Bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, người tốt bị vùi dập, cái xấu được che đậy…vẫn còn tồn tại nhan nhản trong giáo dục hôm nay. Nếu chúng ta không biết kết đoàn lại thành tiếng chuông, nói đúng hơn là đại chuông thì 50 năm nữa, vở diễn vẫn mang tính thời sự”, đạo diễn Chí Trung nói.
“Mùa hạ cuối cùng” của tác giả Lưu Quang Vũ là vở kịch giáo dục con người bằng niềm tin, tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những con người có ích cho xã hội.
Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải đuợc làm lại. Ban giám hiệu đã có cuộc họp, mọi mâu thuẫn xảy ra, để đảm bảo cho danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời –một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.
Dù là vở chính kịch nhưng đạo diễn NSƯT Chí Trung đã khéo léo lồng ghép các tình huống gây cười khiến cho thông điệp mang tính triết lý của vở kịch được truyền tải một cách nhẹ nhàng nhưng sâu cay, người xem không cảm thấy tính lý thuyết, giáo điều ở sân khấu kịch.Vở diễn cũng được đạo diễn Chí Trung đầu tư bạo tay, anh thuê hẳn nguời viết nhạc riêng để khớp với vở diễn-điều mà sân khấu lâu nay không làm, toàn lấy những tác phẩm có nội dung na ná lồng ghép vào nên đôi khi không hợp, lệch tông.
Đây cũng là lần đầu tiên, vở diễn được kết hợp giữa điện ảnh và sân khấu: Diễn viên trong màn ảnh bước ra sân khấu diễn và ngược lại. Tuy nhiên, điều mới mẻ này cũng nhận được sự khen chê trái chiều.
Dù kịch bản đã viết cách đây 30 năm nhưng những gì mà 46 diễn viên của đoàn kịch 1, 2 của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện tối qua vẫn rất mời mẻ.
Chia sẻ trước buổi diễn, NSƯT Chí Trung nhấn mạnh:” Chưa một lần duyệt vở mà tôi yên tâm như vở này, đơn giản vì tôi yên tâm về vấn đề mà anh Vũ đề cập trong tác phẩm. Tôi cố gắng mang tinh thần của anh Vũ đến gần hơn với khán giả, như một nén nhang tri ân tới người anh của mình. Vấn đề giáo dục hiếm khi đem lại hiệu ứng cao cho khán giả bởi viết về giáo dục rất khó, hay được lại càng khó. Nếu vở diễn này không thành công, chắc chắn là do lỗi của tôi”.
“Người tốt vẫn cứ lơ ngơ giữa cuộc đời, người xấu đã được trang bị tốt, họ trở nên rất đông và kết đoàn lại thành một lợi ích nhóm. Bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, người tốt bị vùi dập, cái xấu được che đậy…vẫn còn tồn tại nhan nhản trong giáo dục hôm nay.. Lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối. Nếu chúng ta không biết kết đoàn lại thành tiếng chuông, nói đúng hơn là đại chuông thì 50 năm nữa, vở diễn vẫn mang tính thời sự”, đạo diễn Chí Trung nói.
Tình Lê