Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Nơi đây thường được gọi là “vùng đất khát” vì có địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, thời tiết khắc nghiệt, người dân bữa đói bữa no…
Thế nhưng, đó câu chuyện của những năm về trước. Giờ vùng đất cằn toàn sỏi đá này, những nương ngô dần được thay bằng nương gừng hữu cơ xanh tốt.
Anh Trương Văn Lần ở thôn Ngườm Vài xã Cải Viên (một trong 12 xã vùng cao Lục Khu thuộc huyện Hà Quảng), kể, từ năm 2016, anh được chính quyền địa phương vận động tham gia lớp học làm nông nghiệp hữu cơ.
Nhiều hộ dân vùng Lục Khu (Cao Bằng) thoát nghèo nhờ được dạy làm nông nghiệp hữu cơ |
Tại lớp học này, những người nông dân như anh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc gừng hữu cơ như thế nào, rồi ghi nhật ký trồng trọt ra sao. Lúc thu hoạch thì phải làm ra sao để củ gừng đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…
Người dân được học bắt đầu thay đổi tư duy, thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, chủ động giúp dân liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ để ổn định đầu ra sản phẩm.
Sau 3 năm kể từ khóa đào tạo đầu tiên được mở, nông dân đã tích cực mở rộng diện tích trồng gừng hữu cơ xuất khẩu ở vùng cao Lục Khu lêngần 200 ha gừng trâu. Vụ mùa gừng năm 2019, năng suất bình quân từ 35-40 tạ/ha, giá thu mua 13.000 đ/kg.
“Bình quân mỗi ha trồng gừng đạt doanh thu 400-450 triệu đồng, Tính ra doanh thu từ củ ngừng năm vừa rồi cũng đạt khoảng gần 100 tỷ. Trồng ngừng không quá vất vả, lợi nhuận lại rất cao. Như vụ vừa rồi tính ra mỗi 1ha gừng người nông dân thu lãi khoảng 250 triệu”, ông Lưu Trọng Hính - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hà Quảng chia sẻ.
Châu Giang