Cơn ghen trong Ân nổi lên, hắn đã dùng mìn tự chế để giết nhân tình. Sự việc đưa đến nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, nhưng ít ai biết, đằng sau những thông tin đó, lại là một câu chuyện buồn về cuộc đời của nạn nhân.

Một ngày cận tết, Lê Hải Ân xách quà sang nhà người tình, bắt gặp cảnh chị này đang ngồi nói chuyện với một người bạn khác giới. Cơn ghen trong Ân nổi lên, hắn đã dùng mìn tự chế để giết nhân tình. Việc bất thành, đối tượng tra tay vào còng, đón một cái tết lạnh lẽo trong nhà tạm giam. Sự việc đưa đến nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, nhưng ít ai biết, đằng sau những thông tin đó, lại là một câu chuyện buồn về cuộc đời của nạn nhân.

Mẹ con chị Phan Thị Thu.

"Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ngày 7/2/2013 (tức 27 Tết Nguyên đán), đối tượng Lê Hải Ân, trú tại xóm 1, xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến thăm nhà "người tình" là chị Phan Thị Thu (SN 1976, trú cùng xã) để tặng quà tết. Đến nơi, Ân thấy chị Thu đang ngồi nói chuyện với một người con trai có phần thân mật, "máu" ghen trong y nổi lên. Khi người bạn của chị Thu về, giữa hai người có xảy ra cãi cọ, xô xát. Khoảng 30 phút sau, chị này ra vườn quét dọn, còn Ân nằm trong giường bực tức. Lúc chị Thu trở lại gian nhà chính đã thấy Ân ngồi ở gò đất bên đường đối diện, nói vọng sang bảo chị mở cầu giao điện trong nhà. Thấy bất thường, chị Thu đi kiểm tra một vòng xung quanh thì phát hiện Ân đã cài mìn vào một công tắc điện. Chị vội vàng gọi điện báo cho công an xã, hung thủ bị bắt ngay sau đó. 

Trở về xã Sơn Lĩnh vào những ngày đầu năm mới, trong câu chuyện làm quà chúc tết nhau của người dân nơi đây, họ vẫn không quên nhắc đến vụ gài mìn do ghen tuông, vừa xảy ra trên địa bàn. Tìm đến hiện trường vụ án, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ đang ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa nhà. Trên khuôn mặt chị bao trùm một sự buồn bã đau khổ, khác với khung cảnh rộn ràng ngày tết ngoài đường. Hỏi ra mới biết, chị là Phan Thị Thu - nhân vật chính trong câu chuyện đưa đẩy của người đời mấy ngày gần đây. Trước khi đến gặp chị, tôi có được một số người kể cho nghe cuộc đời gập ghềnh của người phụ nữ này. Mở đầu câu chuyện với sự đồng cảm từ người cùng giới, tôi đã được chị trút lòng một cách chân thực nhất. Sau hồi im lặng, lắng lại cho những giọt nước mắt âm thầm rơi, chị mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng một câu nói rất xót xa: "Đời chị khổ lắm, em ơi".

Phan Thị Thu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã miền núi Sơn Lĩnh. Lớn lên trong cảnh chạy vạy miếng ăn từng bữa, chị không có may mắn được đến trường như bao bạn bè khác. Lớn hơn một chút, thấy bạn bè cùng xóm lần lượt kéo nhau vào Nam để tìm kiếm tương lai, chị cũng nóng lòng muốn rời quê để tìm hướng đổi đời. Nhưng hoàn cảnh quá nghèo, lại phải tự lực cánh sinh nên chị không có đủ tiền để thực hiện suy nghĩ đó. Sau này, gặp một người đàn bà sống trong Nam về thăm quê, chị đã xin đi theo làm công việc chặt mía không công cho bà.

Hơn 2 năm trời lao lực, vì không có tiền riêng nên mọi ăn ở, sinh hoạt cùng gia đình chủ, chị bước ra cửa nhà người ta vẫn hai bàn tay trắng. Chị sống lay lắt ở nơi đất khách quê người với những công việc làm thuê tạm bợ, để bấu víu lại Sài thành. Rồi chị Thu gặp và yêu một anh bộ đội cùng quê Hà Tĩnh, đóng quân trong đó. Khi 2 người tính chuyện dài lâu, anh đã đưa chị về quê ra mắt gia đình. Ngỡ rằng, từ đây cuộc đời chị đã bước sang một trang mới, sẽ cùng anh chăm chỉ cuốc cày nuôi con, vun đắp cho tổ ấm nhỏ. Nào ngờ, bước chân về đến cửa nhà người yêu, chị mới hay anh đã qua một đời vợ. Chị buồn bã vì người yêu mình không thật lòng, nhưng rồi thương anh, chị vẫn chấp nhận ở lại làm người nâng khăn sửa túi. Sau đó, họ đã có với nhau một cô con gái rất đáng yêu.

Ấy vậy mà bất hạnh không buông tha chị. Khi sống với nhau được một thời gian, anh bắt đầu có những biểu hiện của một bệnh nhân thần kinh bất ổn. Sau này gia đình mới thú thật, anh vốn bị như vậy từ nhỏ. Từ đó, chị và con gái luôn trở thành "bì cát" cho anh tập võ mỗi khi bệnh tái phát. Cam chịu được một thời gian, thương con, chị quyết định ôm bé trở lại quê nhà Sơn Lĩnh, lập quán bán mấy món hàng lèo tèo cho thợ làm đá gần đó và người dân xung quanh, kiếm đồng rau cháo nuôi con.
 

Đối tượng Lê Hải Ân tại cơ quan điều tra.

Ép yêu bằng bạo lực

Mìn một bên, rượu một bên!

Khi các công an viên đến kiểm tra thấy có mìn gài vào cột gian nhà chính nên đã huy động lực lượng bảo vệ hiện trường. Lúc này, đối tượng Ân đã không còn lai vãng gần nơi xảy ra sự việc. Lực lượng chức năng tỏa ra tìm kiếm thì bắt gặp hắn đang đi trên đường. Nhanh chóng sau đó, đối tượng Lê Hải Ân đã được yêu cầu về trụ sở UBND xã để làm việc. Tiến hành kiểm tra trên người đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm một thỏi thuốc nổ, 2 kíp điện với 1 chai rượu dắt trong túi quần sau. Được biết, Lê Hải Ân vốn là một người không có nghề nghiệp ổn định, sống kiểu có nhà mà như không. Đối tượng đã có một tiền án tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Vào thời điểm bị giải về trụ sở làm việc, trong người Ân đã có chất men. Hiện, đối tượng đã được Công an xã Sơn Lĩnh bàn giao cho Công an huyện Hương Sơn xử lý.

Trải qua một "chuyến đò" chòng chành, phận gái như chị chỉ muốn tìm sự bình an bên con cái. Ngày lại ngày, 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Thời gian sau, có một người đàn ông cùng xóm, cũng đã li dị vợ, thường xuyên đến quán nhỏ của chị. Hoàn cảnh giống nhau, khiến họ sớm tìm được sự chia sẻ, đồng cảm. Rồi cứ thế "rổ rá cạp lại", họ nghĩ đến chuyện xây dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ trên nền quán của chị. Đi lại với nhau một thời gian thì Lê Hải Ân bắt đầu bộc lộ những thói hư tật xấu. Cờ bạc, trộm cắp vặt, rượu chè… cái gì hắn cũng biết, khiến chị Thu thấy chán nản. Khuyên "hết nước hết cái" mà Ân vẫn không thay đổi, hứa trước lại phạm sau, nên chị đã đề nghị chia tay.

Trước sự quấy rầy của Ân, chị Thu quyết định bồng con vào Nam kiếm việc. Không lâu sau, Ân cũng bị đi tù vì tội trộm cắp tài sản. Khoảng thời gian gián đoạn đó, hai người hoàn toàn không liên lạc với nhau. Đến tháng 5/2012, Ân được mãn hạn tù trở về địa phương. Khi thấy yên ắng, chị Thu lại ôm con về quê tiếp tục công việc buôn bán nhỏ trước đây. Ngày đầu tiên hay tin chị Thu về quê, Ân (khi đó đang là công nhân mỏ đá gần chỗ chị Thu mở quán) đã lò dò xuống. Suốt ngày hắn cứ chạy lăng xăng trong quán của chị, giúp rót nước cho khách, lau bàn, quét ngõ như người trong nhà. Vì không thích nên chị có nói rõ ràng quan điểm chỉ xem Ân là bạn. Nhưng hắn cứ phớt lờ không nghe.

Quán nhỏ của chị gần mỏ đá, một số lao công đã nhờ chị nấu ăn cho họ, trong đó có Ân. Nhưng khi mọi người ăn uống ra về, Ân vẫn không chịu "nhấc gót", cứ lần lữa ở lại đòi... ngủ qua đêm. Chị Thu một mực từ chối, y giở bài "chai mặt", cứ đi liên tục mấy vòng quanh nhà chị, rồi lại về ngồi cắm rễ bên bếp nấu ăn (không chung cửa với nhà chính và buồng ngủ - PV). Những lúc như vậy, chị Thu rất sợ, cứ nằm ôm chặt con trong buồng, lo lắng. Nhiều đêm nghĩ thương phận mình, muốn một mái ấm nhỏ mà cũng trắc trở, "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Thân cô thế cô, chị sang cầu cứu bố mẹ đẻ sống gần đó, rồi hàng xóm láng giềng, thậm chí lên cả công an xã. Thế nhưng, chị vẫn không tránh khỏi sự quấy nhiễu của Ân.

Trước khi xảy ra sự việc 10 ngày, Ân đã dùng dao uy hiếp chị Thu vì bị chị đuổi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, đối tượng chỉ dọa rồi vứt dao lấy bật lửa đốt mái tranh che nắng của chị Thu. Chưa hả dạ, hắn thẳng tay ném chiếc điện thoại vào mặt chị Thu làm máu chảy lênh láng. Sau một hồi quậy tưng bừng, hắn gục xuống chân chị ra chiều hối lỗi: "Tau thương mi lắm!". Chị biết, dẫu có hành động côn đồ, hung hăng, nhưng Ân rất yêu chị. Tuy nhiên, lòng chị đã quyết, bởi người đàn ông đó không cho chị được điểm tựa vững chắc trong cuộc sống. Đã qua một lần đò, chị như "con chim sợ cành cây cong", chỉ muốn được bình yên. Chứ không phải cảnh mỗi lần thấy dáng Ân, tim chị lại thột như bây giờ.

Những giọt nước mắt đắng xót của người phụ nữ có phận đời long đong ấy lại lăn nhòe trên khuôn mặt chị. Giờ thì Ân đã "yên vị" trong nhà tạm giam, nhưng lòng chị Thu vẫn chưa thôi lo lắng. Câu nói cuối cùng của người đàn bà đó lúc tiễn tôi về cứ ám ảnh mãi: "Một mái ấm nhỏ nghèo cũng được, miễn vợ chồng nương tựa được vô nhau, với chị, răng khó rứa em?". Những cơn mưa tháng giêng lạnh buốt vào mặt người đi không bằng nỗi tê buốt trong lòng người ở lại. Thương thay một kiếp hồng nhan!

(Theo Gia đình)