiền nhà đến điện, nước đều có tăng thêm chút
ít rồi xăng lại tăng kéo theo bao nhiêu thứ khác tăng theo, mà lương thì vẫn
vậy. Nhưng khó nó là cái khó chung, thiếu thốn hay đầy đủ cũng là do mình khéo
ăn thì no mà khéo co thì ấm”.
Thời kỳ giá cả đắt đỏ nên mấy chị em phải ăn uống chi tiêu tiết kiệm "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" |
Chị tâm sự: “Thời kỳ giá cả đắt đỏ nên mấy chị em phải ăn uống chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Có khi ăn cái này thì cũng phải tính bớt cái kia, như việc nấu thêm ít cơm trong bữa tối để sáng ra rang cơm, tính ra cũng giảm được đáng kể đồng quà tấm bánh vào buổi sáng. Cả khu trọ nhà nào cũng tiết kiệm bằng đồ ăn khô vì rẻ mà lại ăn được lâu”.
Nói rồi, chị chỉ tay vào bịch cá tôm khô, hộp
đựng muối vừng cùng lọ ruốc đặt trên kệ bát.
Không chỉ có thế, với những công nhân ở đây, tiết kiệm còn phải biết tận dụng.
Tận dụng từ nước vo gạo để rửa rau rồi nước giặt quần áo cũng được trữ lại để
lau rửa nhà vệ sinh chung. Rồi từ ngày xăng tăng giá, xe máy chỉ được sử dụng
khi cần thiết phải đi xa, còn khi đi làm các chị thay nhau, ai làm ca sáng thì
đi bộ, ai làm ca đêm thì chở nhau bằng xe đạp.
Qua dãy nhà trọ bên cạnh với 15 phòng nhưng cũng có khá nhiều nam công nhân cũng
thấy các anh đang hì hụi nấu cơm. Thay vì ăn cơm bình dân ở các quán như trước,
giờ đây các anh cũng đi chợ sắn tay nấu nướng. Đi làm cũng rủ nhau đi cùng xe
máy hay “xuống đời” xe đạp để tiết kiệm chống “bão”.
Đặc biệt, sau một tháng đi xe đạp chống bão giá, Phúc và Huệ trong khu trọ cũng
chính thức 'nổi bão tình', câu chuyện tình yêu mà mọi người vẫn gọi trêu là mối
tình xe đạp thời bão giá.
Hành trình 'vượt bão' về quê
Tính thêm những giờ tăng ca, mỗi công nhân làm việc trong các công ty tại khu
công nghiệp Bắc Thăng Long có thu nhập bình quân khoảng từ 2.700.000 –
3.000.000 đồng/ tháng. Họ hầu hết đều là những lao động nông thôn nên đồng lương
ấy không chỉ trang trải cho cuộc sống cá nhân mà còn là một phần không thể thiếu
để gửi về quê.
Trong cái khó ló cái khôn, và trong cơn bão giá những người công nhân vẫn đang
chống bão bằng những cách tiết kiệm của chính mình.
Nhiều công nhân thực hành tiết kiệm bằng cách đi xe đạp đi làm |
Vuốt thẳng mấy đồng tiền lẻ đi chợ về, chị Huyền chia sẻ: “Khó khăn mới biết tiết kiệm. Đi chợ nhiều khi cũng phải mặc cả đến từng 5 trăm con cũng là tích tiểu thành đại”. Rồi chị khoe thêm: “Nhờ việc tiết kiệm từ tiền ăn, tiền điện thắp sáng, tận dụng nước sinh hoạt mà cả dãy trọ tháng vừa rồi phòng nào cũng tiết kiệm được đến cả trăm nghìn, có phòng tiết kiệm được nhiều đến 225.000 đồng so với tháng trước”.
Ngày cuối tuần sắp hết tháng nhưng vẫn có rất đông công nhân ở lại trong các khu trọ. Không đi làm tăng ca thì cũng không có mấy người về quê bởi với anh chị “xăng tăng tiền xe khách cũng tăng lên nên cũng phải tiết kiệm từng cây số về quê. Chịu khó để có ít lưng vốn mang về”.
“Trước đây, bình thường mỗi tháng chị gửi về cho gia đình được 1.500.000 đồng. Nhưng mấy tháng trước giá cả tăng quá chị chỉ gửi về nhà cho bố mẹ và các em được vài trăm nghìn, loay hoay chỉ sợ không thể xoay sở được cho cuộc sống của chính mình ở trên này nhưng biết tiết kiệm nên hai tháng này chị lại gửi về giúp bố mẹ được 800 rồi 1.000.000 đồng” – trong mắt chị Huyền như ánh lên niềm vui khi chị chia sẻ.
Gần 18h, cả khu trọ rộn lên tiếng gọi nhau í ới đi làm ca, tiếng dắt xe đạp lạch cạch. Dọc con đường đất từ thôn Bầu ra khu công nghiệp, từng đoàn công nhân nối bước nhau...
- Hồng Khanh
(còn nữa)