Tại Thung lũng Silicon, Apple nổi tiếng với cách quản lý nhân viên chặt chẽ cùng văn hóa doanh nghiệp bí mật. Vậy nên việc doanh nghiệp này đang phải đối mặt với sự bất ổn chưa từng thấy từ những người lao động là một sự kiện đáng chú ý.
Cuộc họp bất thường
Ngày 17/9, CEO Tim Cook đã tham gia cuộc họp đầu tiên được phát sóng trực tuyến cho toàn bộ nhân viên của Apple. Tại đây, ông tiếp nhận nhiều câu hỏi ở các chủ đề khác nhau, bao gồm công bằng tiền lương, lập trường chính trị của công ty về luật cấm phá thai từ 6 tuần tuổi tại Texas.
Theo nguồn tin từ New York Times, CEO của Apple chỉ trả lời 2 câu hỏi trong số này.
Trước câu hỏi về tiền lương, Tim Cook và Giám đốc Nhân sự Deirdre O’Brien nói họ vẫn thường xuyên đánh giá để tính công bằng luôn được đảm bảo. CEO của Apple cũng cho biết công ty đang xem xét khả năng hỗ trợ cuộc chiến pháp lý cho một bộ luật mới, đồng thời đề cập đến gói bảo hiểm có thể giúp đỡ nhân viên thanh toán chi phí phá thai tại tiểu bang khác ngoài Texas.
Câu trả lời của Tim Cook mang về những phản ứng trái chiều. Một số người cổ vũ ông, số khác lại tỏ rõ sự thất vọng.
Janneke Parrish, một thủ lĩnh của nhóm biểu tình cho biết mình đã gửi thắc mắc về hành động cụ thể mà Apple sẽ thực hiện nhằm đảm bảo việc trả lương công bằng.
Cô cũng đề cập đến việc nâng cao vai trò của phụ nữ và người da màu trong thành phần ban lãnh đạo.
“Những câu trả lời mà Tim đưa ra ngày hôm nay cho thấy chúng tôi đã không được lắng nghe", Parrish cho biết.
Làn sóng giận dữ dâng cao
Suốt một tháng qua, hơn 500 người tự xưng là cựu nhân viên, nhân viên hiện tại của Apple đã thu thập tư liệu và gửi đến nhóm hoạt động mang tên #AppleToo.
Theo Cher Scarlett và Janneke Parrish, hai nhân viên của Apple đồng thời là lãnh đạo của nhóm, các thông tin bao gồm cáo buộc về lạm dụng bằng lời nói, quấy rối tình dục, trả thù, phân biệt đối xử và nhiều vấn đề khác.
Nhân viên tại Apple đang tỏ ra không hài lòng với môi trường làm việc hiện nay. Ảnh: 9to5Mac. |
Nhóm đã bắt đầu đăng tải những câu chuyện ẩn danh lên mạng, khuyến khích các đồng nghiệp liên hệ với quan chức nhà nước để giải quyết khiếu nại. Những vấn đề của họ cũng như của 8 nhân viên đã trao đổi với New York Times bao trùm nhiều khía cạnh, hội tụ điểm chung ở sự bất công bằng tiền lương và cách thức kinh doanh của công ty.
Chia sẻ với New York Times, nhân chứng cho biết những lời phàn nàn về quản lý hay đồng nghiệp của họ thường xuyên bị bỏ qua. Họ cũng cảm thấy lo sợ khi muốn nhận xét về cách thức kinh doanh của công ty.
Sau thời gian làm việc tại Apple và 8 công ty khác, Scarlett cho biết mình chưa từng chứng kiến sự sợ hãi khi phải lên tiếng chống lại doanh nghiệp đến thế. Phía bên kia, phát ngôn viên của Apple nói rằng nhân viên có thể “tự do bàn luận về tiền lương, giờ làm hay điều kiện làm việc”.
Công ty của những bí mật
Nguyên nhân cho vấn đề này bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp đầy bí mật của Apple, nơi không khuyến khích nhân viên chia sẻ nỗi bất an về công việc với người khác, dù là đồng nghiệp, báo chí hay mạng xã hội.
Bí mật luôn là yếu tố được CEO quá cố Steve Jobs coi trọng. New York Times nhận xét ông là người bị ám ảnh với việc ngăn chặn tin rò rỉ từ các sản phẩm mới nhằm tạo sự ngạc nhiên cho công chúng. Theo thời gian, các nhân viên cho biết văn hóa bí mật này đã ảnh hưởng và lan ra rộng hơn.
Steve Jobs và Tim Cook khi còn đứng chung một sân khấu. Ảnh: Getty Images. |
“Văn hóa bí mật của Apple thật độc hại. Một mặt tôi hiểu việc giữ bí mật là điều quan trọng trong việc bảo vệ các sản phẩm, gây bất ngờ và làm hài lòng khách hàng. Nhưng mặt khác, nó lại gây ra sự cấm đoán và gây tổn thương", Christine Dehus, một nhân viên cũ tại Apple chia sẻ.
Sau 5 năm gắn bó, Dehus đã quyết định rời công ty sau nhiều năm tranh đấu vì được bổ nhiệm ở một vị trí yêu cầu nhiều thời gian làm việc nhưng đi kèm với mức lương thấp hơn.
Nỗ lực ngăn chặn rò rỉ và văn hóa kín đáo của Apple khiến sự tiếp xúc của các nhóm nhân viên bị hạn chế. Tại Apple, không có bất cứ bản tin hay phương tiện giao tiếp quy mô lớn giữa nội bộ người lao động tồn tại cho đến khi Slack được sử dụng vào năm 2019.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Slack lại càng trở nên phổ biến. Trong đó, một kênh Slack với khoảng 7.500 nhân viên đã được thành lập nhằm thúc đẩy Apple phải linh hoạt hơn trong việc sắp xếp thời gian làm việc từ xa.
“Với nhiều người trong số chúng tôi, đây là cơ hội đầu tiên để tương tác với những người bên ngoài phòng làm việc. Trước đây, không ai trong chúng tôi biết có ai đó cũng đang trải qua những điều này", Parrish cho biết.
Bất ổn vẫn còn tiếp diễn
Bên cạnh các hoạt động nhóm, những cuộc chiến cá nhân tại Apple cũng đang được báo chí quan tâm.
Ashley Gjovik, Giám đốc Kỹ thuật chương trình của Apple đã bị sa thải sau 6 năm làm việc. Cô cho biết mình đã có những phàn nàn về môi trường văn phòng không đủ tiêu chuẩn cho hoạt động kiểm tra chất độc hại, đồng thời cũng lên tiếng khi bị nhận xét phân biệt giới tính từ quản lý.
Từ phía Apple, hãng cho biết Gjovik đã làm rò rỉ thông tin sản phẩm và không hợp tác trong quá trình điều tra.
Gjovik đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng và Bộ Tư pháp.
Nổi tiếng với sự kín đáo và bí mật, Apple đang cho thấy những khía cạnh bất ngờ của doanh nghiệp. Ảnh: Apple. |
Tại Maryland, một nhân viên khiếm thính của Apple Store phải giao tiếp với khách hàng bằng cách đánh máy lên iPad. Thay vì có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu như luật liên bang cho phép, anh nhận được sự từ chối từ quản lý.
Dù cuối cùng cũng có được điều mình mong muốn, Richard Dahan cho biết cấp trên đã coi anh như một kẻ phiền phức và từ chối thăng cấp cho anh.
Ở một góc khác, những lời phàn nàn dường như đã có công hiệu. Năm nay, Apple đã sa thải Antonio García Martínez chỉ vài ngày sau khi bổ nhiệm. Trước đó, hơn 2.000 chữ ký của các nhân viên cùng một lá thư yêu cầu ban lãnh đạo xem xét “những nhận xét phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính công khai” của cựu giám đốc sản phẩm Facebook.
Apple có khoảng 160.000 nhân viên trên khắp thế giới. Sự bất ổn này đặt ra câu hỏi, liệu đây có chỉ là vấn nạn riêng ở các doanh nghiệp lớn hay nó đang phản ánh một vấn đề mang tính hệ thống trong môi trường kinh doanh.
Ba năm trước, các nhân viên đã cùng tuần hành ra khỏi văn phòng Google để phản đối chính sách ưu ái dành cho nam lãnh đạo có hành vi quấy rối tình dục. Năm ngoái, Facebook chịu nhiều chỉ trích khi xử lý các bài đăng của cựu Tổng thống Donald Trump. Tại Mỹ, nhiều công ty cũng tỏ rõ lập trường không cho phép việc thảo luận các chủ đề bên ngoài công việc.
Đứng trước cơn đau đầu gây ra bởi chính các nhân viên, Apple tái khẳng định đang và sẽ luôn cam kết kiến tạo một môi trường làm việc tích cực và hòa nhập.
“Chúng tôi xem xét nghiêm túc, điều tra kỹ lưỡng những mối lo lắng được đưa ra, và vì sự tôn trọng riêng tư cho các cá nhân có liên quan, chúng tôi không thảo luận các vấn đề cụ thể của nhân viên”, đại diện công ty cho biết.
Theo Zing
Apple thua kiện nguy cơ mất hàng tỷ USD, TikTok lại bị sờ gáy
Apple thua trong vụ kiện lịch sử, nguy cơ mất hàng tỷ USD; TikTok bị sờ gáy tại châu Âu; Apple ra mắt iPhone 13;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.