- Vừa bước sang tuổi đôi mươi, thiếu nữ trẻ đã chôn vùi tuổi thanh xuân bằng những ngày dài sau song sắt. Bản án 11 năm tù là giá phải trả với bị cáo, nhưng phía sau đó còn là sự gồng mình vượt qua mất mát của những người thân trong gia đình bị cáo.

Ngày 15/4, tại trụ sở TAND TP.HCM đã diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tịnh Lan (23 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) phạm 2 tội “giết người” và “cố ý gây thương tích”. Nghe đến 2 tội danh dành cho bị cáo nữ, những người dự khán không khỏi tò mò về kẻ sắp phải ra trước vành móng ngựa.

Cái toilet và hai mạng người

Bị cáo Lan trước vành móng ngựa
Từ sau cửa phòng lưu phạm bên hông phòng xử B, Dương Tịnh Lan lầm lũi bước ra phía vành móng ngựa trước hàng trăm ánh mắt.

Nhìn nước da trắng trẻo, dáng người nhỏ nhắn vẻ yếu đuối cùng gương mặt trẻ hơn tuổi thực chẳng ai nghĩ cô là hung thủ giết người, tệ hơn nữa người mà cô ra tay lại chính là bác và người chú ruột trong nhà.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ án lại bắt nguồn từ... một cái toilet. Theo nội dung vụ việc, Lan mồ côi cha, từ ngày cha mất, mẹ con Lan và hai đứa em vẫn tá túc ở nhà ông bà nội, ở cùng nhà còn có ông D.Q.H. và ông D.Q.P. là anh và em trai của bố Lan, họ làm nghề in quảng cáo.

Cuộc sống sinh hoạt đông đúc giữa ba thế hệ trong căn nhà nhỏ khó có thể tránh khỏi va chạm hàng ngày. 

Khoảng 20 giờ ngày 2/4/2010, mẹ Lan đang tắm thì bị ông H. la mắng vì tắm muộn, ông đang cần vào nhà vệ sinh để rửa khuôn in lụa in quảng cáo cho khách hàng. Vốn mâu thuẫn nên giữa họ lại lời quan tiếng lại dẫn đến cãi vã.

Thấy mẹ và bác to tiếng, Lan từ trên nhà xuống bênh mẹ, cãi bác. Tức giận, ông H. đánh Lan làm bị cáo ngã nhào xuống nền nhà, em trai Lan xông vào đẩy bác ra, dùng tay đánh lại ông H. Thấy cháu dám đánh anh trai mình nên chú ruột Lan là ông D.Q.P. tiếp tục xông vào đánh chị em Lan.

Khi bị ông H. xô ngã xuống đất, Lan nhìn thấy con dao Thái Lan nằm gần đó liền vơ lấy đâm một nhát trúng ngực người này, ông P. cũng bị đâm tiếp một nhát vào bụng.

Kết thúc cuộc ẩu đả, ông H. chết do vết thương thấu ngực gây thủng tim còn ông P. bị vết thương thấu bụng nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời nên thoát chết, tỷ lệ thương tật 17% vĩnh viễn. Lan bị bắt ngay sau đó về hành vi “giết người” đối với bác H. và “cố ý gây thương tích” với chú P...

Hối hận muộn màng

Ngay từ đầu phiên tòa, Lan đã khóc. Bị cáo tỏ ra thiếu bình tĩnh nên Hội đồng xét xử phải nhắc nhở nhiều lần. Khi bị chất vấn về hành vi phạm tội, nữ bị cáo này luống cuống khai nhận từng lời. Về động cơ giết người, Lan chỉ biết giải thích “không cố ý giết bác H. và cũng không muốn đâm chú P. nhưng vì bác và chú đánh bị cáo…”.

Lan kể, trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ con bị cáo và bác H. thường xảy ra va chạm. Đúng hôm đó, khi mẹ bị cáo đang tắm bác nói từ hôm sau phải canh giờ mà tắm, riêng Lan phải tắm trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 5 giờ 30 chiều nếu không bác đánh chết, mà 5 giờ chiều Lan mới đi làm về nên Lan đã cãi lại.

Không những thế, bác H. còn nói vì ông bà nội còn sống chứ mai mốt ông bà nội mà mất thì bác đuổi cổ mấy mẹ con Lan ra đường nên Lan càng tức tối.

“Bị cáo đâm ông H. mấy nhát?” – “Dạ, một nhát”. “Đâm vào đâu?” – “Vào trên bụng ạ”. “Tại sao lại đâm vào bụng?” – “Bị cáo bị bác nắm tóc, dúi xuống đất nên đưa tay đâm đại thôi chứ không cố ý đâm vào đâu cả”. “Thế đã có lần nào ông H. đánh bị cáo chưa?” – “Dạ, đây là lần đầu”. “Theo bị cáo, sự việc xảy ra như vậy có đáng để ông H. phải chết không?” – “Dạ…không”. “Tại sao bị cáo lại thách thức ông H.?” – “Dạ, bị cáo không thách thức”.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án cho thấy khi nghe ông H. dọa đánh, dọa đuổi ra khỏi nhà, Lan luôn ương ngạnh đốp lại “làm như sợ quá!” khiến người bác mới bức xúc xông vào đánh bị cáo.

“Tại sao bị cáo lại đâm cả ông P.?” -  “Vì lúc đó chú P. cũng xông vào đánh bị cáo”. “Bị cáo đâm mấy nhát?” – “Dạ, một”. “Đâm vào đâu?” – “Bị cáo không biết nhưng sau nghe nói vào bụng”. “Bị cáo bị truy tố về hai tội “giết người” và “cố ý gây thương tích” có đúng không?” – “Dạ, đúng”. “Bị cáo có thấy oan ức gì không?” – “Không ạ.”, bị cáo vừa khóc nức nở vừa lí nhí trả lời từng câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Bất bình trước hành vi nông nổi của Lan, chủ tọa phải thốt lên: “Bị cáo đứng lên, bị cáo hãy nhìn đi, hàng ghế bị hại và đại diện bị hại toàn là người thân của bị cáo. Bị cáo đã gieo tang tóc cho cả gia đình mình đó, bị cáo biết không? – “Dạ,…biết!”.

“May mà ông P. không chết chứ nếu ông ấy bị bị cáo đâm như vậy cũng qua đời thì bị cáo nghĩ sao?”…im lặng, mồm méo xệch, đôi môi Lan bập bẹ chẳng nên lời như đứa trẻ con đang tập nói.

Nén nỗi đau, ông nội Lan đang xin tòa giảm án cho cháu gái

Ngồi ở hàng ghế dành cho bị hại cũng chính là đại gia đình của Lan gồm cả ba thế hệ: ông bà, mẹ và chú cùng đứa em trai. Khi được mời lên thẩm vấn với tư cách đại diện người bị hại, nuốt nỗi đau mất con vào trong, ông nội Lan chỉ biết cúi đầu xin tòa giảm án cho đứa cháu nội.

Ông P. – chú Lan với tư cách nạn nhân, mẹ Lan – người làm chứng cũng lần lượt được tòa mời lên thẩm vấn. Họ thừa nhận nội dung vụ án, không trình bày gì nhiều, chỉ xin tòa giảm án cho con, cháu.

Phần lời nói sau cùng, Lan quay về phía gia đình nghẹn ngào “con biết lỗi của con rồi, con xin lỗi. Con biết con sai rồi, con xin lỗi…”, nghe lời trình bày của con trẻ, những người thân không nén nổi xúc động. Bà nội bị cáo lọm khọm bước lên phía trước vừa khóc vừa chắp tay xin tòa giảm án cho Lan, đưa đôi mắt mờ đục về phía cháu gái, những giọt nước mắt trào ra trên gương mặt già nua.

Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt Dương Tịnh Lan mức án 9 năm tù về tội “giết người”, 2 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt là 11 năm tù, trước đó Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo tổng cộng từ 17 đến 19 năm tù.  

Thiếu nữ được áp giải lên xe về trại để lại sau lưng những người thân đang lầm lũi ngồi lại sau lưng. Dù Lan có khóc, có hối hận đến đâu chăng nữa nhưng người chết vĩnh viễn không thể sống lại, vết thương cho cả gia đình khó có thể nguôi ngoai và tội ác không thể tránh khỏi sự trừng phạt.

M. Phượng