Mặc dù sống trong một đất nước nơi lòng hiếu thảo luôn được khuyến khích, người già Trung Quốc đang cảm thấy bị bỏ rơi khi con cái chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại di động trong suốt thời gian rảnh rỗi.

TIN BÀI KHÁC:


Những chiếc điện thoại thông minh ngày càng khiến giới trẻ Trung Quốc không thích trò chuyện trực tiếp với những người xung quanh. (Ảnh minh họa: ecns.cn)
Tại các nhà hàng, trên xe buýt và thậm chí là ở nhà, giới trẻ vẫn trò chuyện trực tuyến, chơi điện tử hoặc lướt Twitter trên chiếc điện thoại thông minh của mình mà không quan tâm tới gia đình hay những bạn bè đang ngồi cạnh họ.

Vào ngày 12 tháng 10, một ông lão ở thành phố Thanh Đảo đã bày tỏ sự giận dữ với trào lưu này bằng cách đập tan một chiếc đĩa ngay trên bàn ăn, nơi đứa cháu ông đang mải mê với chiếc điện thoại tới nỗi không nói nửa lời với ông.

"Cháu hãy sống với chiếc điện thoại của mình đi," ông lão nói trước khi rời đi.

Mọi người bắt đầu bàn tán về ảnh hưởng của thời đại công nghệ tới sự gắn kết gia đình sau khi truyền thông địa phương đưa câu chuyện này lên mạng internet.

"Qua câu chuyện trên, tôi nhận gia rằng khoảng cách lớn nhất trên thế giới là khi tôi ngồi trước mặt bạn và bạn đang bận rộn với chiếc điện thoại của mình," Zhang Feng, một nhân viên văn phòng thế hệ 8x nói.

Zhang, người làm việc tại một công ty kế toán tại Thượng Hải, cho hay áp lực của công việc và những chuyến công tác thường xuyên đã khiến cô đánh mất cả thời gian và tâm trí liên lạc với cha mẹ.

"Tôi hiếm khi nói chuyện sau khi đi làm về và các trang mạng xã hội trở thành kênh chủ yếu để tôi liên hệ với bạn bè," cô cho biết và nói thêm rằng cô sẽ trở nên lạc hậu nếu không thể cập nhật thông tin trên đó. Zhang dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình để lướt nét và thậm chí là cả lúc ăn tối, cô cũng chụp ảnh và đăng chúng lên blog cá nhân - những việc mà cô cho rằng cha mẹ không thể nào hiểu được.

Tại Công viên Xujiahui tại Thượng Hải, một phụ nữ 60 tuổi họ Wang đang trông đứa cháu trai nô đùa. Bà cho biết con trai và con dâu bà không đi làm về trước 7 hoặc 8 giờ tối và sau đó họ lại vào Internet trên điện thoại hoặc máy tính cho tới lúc đi ngủ. "Chúng rất ít khi nói chuyện với tôi và để tôi một mình chăm sóc cháu," bà Wang than phiền.

Bà từng đề nghị tổ chức một buổi họp gia đình để thảo luận về vấn đề này nhưng con trai bà nói rằng không có gì để nói.

"Tất cả những gì tôi muốn là nói chuyện với chúng," bà Wang nói.

Để "giành" lại thời gian, bà Wang đã đưa ra "luật nhà" cấm dùng điện thoại trong bữa tối.

Chức năng đa dạng của điện thoại thông minh đang thách thức lòng hiếu thảo tại Trung Quốc khi mà ngày càng nhiều người trẻ thích chơi với điện thoại hơn là nói chuyện trực tiếp.

Zhang Youde, một nhà xã hội học tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết phong cách giao tiếp "người với người" đã bị biến thành "người với điện thoại", khiến những người già cảm thấy bị cô lập và làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khoảng cách thế hệ.

"Người cao tuổi, những người thường tương tác trực tiếp, đang bị bỏ rơi trong thời đại công nghệ," Zhang nói.

Zhang cũng khuyên rằng giới trẻ nên để ý tới cảm giác của cha mẹ và giao tiếp với họ nhiều hơn.

Sầm Hoa (Theo ShanghaiDaily)