Sở hữu và được cầm lái những chiếc xe tiền tỷ tích hợp mọi công nghệ luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, ít ai biết đến nỗi khổ thầm kín của những ông chủ hay người được thuê vận hành những khối tài sản tiền tỷ ấy.
Nỗi lo mất đồ và bị “chặt chém”
Xe sang, đồng nghĩa những phụ kiện đi kèm cũng xắt ra miếng. Chẳng hạn, giá một chiếc gương chiếu hậu của Rolls-Royce, Lexus, BMW hay Range Rover Autobiography có khi lên tới cả vài trăm triệu đồng. Hay chỉ một chiếc logo cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Và đây cũng là những chi tiết dễ bị kẻ trộm nhòm ngó nhất.
Chủ một chiếc xe Lexus LS 500 giá hơn 7 tỷ đồng ở Thái Nguyên tâm sự, năm ngoái khi đang đi đường thì anh nhận được điện thoại của đối tác. Vừa mở cửa xe xuống đường nói chuyện vài phút khi quay lại đã thấy mất ngay đôi gương chiếu hậu. Vừa xót của vì thấy chiếc xe bỗng nhiên “khuyết tật” lại thêm bực mình vì không dám lái xe chạy tiếp, anh đành gọi cứu hộ đưa xe về garage.
Công việc đang bộn bề với lịch trình cần di chuyển dày đặc thì chủ chiếc xe này lại một lần nữa ngã ngửa khi garage báo phải chờ ít nhất nửa tháng mới kiếm được “đồ” thay.
Một điều khó nói nữa của những ông chủ “xế xịn” là chuyện thiếu phụ tùng thay thế. Những chiếc xe hoàn hảo, đẹp long lanh nếu chỉ xuất hiện một vài vết xước nhỏ cũng khiến chủ nhân phải đưa xe vào garage, kiểm tra màu sơn gốc, chế biến pha trộn để tìm được màu phù hợp. Với những hỏng hóc nghiêm trọng hơn thì công sức, thời gian, tiền của bỏ ra cũng tỷ lệ thuận.
Không những thế, vì là xe “độc” nên phụ tùng thay thế đi kèm cũng đều là hàng khó kiếm hoặc ít garage có sẵn. Bởi vậy, sau khi xảy ra sự cố, các khổ chủ có khi phải đặt hàng từ nước ngoài nhờ chuyển về rồi tự thuê garage thay dùm.
Tiền phụ tùng đắt là một chuyện, nhưng cho dù chỉ thiếu chiếc gương thì chủ nhân chiếc xe cũng không dám cho xe ra đường, đành cất xe chờ đồ thay. Đấy là chưa kể vì là hàng hiếm nên không phải thợ sửa xe nào cũng biết cách lắp. Có những trường hợp sau khi cất công tìm mua ở nước ngoài mang về nhưng bị chính thợ sửa xe làm hỏng khiến chủ xe “chết đứng”.
Một tình huống mà không ít các chủ xe sang gặp phải là bị “chặt chém”. Không ít các dịch vụ từ bảo dưỡng xe, trông xe, cứu hộ… hễ cứ thấy “khổ chủ” đi xe sang là tăng giá dịch vụ với lý lẽ: “Xe đắt tiền thì mức độ rủi ro cao hơn, mức phí cũng phải… đắt hơn”.
Sức ép của nghề tài xế xe sang
Trò chuyện với PV, anh Bùi Tiến Trung (SN 1977, Long Biên, Hà Nội) kể lại câu chuyện gần chục năm trước khi anh lái xe thuê cho ông chủ sở hữu chiếc Bentley động cơ W12 đầu tiên tại Hà Nội.
Theo anh Trung, do từng lái xe “biển xanh” trong doanh nghiệp Nhà nước 6-7 năm, được đánh giá là người cẩn thận, trách nhiệm, anh Trung được giới thiệu làm tài xế chiếc siêu xe thuộc sở hữu của một đại gia ngành chứng khoán, với mức lương gấp ba lần mức đang nhận. Chiếc xe mà anh cầm lái là dòng Bentley Continental Flying Spur, nhập về Việt Nam năm 2009 và đăng ký biển trắng tứ quý. Khi đó chiếc xe có giá ngót nghét 19 tỷ đồng.
“Lúc đó, Việt Nam chưa có nhiều cao tốc, đi xa nhất là đến Hạ Long, Sầm Sơn, còn lại loanh quanh trong mấy con phố trung tâm. Mỗi năm có lẽ chỉ đi khoảng 1,5 vạn km. Vất vả nhất là khoản tránh va chạm với xe máy, xe thồ và canh chừng mất trộm gương, gạt mưa hay logo mỗi khi dừng xe đâu đó”, anh Trung nhớ lại.
“Thói thường người Việt mình cứ mặc nhiên quy ước xe sang đền xe rẻ, xe to đền xe bé, nên áp lực thường trực với người lái xe tiền tỷ là phải đi đường vòng để tránh chỗ đông, đi đường xa để tránh chỗ ngập và đi thật chậm để quan sát chỗ dừng, càng hạn chế việc phải lùi xe hay quay đầu thì càng tốt”, anh Trung kể.
Chưa hết, nỗi vất vả lớn hơn mà nghề cầm lái xe siêu sang là thời gian, áp lực vô cùng. Mỗi xe siêu sang chỉ có một người lái duy nhất, nên bất cứ khi nào sếp cần thì anh phải có mặt. Theo anh Trung, nguyên tắc nằm lòng mà lái xe sang như anh phải nhớ, đó là không bao giờ được hỏi “ngày mai sếp có đi đâu không?”, chỉ cần sếp gọi là phải có mặt ngay.
Trong lần trò chuyện mới đây, ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Regal, đơn vị độc quyền phân phối xe Rolls-Royce tại Việt Nam cho biết, những tài xế xe siêu sang thường được đào tạo cả kỹ năng bảo vệ các yếu nhân, giám đốc điều hành, người nổi tiếng và những khách hàng giới siêu giàu.
Những tài xế này thường có mức thu nhập khủng nhờ trình độ chuyên môn cao và kỹ năng mềm đặc biệt. Họ không thuần túy có kỹ năng cầm lái hay am hiểu kỹ thuật ô tô, mà còn là việc nâng tầm ứng xử, phát huy sự khéo léo, nhiệt tình và kích hoạt lòng tận tâm của người trợ lý đặc biệt.
“Đơn cử một chuyện nhỏ như việc chỉnh gương hậu chính giữa của xe Rolls-Royce, làm sao để tầm nhìn an toàn nhất, ôm trọn kính hậu, nhưng lại là mất lịch sự khi nhìn thấy miệng của những người ngồi sau. Bởi vậy, lái xe phải chỉnh gương sao cho chỉ nhìn thấy mắt của người ngồi sau, không nên thấy hết những gì ở hàng ghế sau”.
Một lái xe từng phục vụ chủ nhân của chiếc xe siêu sang trị giá hơn 25 tỷ đồng tâm sự, ai cũng nghĩ được cầm lái một chiếc xe siêu sang phục vụ các ông chủ là điều đáng mơ ước mà không thấy được những áp lực phía sau.
Bản thân anh này sở dĩ được lựa chọn lái chiếc xe hàng chục tỷ đồng cũng là do tài xế trước đó đã “đầu hàng” ngay buổi đầu nhận việc. “Thấy bảo khi chủ xe giao chìa khóa và được hướng dẫn sử dụng các trang bị, dù là dân lái xe chuyên nghiệp nhưng cậu ấy như cảm thấy choáng ngợp về mức độ tiện nghi cũng như giá trị của chiếc xe nên đã từ chối khéo để đi tìm việc khác”, lái xe này nhớ lại.
Một tài xế từng phục vụ chủ nhân của chiếc xe hơn 20 tỷ đồng cho hay, thực tế không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để cầm lái một chiếc xe bằng cả khối tài sản khổng lồ hàng chục tỷ như vậy. “Thậm chí có nhiều người đã sử dụng ô tô hàng chục năm nhưng khi cho lên cầm lái những chiếc xe đó thì chân tay run cầm cập, không thể điều khiển nổi. Bởi thế, hiện nay nhiều thương hiệu xe siêu sang phải đứng ra tổ chức các khóa huấn luyện lái xe cho riêng mẫu xe của mình”, lái xe này tâm sự.
Theo Báo Giao thông
Trân trọng mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài, video về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Dán tem năng lượng lên xe máy: Chỉ số 'ngốn xăng' chuẩn đến mức nào?
Theo quy định, hiện nay các mẫu xe máy bán ra trên thị trường đều phải dán nhãn năng lượng, vậy độ chính xác của các thông tin này đến đâu?