“Cô cứ đứng đực ra nhìn cái gì thế? Có thấy mọi người đang làm việc không? Tôi không bỏ tiền ra để thuê một đứa chỉ biết ngồi không. Đồ vô dụng”.

Mới "chân ướt chân ráo" du học chưa lâu, nhiều lúc lòng vẫn sụt sùi nhớ nhà, Thùy Dương (22 tuổi, du học sinh Canada) phải kìm nén mới không òa khóc tại chỗ khi bị quản lý nhà hàng quở trách ngay ngày đầu tiên đi làm.

Lúc ấy, cô mới khoác lên mình chiếc tạp dề phục vụ chưa đầy nửa tiếng.

“Không phải mình cố tình đứng chơi mà lúc bàn giao công việc, quản lý chẳng chịu chỉ dẫn hay bảo mình làm cụ thể việc gì. Mình đang lơ ngơ đứng quan sát mọi người làm việc thế nào thì bị anh ta mắng cho một trận”, Dương kể lại.

Nén nỗi tủi thân vào trong, Dương chỉ biết cuống quýt xin lỗi rồi chạy đi làm việc, thấy các bồi bàn khác làm cái gì thì bắt chước.

{keywords}
Phần lớn du học sinh Việt làm thêm các công việc phù hợp cho sinh viên để trang trải cho cuộc sống du học đắt đỏ. Ảnh: Chunichi Shimbun.

Ngày đầu tiên đi làm thêm nơi đất khách quê người của Dương khởi đầu không hề êm đẹp. Những ngày sau, dù đã quen với công việc hơn, cô vẫn thấy “mọi thứ cũng không nhẹ nhàng đi mấy”.

Tay mỏi nhừ vì bưng bê đồ nặng. Chân đau tấy vì chạy đi chạy lại cả ngày. Đánh vật với hàng chồng bát đĩa, nồi xoong lớn, kỳ cọ, chà xát vào từng ngóc ngách nhỏ vì chỉ cần sót lại chút mỡ nào là bị khiển trách ngay lập tức.

“Nếu như các nhà hàng khác vào những lúc không có khách, nhân viên vẫn được phép làm việc riêng như ngồi nói chuyện, sử dụng điện thoại thì chỗ mình cấm tiệt chuyện này. Nghĩa là nhân viên phải kiếm việc khác để làm như vệ sinh, cọ rửa lại bàn ghế nên chẳng lúc nào được ngơi tay”, cô cho hay.

Thùy Dương, cũng như bao du học sinh Việt khi bắt đầu cuộc sống mới, nhanh chóng đi làm thêm kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ nơi xứ người.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2017, khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài. Năm quốc gia hàng đầu được du học sinh Việt Nam chọn đến bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc và Vương quốc Anh.

Từ những công việc chân tay tới các công việc văn phòng liên quan đến chuyên ngành học, du học sinh Việt đều phải đối mặt với ít nhiều khó khăn như đi làm chui bị chủ chèn ép, bất đồng ngôn ngữ, bị người bản địa kỳ thị…

Bị ném hóa đơn vào mặt vì bất đồng ngôn ngữ

Lúc mới sang Nhật Bản du học, Ánh Ngọc (22 tuổi, du học sinh Nhật) chưa thạo tiếng, cũng không quen biết ai để nhờ giới thiệu việc làm thêm.

9X cứ thế tìm tòi trên các trang đăng tuyển mà người Nhật hay dùng. Tới khi nhận điện thoại để nghe người ta hẹn ngày giờ, địa điểm phỏng vấn, cô phải vừa nghe vừa đoán vì họ nói quá nhanh.

Cứ thế, sau 3-4 lần đi tìm việc, Ngọc trở thành thu ngân tại một siêu thị ở Tokyo. Đến lúc này, do tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng, rắc rối càng tiếp tục nảy sinh nhiều hơn.

“Nhiều khi khách tới chỗ mình hỏi mà mình không thể hiểu một tí gì, quản lý cũng chẳng ở đấy để chạy tới hỏi được, những người khác tới xếp hàng thanh toán ngày một đông thêm làm mình cuống kinh khủng”, Ngọc kể lại.

{keywords}
Nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh, thu ngân siêu thị, phục vụ bàn là những công việc được nhiều du học sinh Việt lựa chọn. Ảnh: Watoku.

Thứ làm khó Ngọc hơn cả là mỗi khi nói chuyện với khách hàng, nhân viên đều phải sử dụng kính ngữ.

“Mà kính ngữ trong tiếng Nhật thì vô cùng lằng nhằng rắc rối khiến ban đầu, mình cứ ấp úng mãi, không biết xưng hô sao cho không phật ý khách”, cô cho hay.

"Kỷ niệm" khó quên nhất trong quãng thời gian làm thu ngân của Ngọc cũng xuất phát từ hiểu lầm trong giao tiếp. Khách hàng tưởng Ngọc làm sai yêu cầu, còn cô dù làm đúng nhưng không biết giải thích sao cho thỏa đáng.

Cuối cùng, vị khách nói mấy câu nghe khá khó chịu rồi ném thẳng hóa đơn vào mặt Ngọc rồi bỏ đi luôn.

“Lúc đó mình thật sự sốc vì chưa bao giờ phải chịu hành động thô lỗ như thế cả nhưng mà vì khách hàng phía sau đang chờ đông quá nên mình phải gọi người tiếp theo luôn chứ chả có thời gian mà nghĩ nữa”, Ngọc nhớ lại.

“Sinh viên châu Á không hòa nhập được”

Hết mùa hè năm nhất dự bị đại học, Minh Nguyệt (21 tuổi, du học sinh Đức) đăng ký làm công nhân tại dây chuyền sản xuất của một nhà máy sản xuất đồ chơi trong vùng.

Tại chỗ làm, cô bạn trở thành nạn nhân của thói “ma cũ bắt nạt ma mới” từ những người phụ nữ trung niên đã làm ở đấy cả chục năm.

“Trong mắt họ, mình chỉ là đứa trẻ con, hơn nữa lại là sinh viên châu Á nhỏ con, nhẹ người nên họ tận dụng mọi cơ hội để bắt nạt”, Nguyệt nhớ lại.

{keywords}
Bàn tay bong tróc hết da ở đầu ngón tay vì phải rửa bát quá nhiều của du học sinh Việt. Ảnh: Phạm Công Dương.

Mới đầu chưa quen làm chậm đã bị quát mắng. Bắt phải làm vượt quá chỉ tiêu sản xuất. Làm theo đúng hướng dẫn vẫn bị bắt lỗi, nhận những cái lắc đầu, chép miệng.

Đấy là những gì cô bạn cho hay mình phải đối diện mỗi ngày khi đối mặt với những người đồng nghiệp xấu tính, kỳ thị người nước ngoài.

“Mình bực mình chứ nhưng đành phải chịu ấm ức thôi. Thật có nhiều lúc, mình tự hỏi không hiểu mình đã làm gì mà họ đối xử với mình ác vậy”, Nguyệt bức xúc.

Chưa hết, đến giờ giải lao giữa giờ, Nguyệt chỉ biết bơ vơ một mình, trong khi những người còn lại tụ tập với nhau, cố tình nói xấu cho cả Nguyệt nghe thấy. Không ít lần, họ công khai nhìn đểu, cười mỉa để trêu tức cô bạn.

“Đỉnh điểm là có hôm họ bắt nạt mình ghê quá, liên tiếp từ sáng đến chiều khiến mình không thể chịu được hơn nữa. Mình bỏ dở việc chạy ra chỗ khác ngồi khóc đầm đìa, nức nở luôn”, cô bạn nhớ lại.

“Trong cái rủi cũng có cái may, có một chị người Ba Lan thấy tình cảnh mình đáng thương đã lên tiếng bênh vực mình và đi báo cáo với cấp trên. Cũng nhờ vậy mà sau đó mình được chuyển sang bộ phận khác, không phải chung chỗ với những người bẩn tính kia nữa”, Nguyệt nói thêm.

Hiện tượng sinh viên gốc Á bị phân biệt đối xử khi đi du học không phải là chuyện hiếm.

Sam Phan, một du học sinh gốc Á, viết trên Guardian: “Sinh viên châu Á thường là đối tượng bị đem ra làm trò đùa, chơi xấu của cả sinh viên lẫn người bản xứ, bởi họ coi đó là mục tiêu dễ dàng tấn công”.

“Sinh viên châu Á không bao giờ hòa nhập được”, “Tiếng Anh của họ thật tệ hại”, “Tôi không thích đi bộ phía sau sinh viên châu Á bởi họ đi bộ rất chậm” là một trong nhiều định kiến Sam cho hay mình thường xuyên gặp phải.

(Theo Zing)