Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) Ngô Xuân Nam nhận định, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính. Trong 10 tháng năm 2021, quốc gia này có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi SPS, trong đó có 4 thông báo sửa đổi.
Gần nhất, Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.
Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông thuỷ sản cũng thừa nhận, Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
“Một số lô hàng đã có cảnh báo từ phía bạn về việc xuất hiện dấu vết của Covid-19 trên bao bì hoặc phương tiện vận chuyển, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để giải thích rõ ràng”, ông cho hay.
Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát rau quả nhập khẩu từ Việt Nam (ảnh: BH) |
Cũng theo ông Lê Bá Anh, đơn vị này đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã đăng ký bổ sung đến thời điểm hiện nay vào danh sách theo quy định tại Lệnh 248.
Đề cập về quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt thông tin, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, họ đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu, ông nhấn mạnh.
Hiện, Cục BVTV đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói.
Phải thay đổi nhận thức, cách tiếp cận
Trước những thay đổi cùng các quy định mới mà thị trường Trung Quốc đưa ra, các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết, họ còn khá lúng túng trong vấn đề tiếp nhận thông tin để thay đổi cho phù hợp. Thế nên, cả địa phương và doanh nghiệp đều mong nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng Bộ NN-PTNT nhằm đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không chịu áp dụng này.
Theo ông, Lệnh 248, 249 không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải chú ý và có những chính sách điều chỉnh sớm từ bây giờ.
Các doanh nghiệp cần nắm chắc các quy định từ thị trường Trung Quốc để xuất khẩu không bị ngưng trệ |
Những doanh nghiệp chưa kịp đăng ký trước ngày 1/11/2021, thì sẽ đăng ký theo quy định có liên quan tại Điều 8 của Lệnh 248. Còn các doanh nghiệp nếu có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc trong tương lai, cũng nên sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ông Hoà khuyến cáo.
Riêng với Lệnh 249, ông cho rằng, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cầnlựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: đi găng tay lúc sản xuất, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Theo ông, những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu, ông nhấn mạnh.
Ông Hoà cũng khẳng định, thời gian tới Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN-PTNT trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc. Đồng thời, liên kết với Cục BVTV trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249.
“Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định, và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249”, ông Hòa nhấn mạnh.
Hà Giang