Nhằm dọn đường cho làn sóng smartphone cài hệ điều hành Microsoft Windows Phone 7 đầu tiên dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, Nokia đã quyết định sẽ nói lời tạm biệt với smartphone và điện thoại di động Symbian, bắt đầu từ Bắc Mỹ.



Theo trang All Things D, bên cạnh việc từ bỏ Symbian tại Mỹ và Canada, Nokia cũng sẽ giã biệt truyền thống bán smartphone cao cấp không khóa bấy lâu nay. Thay vào đó, hãng sẽ bắt tay chặt chẽ hơn với các nhà mạng để định giá và phân phối điện thoại Windows Phone. Đây được coi là một nước cờ khôn ngoan, giúp cho Nokia có được cơ hội cạnh tranh với các hãng sản xuất smartphone Windows Phone khác, cũng như với binh đoàn Android được trợ giá hết sức đông đảo ngoài thị trường.

Điều thú vị là kế hoạch rút chân khỏi Symbian tại Mỹ của Nokia lại trái ngược với lời hứa hẹn mà Tổng Giám đốc điều hành hãng này, ông Stephe Elop đưa ra hồi tháng 5 vừa qua, rằng Nokia sẽ còn gắn bó với Symbian cho đến năm 2016. Khi ấy, Elop một mực khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư cho Symbian.

Nhưng có vẻ như cam kết của ông Elop sẽ chỉ áp dụng cho người dùng Symbian ở một số thị trường cụ thể như Trung Quốc mà thôi. Tại Bắc Mỹ, Nokia cần tập trung nguồn lực cho một mũi nhọn duy nhất là Windows Phone, nếu như muốn đủ sức đối đầu với các đại kình địch. Việc song song phát hành cả dế Symbian lẫn Windows sẽ làm loãng nguồn lực của hãng, đồng thời gây ra sự bối rối, nhầm lẫn nơi người dùng.

Hiện tại, một trong những rào cản lớn khiến Nokia không mấy thành công tại Bắc Mỹ là do chưa xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với các mạng di động. Nên biết rằng, việc được một nhà mạng ưu ái trợ giá và phát hành sẽ quyết định đến thành công của hầu hết các mẫu dế mới ra mắt tại Bắc Mỹ. Một nền tảng mới như Windows Phone, lại chưa có thành tựu nào đáng kể về doanh số tiêu thụ tính đến thời điểm này, rất cần có sự hậu thuẫn và trợ lực từ các nhà mạng. Giống như trường hợp của Android trước đây, nếu không có chiến dịch marketing rầm rộ của Verizon dành cho Motorola Droid, chắc chắn sự khởi đầu sẽ không suôn sẻ đến thế.

Một tác nhân nữa khiến cho tình hình thêm phần phức tạp, là việc Nokia đặt cược lớn nhất cho mạng di động T-Mobile. Dù hiện T-Mobile đang phân phối dòng máy Nokia Astound nhưng không có gì đảm bảo rằng mối lương duyên tốt đẹp này sẽ tiếp tục tồn tại, nếu như T-Mobile sáp nhập thành công với mạng AT&T.

Với tất cả những lý do trên, việc Nokia tập trung toàn lực cho thị trường Bắc Mỹ hoàn toàn không quá sớm. Còn câu hỏi họ có thể thành công hay không, chỉ thời gian mới có thể đưa ra đáp án chính xác.

Trọng Cầm
(Theo CNET)