Vai trò của người nông dân trong đổi mới, sáng tạo

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Đối với Hải Phòng, thành phố trực thuộc Trung ương có công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng khu vực nông thôn chiếm 83,8% diện tích tự nhiên (131.484 ha/156.909 ha), đất sản xuất nông nghiệp chiếm 45,76% diện tích tự nhiên (71.805 ha); dân số khu vực nông thôn chiếm 54,41% dân số thành phố năm 2020 (1,11/2,033 triệu người), lao động khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu, chiếm 58,85% lao động toàn thành phố, nên phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân vẫn luôn là nội dung lớn được lãnh đạo thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo qua các thời kỳ.

Những năm qua, TP Hải Phòng có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 1 trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ, các Bộ, ngành và thành phố được thông qua: Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nhân dân thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của HĐND thành phố và Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 01/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030.

minhhoa.png

Áp dụng công nghệ cao từ khâu cơ giới hóa hiệu quả cao hơn 15-20% so với truyền thống. Hiện nay, trong sản xuất lúa: khâu làm đất đã đạt 100% diện tích, giảm 20-30% lượng giống. Khâu cấy giảm 55% chi phí so với cấy thủ công. Khâu gặt đập liên hợp đạt 46,3% diện tích, giảm thất thoát sau thu hoạch 15-20% so với gặt thủ công; giảm trên 10% giá dịch vụ.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, để đưa những thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo kịp thời vào hỗ trợ nông dân trong sản xuất, những năm qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cấp Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều hoạt động, từng bước chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho nông dân và đạt được một số thành tựu nổi bật.

Trong đó, phải kể đến việc triển khai 7 nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp bộ; 40 nhiệm vụ cấp thành phố; 48 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở; 63 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; 12 loại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo triển khai xây dựng nội dung, phát hành Bản tin Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn với tần suất 1 tuần/số.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, xây dựng người nông dân Hải Phòng có năng lực, trình độ và khát vọng vươn lên.

Công tác tuyên truyền được gắn với xây dựng mô hình và vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản, thực phẩm; cung cấp thông tin thị trường; vận động hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vai trò không thể thiếu của hợp tác xã trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN

Giữa tháng 6 vừa qua, Sở khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổ chức hội thảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

TP Hải Phòng hiện có 10 mô hình đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm… như Dự án của VinEco ở Tân Liên Vĩnh Bảo (43ha), Công ty TNHH Kỳ Duyên đầu tư dự án trồng trọt ứng dụng CNC 12,8 ha (thuê đất của dân tại xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo).

Dự án trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê trong nhà lưới, 1 năm trồng được 4 vụ, kết quả chi phí đầu tư nhà lưới 45.000.000đ/sào, mật độ trồng như ngoài ruộng (600 cây/sào), cao gấp 20 lần so với sản xuất lúa. Dự án trồng hoa của Công ty Cổ phần Châu Giang ở Đông Sơn Thủy Nguyên… sản xuất hoa cao cấp như hoa lan, hoa lily, hoa đồng tiền… có giá trị cao gấp 30 – 40 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, không thể thiếu vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác.

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (Hợp tác xã Thụy Hương), huyện Kiến Thụy được thành lập mới từ năm 2017. Bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương và thành phố, Hợp tác xã Thụy Hương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương, gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng có trên 1.250ha đất bãi bồi ven sông. Trước năm 2014, các khu vực này chủ yếu sử dụng để thu hoạch rươi; ngoài thời điểm thu hoạch rươi thì chỉ bỏ hoang, không canh tác. Nhận thấy vùng đất này có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ, từ năm 2014, hợp tác xã cùng với các hội viên Hội Nông dân huyện Kiến Thụy canh tác thử 2 mẫu ruộng ở ven sông theo phương thức luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ rươi.

Kết quả, năng suất lúa đạt khá, sản phẩm được nhiều người sử dụng, thu nhập của các hội viên hội nông dân được cải thiện. Diện tích canh tác lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định; sản xuất 500 tấn sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm gạo, rươi đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động, thu nhập từ 4.500.000 - 5.000.000 đồng/tháng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp tại địa phương.

Hiện, hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hội viên hội nông dân trên địa bàn để tổ chức sản xuất gạo hữu cơ trên diện tích 300ha. Từ một sản phẩm OCOP ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã có 8 sản phẩm từ các giống lúa đặc sản, phù hợp với thổ nhưỡng vùng cửa biển, với chủng loại sản phẩm đa dạng, gồm: gạo nếp, gạo lứt, gạo xát dối... Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao của UBND thành phố Hải Phòng. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố trên 500 tấn/năm, với doanh thu 18,48 tỷ đồng.

“Không thuốc diệt cỏ, không thuốc bảo vệ thực vật, không phân đạm, không biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng” là 5 nguyên tắc hiện đang được HTX nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) áp dụng trong sản xuất, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp hữu cơ, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm đem đến những sản phẩm thật sự an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, HTX không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân đạm, không biến đổi gen, không sử dụng thuốc tăng trưởng. Các loại hạt giống, cây trồng cũng phải được lựa chọn kỹ càng từ các nhà cung cấp uy tín. Đây là “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình sản xuất khép kín từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch

Để quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ, HTX đã đầu tư xây dựng các nhà màng, nhà kính chắc chắn để tạo môi trường cách ly, không để các loài sâu bệnh có hại xâm phạm vào bên trong khu vực gieo trồng; hệ thống tưới tự động được áp dụng linh hoạt, chủ động khi cần tưới cho loại rau nào, khu vực nào thì chỉ cần gạt van và đóng lại khi lượng nước đã đủ. “Sắp tới khi hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện hơn, HTX Đại Đồng sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động, hẹn giờ theo công nghệ của Israel đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu mở rộng sản xuất.

Sản phẩm OCOP mang thương hiệu "Gạo ruộng rươi" đang được nhân rộng không chỉ trong Hải Phòng, còn phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong nước. Sản phẩm "Gạo ruộng rươi" hiện nay đã có mặt trên các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ và các chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương hiệu, khẳng định vị trí, giá trị của sản phẩm.

Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển Sông Giá là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Từ khi thành lập tới nay, hợp tác xã đề ra và chủ động tuân thủ 5 nguyên tắc hoạt động, đó là: sản xuất nông sản sạch, có trách nhiệm với người lao động, người tiêu dùng; minh bạch thông tin, kết nối cộng đồng cùng giám sát; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ xanh, giảm thiểu chi phí sản xuất và phát thải; khép kín các chu trình kinh tế tuần hoàn.

Hợp tác xã đã kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân là các kênh tư vấn uy tín trở thành hậu phương vững chắc về các giải pháp công nghệ; từ đó, hoàn thiện các quy trình ứng dụng để nhân rộng tại địa phương, lan tỏa các giá trị tích cực.

Hiện, hợp tác xã đã cơ bản hoàn thiện các giải pháp công nghệ tổ hợp ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và thương mại nông sản, gồm: 10 mô hình, giải pháp: trồng trọt không hóa chất trong hệ thống nhà lưới khép kín; trồng trọt không hóa chất tại mô hình ngoài trời; xử lý ô nhiễm và tái chế rác hữu cơ thành dinh dưỡng cây trồng kết hợp cải tạo đất; chế biến nông sản bằng phương pháp sấy năng lượng mặt trời và sấy nhiệt thấp; mô hình kinh doanh nông sản sạch tới người tiêu dùng thân quen...

Thu Hằng và nhóm PV, BTV