- Ngày 30/11 và 1/12, Tòa án Quân sự Thủ đô xử phúc thẩm vụ cô giáo thiêu chết 3 người nhà chồng. Phiên xử chất chứa hận thù và nóng ran những tranh cãi nẩy lửa của 7 vị luật sư của hai phía.

Phiên xử chất chứa hận thù

Trong suốt phiên xử, điều mà người ta cảm nhận rõ ràng nhất là lòng thù hận. Phía gia đình bị hại với nỗi đau cùng lúc mất đi 3 người thân dồn cả hận thù vào phía những bị cáo, kẻ gây ra ba cái chết oan nghiệt. Lòng hận thù của họ như càng nhân lên gấp bội khi các bị cáo luôn mồm kêu oan.

Đứng trước vành móng ngựa, Nguyễn Thị Thuận, kẻ chủ mưu trong vụ án cũng không vừa khi không chỉ kêu oan mà còn liên tục tố cáo bị công an ép cung, tố chồng câu kết với công an. Thỉnh thoảng, Thuận còn ném về phía gia đình nhà chồng cái lườm sắc lẹm.


Các bị cáo luôn mồm kêu oan.


Có 7 luật sư tham gia phiên tòa, trong đó 4 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Phiên tòa nóng ngay từ những phút đầu khi LS. Hoàng Văn Dũng, bào chữa cho bị cáo Thuận đề nghị cho đưa ra phiên toà vật chứng là hai chiếc can nhựa và chiếc thước nhôm. Ông Dũng cho rằng cần xem xét xem vật chứng là có thật hay chỉ là vật tượng trưng.

LS. Trần Đình Triển bào chữa cho gia đình bị hại cho rằng, có những vật chứng không thể có được trong vụ án cháy, do đó, luật sư bào chữa phải căn cứ vào tính chất của vụ án để đưa ra những yêu cầu hợp lý. Đây là vụ án có tính chất truy xét, đã bị lửa thiêu huỷ nên những vật chứng đưa ra chỉ có tính chất tượng trưng chứ không thể làm căn cứ để xem xét. Đại diện VKS cũng đồng tình với luật sư Triển.

Tại tòa, cả ba bị cáo luôn miệng kêu oan và khi được hỏi về các lời khai trước đây của các bị cáo tại cơ quan điều tra thì các bị cáo đều "đột nhiên quên", khiến vị đại diện VKS, thẩm phán đã phải liên tục trích các bút lục lời khai nhận tội của các bị cáo tại cơ quan điều tra.

Được hỏi, các bị cáo nghĩ sao khi mà trong những bản khai nhận tội đó của các bị cáo, nhiều bản khai có cả chữ ký của luật sư của các bị cáo. Lúc này, Tiệp và Thuận đều khẳng định mình không tin ngay cả luật sư của mình. Điều này khiến vị đại diện VKS cho rằng "không thể chấp nhận được".


Có lúc bị cáo Thuận ném cái lườm sắc lẹm về phía gia đình nhà chồng.


Bản luận tội của đại diện VKS cũng cho rằng các bị cáo kêu oan là không có cơ sở. Việc các bị cáo nói bị đánh đập, mớm cung, ép cung cũng không thuyết phục được đại diện VKS, bởi trong nhiều lần cơ quan điều tra lấy lời khai của các bị cáo thì đều có luật sư của bị cáo.

"Với bị cáo Thuận, đã có hai bằng đại học, không thể vì hai cái tát của cán bộ điều tra mà bị cáo lại nhận tội giết ba người và hủy hoại tài sản. Bị cáo thừa hiểu nếu nhận tội thì bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm đến mức nào", lời vị đại diện VKS. Vì vậy người giữ quyền công tố trong phiên tòa cho rằng: "Không để bị cáo Thuận được hưởng tình tiết giảm nhẹ mới chính xác".

Phân tích bản án sơ thẩm, VKS nhận định: Ý thức chủ quan của các bị cáo là có hạn chế. Các bị cáo không có ý thức giết gia đình anh Hưng nên đưa ra nhận định, bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội và đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và y án sơ thẩm.

"Nóng" phần tranh luận

Phần tranh luận, luật sư của các bị cáo đặt vấn đề chứng cứ. Họ cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo và cho rằng: "Nhẽ ra vụ án này phải chuyển sang cơ quan điều tra của quân đội ngay từ đầu. Đây là sai về thẩm quyền điều tra".

Ở hàng ghế dưới, gia đình bị hại không ngừng thể hiện sự bức xúc với các luật sư của các bị cáo. Họ la ó, đập bàn và cả gạt nước mắt vì uất hận, xót xa...

Luật sư Trần Đình Triển đã phải nhiều lần nhắc nhở gia đình thân chủ của mình giữ trật tự để phiên tòa được tiếp tục. Ngồi nghe luật sư của bị cáo trình bày quan điểm bào chữa, thỉnh thoảng hai người mẹ già của anh Hưng và chị Hà lại không kiềm chế được, đứng bật dậy, ném ánh nhìn giận dữ về phía luật sư của bị cáo.

Rồi hai bà lại ngồi phịch xuống ghế, đưa tay xoa xoa di ảnh của con và cháu mình, cúi mặt chấm nước mắt.


Nỗi đau của gia đình bị hại.



Việc lấy lời khai của các bị cáo cũng được luật sư hai bên tranh cãi nảy lửa. Luật sư Dũng cho rằng: Trong một số bản khai của các bị cáo có trùng chữ ký của điều tra viên và ngày giờ. Việc ba bị cáo bị hỏi cung cùng một giờ, bởi cùng một điều tra viên là điều không thể. Điều tra viên không thể cùng lúc hỏi cung nhiều người.

Sáng 1/12, đáp lại quan điểm của luật sư Hà được đưa ra vào chiều 30/11, luật sư Lê Quốc Đạt bào chữa cho bên bị hại khẳng định: Đây là vụ án truy xét nên việc điều tra viên chính hỏi cung 3 người cùng lúc ở 3 phòng giam khác nhau là điều bình thường. Quan trọng, có nhiều người cùng tham gia giúp điều tra viên chính viết bản cung chứ không phải chỉ một mình điều tra viên chính thực hiện.

Cũng theo ông Đạt, vụ án này còn nguy hiểm hơn vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, bởi tại toà, lương tri của Nghĩa đã thức dậy, Nghĩa tỏ ra ân hận, day dứt. Còn trong vụ án này, các bị cáo đặc biệt là bị cáo Thuận có thái độ hết sức đáng lên án.


Luật sư của phía gia đình bị hại yêu cầu tử hình đối với bị cáo Thuận, tù chung thân đối với Hà và Tiệp, đồng thời khởi tố 3 bị cáo để điều tra tiếp về tội vu khống. Ngược lại, luật sư của bên bị cáo thì yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại. Còn VKS không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ điều tra lại.

Diễn biến vụ án:

Nguyễn Thị Thuận vốn là giáo viên Trường Tiểu học Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) kết hôn với anh Nguyễn Chí Tuấn (sinh năm 1975) và có một cậu con trai. Cuộc sống của hai vợ chồng họ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn khi Thuận cho rằng anh Tuấn có quan hệ bất chính bên ngoài. Mâu thuẫn vợ chồng không giải quyết được, anh Tuấn ra ngoài thuê nhà ở và mở công ty kinh doanh, đặt trụ sở tại nhà anh trai là Nguyễn Chí Hưng.

Thuận đang xây nhà ở ngay cạnh nhà anh Nguyễn Chí Hưng, thỉnh thoảng anh Hưng có sang nhà hỏi thăm và khuyên giải Thuận, góp ý Thuận nên xin lỗi chồng. Không ngờ những lời khuyên bảo của anh Hưng đã gieo vào lòng Thuận những hận thù sâu sắc.

Ngày 20/1/2008, Thuận nói với Bùi Tiến Hà (50 tuổi), là người trông coi công trình cho Thuận: “Cháu rất tức vợ chồng ông Hưng vì luôn bênh em trai. Chú mua ít xăng về, giúp cháu đốt nhà ông Hưng cho bõ tức”. Trong khi ông Hà lưỡng lự vì sợ bị phát hiện, phải đi tù thì Thuận động viên: “Chú cứ đốt đi, nếu xảy ra chuyện gì cháu chịu trách nhiệm”. Thấy ông Hà vẫn chần chừ, chưa làm ngay, Thuận nhờ thêm Hoàng Hải Tiệp (29 tuổi, một cậu sinh viên nghèo vẫn đến chơi với ông Hà), kèm lời hứa: “Chị xây nhà xong, mày xuống ở với chị, chị không lấy tiền nhà”.

3h sáng 25/1, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng và đốt nhà anh Hưng. Ngọn lửa bùng lên dữ dội trong đêm tối khiến anh Hưng bị chết ngay trong nhà, vợ và con anh Hưng là chị Bùi Thị Thu Hà cùng cháu Nguyễn Thảo Hiền (7 tuổi) đều bị bỏng nặng, 6 ngày sau cũng tử vong.

Ngày 4/8/2010, Tòa án quân sự Quân khu thủ đô đã tuyên bị cáo Thuận mức án chung thân, bị cáo Hà 20 năm tù giam và bị cáo Tiệp 18 năm tù giam. Cho rằng mức án nói trên là quá nhẹ so với cái chết oan uổng của các nạn nhân, gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo. Và ba bị cáo sau đó cùng lần lượt làm đơn kháng cáo kêu oan.

Trong hai ngày 30/11 và 1/12, phiên phúc thẩm diễn ra và "nóng bừng" ngay từ những phút đầu tiên.



 

 

 

  • T.N