- Trong khi người ta đang dùng mọi cách để che đậy cách “sống bám”, thì cũng như việc phô thân thể qua đồ lót, cô hoa hậu đồ lót lại nói trắng ra điều mà cô và nhiều người đang làm hoặc đang muốn làm khiến dư luận dậy sóng.

Mặc dù chưa có một nghiên cứu hay một số liệu thống kê xã hội học nào về việc một bộ phận giới trẻ, từ những người không có tri thức, ít học, nhưng được ưu ái về ngoại hình, đến những người có tri thức đang có xu hướng thích “sống bám”.

Tuy nhiên, từ những quan sát thực tế ngoài xã hội, đến những thông tin được đăng trên báo chí, nhất là sau khi bài phỏng vấn hoa hậu Ngọc Trinh được đưa lên mạng trong thời gian gần đây. Một bài báo đã khiến dư luận xôn xao, với các bình luận được gửi tới tấp tới các tòa soạn báo, cũng như các diễn đàn đã cho thấy “hiện tượng sống bám” này đang diễn ra ngày càng nhiều ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Nhà văn Võ Thị Hảo với cái nhìn sắc sảo, đã thẳng thắn nói về vấn đề này:

“Ai cũng sống bám thì lấy gì mà ăn?”

Đọc bài phỏng vấn cô hoa hậu Ngọc Trinh được đưa lên mạng gần đây, đúng là cô ấy thật thà hơn một số người vờ vịt khác. Nhưng qua cách trả lời đó cũng có thể thấy rằng cô ấy cần quá nhiều tiền. 

Nhà văn Võ Thị Hảo.

“Nếu mỗi sinh nhật cô đổi một cái xe hơi chỉ đắt ngang cỡ Audi, thì chắc mỗi bữa cô phải ăn bằng trị giá cỡ dăm con trâu của nông dân. Nhiều nông dân đang đói đấy. Nói cô chỉ sống bằng “sống bám” không là chưa công bằng. Cô còn phải đánh đổi bằng việc biểu diễn đồ lót. Và việc này là có thu nhập đấy chứ.” - nhà văn Võ Thị Hảo nói.

Còn việc một bộ phận giới trẻ hiện nay, có quan niệm và xu hướng thích “sống bám” vào người khác là vì họ chính là sản phẩm và là nạn nhân của môi trường truyền thông mà gần đây bỗng đặc biệt thích thú chạy theo mông và ngực của các cô mà đức hạnh có thể sánh ngang “gái bao cao cấp” lâu nay. Quyền làm gái bao là quyền của mỗi người, nhưng đưa lên như những ngôi sao để một phần xã hội khao khát bắt chước thì là không chấp nhận được rồi.

Theo nhà văn Võ Thị Hảo, nếu những chuyện như vậy tiếp tục được đưa lên mạng, thì sau này, rất có thể sẽ có cả ngàn cô chân dài sẵn sàng trả lời như cô ấy. Và thậm chí có cô còn muốn trả lời thẳng thắn hơn, rằng tôi đang bán dâm đây này. Bởi theo họ, bán dâm là một nghề vinh quang vì không trộm cắp và đem lại niềm vui cho người khác

Lại cũng sẽ có một số người sẵn sàng lên mạng trả lời rằng : tôi đang giết người đây này. Hãy xem từ A đến Z rằng tôi đã  giết người để lấy 20 ngàn thế nào. Báo ấy và sách ấy bán chạy vô cùng, đem lại rất nhiều tiền cho người đầu tư.

Cho nên, điều quan trọng ở đây không phải cô này hay cô khác trả lời thế nào, mà là quan niệm và trách nhiệm xã hội, tầm văn hóa của tờ báo chọn cái gì để đưa lên.

Cũng có rất nhiều các cô gái, dù đi làm tiền, làm gái bao nhưng vẫn vỗ ngực nói rằng, họ không ăn cắp, ăn trộm, không vi phạm pháp luật ... mà đúng là như thế thật. Họ chỉ đổi thân xác để lấy tiền của đàn ông, chứ họ có trộm cắp đâu. Nhiều nước trên thế giới chấp nhận mại dâm là một nghề công khai có kiểm soát về sức khỏe, nhưng chưa thấy những người lương thiện và có liêm sỉ công khai tôn vinh và cổ vũ nghề ấy.
Ngọc Trinh.

Trong bài phỏng vấn hoa hậu Ngọc Trinh gần đây, có thể thấy rằng, có rất nhiều người nhảy vào đồng ý, cổ xúy cho lối sống như vậy.

Theo nhà văn Võ Thị Hảo, dù không phải tất cả, nhưng nhiều người nhảy vào ủng hộ như một dạng tuyệt vọng. Bởi cái phải đẹp, phải đạo đức thì hoặc đang giả dối hoặc đang vô đạo. Cái thực sự đẹp, đạo đức thì trở nên yếu đuối, dễ bị cưỡng đoạt và bị coi là ngố, là điên rồ. Lao động lương thiện thì đang là thứ bị trả rẻ mạt nhất so với những thứ chạy mánh, chạy chức quyền và ăn bám, tham nhũng.

Cho nên, cuối cùng, họ thấy rằng chỉ có cách sống ăn bám, sống trên lưng người khác là khỏe thân và sung sướng nhất, thành công nhất, dẫn đến việc những người theo quan niệm và xu hướng này ngày càng nhiều.

“Nhưng cứ hình dung xem: nếu cả nước noi theo mà sống bám thì ai sẽ làm việc? Đàn ông hy vọng sống bám đàn bà. Đàn bà hy vọng sống bám đàn ông. Từ già trẻ gái trai khắp chợ cùng quê thi nhau bán trâu chạy lợn lấy tiền đi spa cho đẹp da và độn mông để biểu diễn một số thứ, cổ súy giấc mơ có người thấy mình đẹp mà cho mình sống bám. Khi đó thì quá vui, đến mức…chẳng có gì ăn cả. Cả nước sẽ là một sàn catwalk…” - Nhà văn Võ Thị Hảo nói.

“Chẳng nên phê phán làm gì!”

Không hoàn toàn đồng tình với quan điểm của nhà văn Võ Thị Hảo, nhà văn, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt lại cho rằng, nếu so sánh việc một cô gái sống bám vào một người giàu để có một gia đình hay cuộc sống sung sướng với việc vì tiền mà người ta có thể làm những việc dã man như chém giết hoặc dồn những kẻ khốn cùng vào con đường không lối thoát thì có lẽ việc làm của cô gái vẫn còn tử tế hơn rất nhiều. Vì thế, ta chẳng nên phê phán làm gì. 

Nhà văn Nguyễn Hữu Đạt
“Mọi việc đều có nguyên nhân sâu sa của nó. Xét cho cùng thì cô gái có làm hại đến ai đâu? Trong khi có nhiều việc làm băng hoại cả một nền đạo đức xã hội, phá hủy nhiều giá trị tốt đẹp truyền thống và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người vẫn tồn tại nhan nhản và lại còn khá hiển nhiên nữa” - nhà văn Nguyễn Hữu Đạt nói.

Và theo quan điểm của nhà văn Nguyễn Hữu Đạt, trong thời đại thông tin, việc đưa lên mặt báo những câu chuyện như bài phỏng vấn hoa hậu Ngọc Trinh gần đây cũng nên quan niệm là bình thường. Qua báo chí, các bạn trẻ có thể cùng vào cuộc để bàn luận, tìm ra cái đúng cái sai, chân lý và phi chân lý để tự lựa chọn cho mình một con đường sống và kiếm tìm hạnh phúc đúng đắn nhất.

“Mỗi người có thể tự lựa chọn cho mình những cách sống khác nhau, nhưng điều cơ bản là đừng làm những việc trái với lương tâm của mình. Đừng vì mình mà làm tổn hại đến người khác".

Vũ Lụa (ghi)

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM NÀY?