- “Buồn vì thấy nền kinh tế nước ta đang dần tụt hậu xa so với các nước trong cùng khu vực, nhưng dù sao cũng thấy vui khi các nhà lãnh đạo đã nhìn ra và dám nói ra sự thật. Phải thừa nhận là mình đang bị bệnh mới có thuốc đặc trị”, đây là một trong rất nhiều ý kiến độc giả gửi tới chia sẻ về nỗi đau kinh tế tụt hậu.
Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” dường như đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho nỗi lo lớn hơn về một nền kinh tế đang tụt hậu - như thừa nhận của người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương tại một hội thảo mới đây. Sau hai bài viết liên quan về chủ đề này đăng trên VietNamNet, hàng trăm độc giả đã cảm nhận thấy “nỗi đau” mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt và cùng chia sẻ nỗi lo lắng này.
Căn bệnh “mãn tính” thành tích
Một trong số những căn bệnh đang trở thành “mãn tính” ở Việt Nam đầu tiên phải kể đến bệnh thành tích.
Độc giả Lê Khang (soulofstone...@gmail.com), kể rằng: “Tôi có cơ hội đi kiểm tra các địa phương theo chuyên đề, trước khi đi yêu cầu gửi báo cáo, đề nghị địa phương nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Đọc báo cáo gửi trước thì cái nào cũng tốt, đạt. Đến khi đi thực tế thì ôi thôi, nhiều chỗ khiếm khuyết, nhiều chỗ làm không đúng quy định. Nhưng điều tôi bận tâm nhất là khi cấp trên có công văn để chấn chỉnh nhưng cấp dưới bất tuân thượng lệnh. Việc này phải xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay để khi trên bảo dưới phải nghe”.
Còn độc giả có email 468dung@gmail.com viết: “Thật là lạ, không ở đâu như Việt Nam. Tôi có quen một chú làm ở cục thống kê tỉnh A., tôi hỏi tại sao tỉnh nào cũng báo cáo chỉ số tăng trưởng từ hai con số trở lên, nhưng chỉ số của cả nước chỉ là một con be bé! Chú ấy bảo cách tính khác nhau, cấp tỉnh khác cấp quốc gia. Như vậy thì thống kê báo cáo để làm gì? Nay nhà báo và các nhà kinh tế nói toẹt ra đọc xong tôi muốn té ghé vì báo cáo gởi cho có lệ thôi!”.
Phấn đấu là một nước công nghiệp nhưng Việt Nam chưa có ngành công nghiệp nào thực sự phát triển. (ảnh chụp tại KCN Bắc Ninh - minh họa) |
Rõ ràng, bệnh thành tích ở Việt Nam không chừa bộ lĩnh vực nào. “Tôi làm ở một DNNN, có ông Chủ tịch HĐQT một công ty còn tư duy kiểu mua máy móc hàng bãi về, không sử dụng vài năm nhưng vẫn có lãi do trượt giá, thế là tất cả cùng hoan hô. Cấp trên còn đánh giá ông ta học ở Nga về nên khen. Kiểu như vậy sao kinh tế không thụt lùi?” - một độc giả tiết lộ.
Chính vì vậy, độc giả ở địa chỉ huy.dancing...@yahoo.com đánh giá, nếu mạnh dạn thẳng thắn từ nhiều năm trước rằng chúng ta cần người tài, có trình độ, có tâm... để lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các sở ban ngành chuyên môn... thì chắc chắn các doanh nghiệp nhà nước đã ăn nên làm ra chứ không phải như bây giờ, khi họ có đủ mọi điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, ưu đãi... mà vẫn “dậm chân tại chỗ”. “Đó chính là do những hệ lụy bệnh thành tích của các vị lãnh đạo này rập khuôn từ trước tới nay, không chịu cải cách, dám nhận trách nhiệm, dám từ chức... ”, độc giả này đúc kết.
Nỗi đau tụt hậu
Hệ quả là, bệnh thành tích và tham nhũng đã làm Việt Nam kém hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế, trong khi các nước cùng khu vực như Indonesia, Thái Lan... hay nền kinh tế mới mở cửa như Myamar lại hấp dẫn hơn. Chính vì vậy mà dầu tư quốc tế vào Việt Nam càng giảm. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc khá lớn vào đầu tư nước ngoài nên kéo theo cả nền kinh tế phát triển chậm lại. Lý do là vì những nguyên nhân quá cũ, năm nào cũng nói nhưng chẳng cải thiện được là bao như bệnh thành tích, tham nhũng, thủ tục hành chính lòng vòng... - độc giả Đinh Lê Vũ (vudinh... @gmail.com) cho hay.
Độc giả Nguyễn Thành Trí (trithanh0309@yahoo.com.vn) thì kể một câu chuyện chua xót. Anh viết: “12 năm trước tôi làm việc cho một công ty Đài Loan, ông sếp của tôi nói một câu ‘kinh tế Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, sau Đài Loan 20 năm, sau Nhật 50 năm và sau Mỹ một thế kỷ’. Lúc đó tôi rất ghét ông, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy ông nói rất đúng. Tham nhũng và bệnh thành tích kéo kinh tế Việt Nam tụt hậu ngày càng xa. Ví dụ một cán bộ nhà nước lương chưa đến 10 triệu một tháng nhưng xây nhà hàng tỷ đồng, tiền tỷ đó ở đâu mà có? Đó là một sự thật mà ở bất cứ đâu bạn cũng thấy! Thật xót xa nhưng biết làm sao?”.
Cũng chính vì bệnh thành tích, ưa hào nhoáng bề ngoài mà “ra đường thấy xe ô tô nhiều; nhà cao tầng, khu đô thị mọc lên khắp nơi; báo cáo thì toàn con số đẹp cứ tưởng đất nước ngày càng phát triển. Nhưng than ôi, đất nước đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ, nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng ở mức kỷ lục” - độc giả có email vietdangthanh@gmail.com bày tỏ lo lắng.
Giải quyết nợ xấu ngân hàng là bài toán khó hiện nay (ảnh minh họa) |
Trong khi đó, báo cáo về tình hình phát triển tại các địa phương, doanh nghiệp lại thường được tô hồng, nhưng trên thực tế thu nhập, cuộc sống của người dân không được cải thiện là bao. Độc giả Nguyễn Hồng Sơn (sonfa139@yahoo.com.vn) chất vấn các vị lãnh đạo đã bao giờ đi thực tế hay thử cầm giỏ đi chợ chưa?
“Thử tính xem, với đồng lương ít ỏi của một công nhân thì mua được cái gì...? Chưa kể đến những người không có công ăn việc làm, thử hỏi như vậy thì làm sao người dân ngóc đầu lên được? Làm đủ ăn còn khó chứ đừng nói chi đến làm giàu. Làm không ra nhưng phải chịu đủ mọi thứ thuế. Nói thật, chỉ cần so với những nước lân cận chúng ta cũng đã thua xa rồi”.
Đừng loay hoay trên bờ
Trả lời câu hỏi bài viết Kinh tế tụt hậu: Ai gieo, ai gánh?, theo độc giả có email chuotvanghp@yahoo.com.vn, chẳng phải bây giờ mà từ lâu rồi các nhà khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra nền kinh tế của ta là "ăn xổi ở thì".
Vì thế, độc giả Nguyễn Ngọc Long (ngoclong...@ygmail.com) lo ngại, nếu cứ làm việc như hiện nay thì đến năm 2050 chứ đừng nói đến 2020 Việt Nam chưa thành nước công nghiệp.
“Chúng ta quá kỳ vọng vào việc chỉ đào tài nguyên lên để thành nước công nghiệp, đến giờ chưa có một sản phẩm mang tinh công nghiệp hay công nghệ nào cả. Việt Nam mình như đứa trẻ được cho ăn sẵn những rồi tự lớn, đến khi dậy thì thấy lớn như thổi, nhưng qua ngưỡng đó sẽ không thể phát triển được mà chỉ dừng mãi ở đó thôi” - độc giả Long bi quan.
“Làm kinh tế ở Việt Nam chẳng khác nào như người miền núi xuống biển đánh cá vậy, cứ loay hoay trong bờ không làm sao để đưa thuyền ra khơi được... ” - độc giả Đặng Ngọc Huỳnh (ngochuynh_09@yahoo.ca), nhìn nhận.
Theo độc giả Nguyễn Anh Minh (email: tuan54vn@yahoo.com) kiến nghị: “Chúng ta cần nghiêm túc xem xét, sớm đưa ra giải pháp đúng tháo gỡ khó khăn, khắc phục, hồi phục và phát triển nền kinh tế. Hãy tận dụng nội lực tối đa, phát huy sức mạnh toàn dân thông qua các chính sách và giải pháp đúng để người dân yên tâm đầu tư xây dựng phát triển đất nước, đừng quá phụ thuộc vào nước ngoài”.
Ngọc Hà (tổng hợp)