Ngày 3/12, tại Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.
Nông thôn mới góp phần giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo. Ảnh minh họa |
Báo cáo tổng kết việc xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trình bày nêu rõ những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới tại những địa phương vùng đặc biệt khó khăn bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Có 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK thuộc Chương trình 135, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 13%). Ngoài ra, có 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn nông thôn mới... Ước tính đến hết năm 2020, có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 đạt 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%.
Kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn là hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đến nay, có khoảng 80% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non...
Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung.
Đặc biệt 100% các địa phương đã ban hành Đề án triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã chuẩn hóa khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước).
Kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 là 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.
Anh Duy