- Việt – Trung cần kiềm chế, không sử dụng vũ lực trước những tranh chấp trên biển; Bộ Y tế yêu cầu Thứ trưởng Cao Minh Quang giải trình bằng văn bản về những nội dung được báo chí phản ánh trong thời gian qua liên quan đến chuyện vay tiền doanh nghiệp do mình quản lý, bằng cấp giả, khai man tuổi tác và trù dập cán bộ; Tiếp tục nóng vấn đề viện phí… là những thông tin thời sự nóng trong ngày 20/9.

VIỆT – TRUNG KIỀM CHẾ, KHÔNG DÙNG VŨ LỰC

Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cho biết Việt Nam và Trung Quốc đều mong muốn nâng quan hệ quốc phòng song phương lên tầm cao mới.

Nhân dịp kết thúc chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 14/9 của đoàn cán bộ Chính trị quân sự cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Ngô Xuân Lịch cho biết chuyến thăm này nhằm đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng - quân sự giữa hai nước trong thời gian qua, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hợp tác giữa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam với Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trung tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định hai bên đều tin tưởng tranh chấp trên Biển Đông cũng có thể giải quyết thành công như biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ. Trước mắt, các bên đều cần giữ thái độ bình tĩnh, kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực để làm căng thẳng tình hình. Những vấn đề liên quan đến hai bên, hai bên đàm phán giải quyết, những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì các bên cùng bàn bạc giải quyết. Tin trên TTXVN.

YÊU CẦU ÔNG CAO MINH QUANG GIẢI TRÌNH

Trước thông tin một số cơ quan báo chí đăng tải về Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, Ban Cán sự Đảng - Bộ Y tế đã họp và yêu cầu ông Cao Minh Quang giải trình bằng văn bản về từng vấn đề.

Ngày 19/9, Bộ Y tế đã có công văn 5768/BYT-PC gửi Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan thông tin đại chúng về một số thông tin liên quan tới ông Cao Minh Quang - Ủy viên Ban Cán sự Đảng - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin về về ông Cao Minh Quang, liên quan đến việc vay nợ, bằng cấp giả, khai man tuổi tác và trù dập cán bộ.

Công văn cho biết, Ban Cán sự Đảng - Bộ Y tế đã họp và yêu cầu ông Cao Minh Quang giải trình bằng văn bản về từng vấn đề nêu trên. Đồng thời, đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, bằng chứng.

Sau khi có đầy đủ các thông tin, bằng chứng, Bộ Y tế sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền và có ý kiến để giải quyết vụ việc theo đúng quy định hiện hành. Tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

SAI PHẠM NGÀY ĐẦU TIÊN PHÂN LÀN GT

Sáng 20/9, trên hai tuyến phố Bà Triệu, phố Huế - Hàng Bài, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành tách làn các phương tiện.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, sáng sớm 20/9, còn rất nhiều người điều khiển ôtô và xe máy đi sai làn, trong đó nhiều nhất là xe gắn máy.

Trong khi đó tại các ngã tư, người tham gia giao thông còn khá bỡ ngỡ với những vạch sơn và biển chỉ dẫn mới nên tình trạng đi sai làn đường cũng xảy ra phổ biến.

Do trong ngày đầu ra quân hướng dẫn phân làn nên lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông vẫn chưa tiến hành xử phạt theo quy định, mà chủ yếu là nhắc nhở và hướng dẫn người dân đi đúng làn đường quy định.

TRANH CÃI NẢY LỬA VỀ VIỆN PHÍ

Sau khi mở diễn đàn về việc tăng viện phí, VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Trong số những ý kiến gửi về, chủ yếu có 2 quan điểm: Một là không đồng tình tăng vì y tế là dịch vụ an sinh xã hội, tăng trong bối cảnh này là không phù hợp (ý kiến này chiếm ưu thế); Hai là đồng ý tăng, nhưng mức tăng cần phải được xem xét để không vượt quá khả năng chi trả của người dân và quỹ BHYT.

Ngoài ra, có không ít bạn đọc đã “đề xuất” những biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế mà không cần phải tăng viện phí với mức 10-20 lần như dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra.

Hiện nay, dự thảo về giá dịch vụ y tế vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và lấy ý kiến của các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cần thực hiện chính sách này một cách thận trọng và có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thẩm định giá viện phí mới.

SÓNG TĂNG GIÁ MỚI SẼ ẬP ĐẾN?

Viện phí, giá điện, xăng, vé máy bay... liên tiếp đề nghị tăng. Dù chưa có quyết định nào cụ thể, song, những động thái này khiến người dân bất an. Dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây chuyền, liệu một làn sóng tăng giá mới sẽ đến?

Cùng lúc, nhiều nhân tố có thể tác động đến mặt bằng giá cả, như: tăng lương ở DN, chu kỳ tăng giá hàng hóa do nhu cầu cuối năm, tỷ giá điều chỉnh tăng... đang là những tác nhân tiềm ẩn đè nặng lên giá.

Thông lệ mấy năm gần đây cho thấy, cố cầm cự qua giai đoạn căng thẳng cuối năm, các đề xuất tăng giá sẽ bị tạm dừng nhưng mọi việc sẽ được thực hiện vào thời điểm thích hợp. Thời điểm đó thường là đầu năm. Việc này ngày càng trở nên "thông lệ" khi chính sách giá thị trường đang kiên trì được thực hiện.

VIETNAMNET MỞ DIỄN ĐÀN VỀ TIỀN TRƯỜNG

Mỗi năm, sau khai giảng, điệp khúc "nỗi lo tiền trường" lại tiếp tục cất lên.   Cùng chung nỗi băn khoăn với các bậc sinh thành, VietNamNet và  các báo đã có những bài phản ánh về  những bất cập của thực trạng “học phí trường tư cao, lạm thu ở trường công” gây nên nỗi bức xúc đối với các bậc phụ huynh/

Căn nguyên của nỗi bức xúc được chỉ ra chủ yếu là do cách thức các nhà trường khi triển khai thu các khoản dưới danh nghĩa thỏa thuận hoặc tự nguyện. Đó là sự mập mờ, không rõ ràng trong việc dự trù mức thu, nội dung chi từng khoản, là cách yêu cầu đóng góp tự nguyện mà như ép buộc của một số trường và việc thỏa thuận cũng chỉ là "diễn".

Báo VietNamNet mở diễn đàn về tiền trường với mong muốn nhận được những ý kiến của bạn đọc về các vấn đề xung quanh chủ đề nóng này.

MỘT CÁN BỘ TRƯỜNG HỌC BỊ LŨ CUỐN

Trên đường đến trường, một cán bộ công tác tại Trường THCS Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chẳng may bị lũ cuốn tử vong.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh thông tin: Sự việc xảy ra vào khoảng 6h30 sáng ngày 20/9.  Trên đường đi làm, anh Nguyễn Công Quang (SN 1983, nhân viên thiết bị thư viện Trường THCS Kỳ Phú) đã bị lũ cuốn và tử vong.

MIỀN TÂY NAM BỘ XẢ LŨ CỨU LÚA

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đến ngày 17-9-2011, mực nước trên sông Mekong ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã bắt đầu vượt mức báo động 2.

Ngày 15-9-2011, UBND tỉnh An Giang quyết định xả lũ 2 đập Tha La và Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên ra biển Tây nhằm bảo vệ an toàn cho 130.000 ha lúa thu đông (lúa vụ 3) của 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang trong vùng Tứ giác Long Xuyên khỏi bị ngập úng. Hiện nay, mức chênh lệch nước lũ phía trong và phía ngoài là 1,4 m (phía trong 3,9 m, phía ngoài 2,5 m).

Ông Châu Thiện Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Sơn huyện Hòn Đất, Kiên Giang cho biết: Đến giữa tháng 9-2011, toàn xã có 143 ha lúa bị mất trắng, 370 ha nằm trong vòng đe dọa và gần 500 ha còn lại sẽ bị thiệt hại nếu lũ lên cao thêm 20 cm.

Bà con nông dân nhận định: Mùa lũ năm nay đến sớm và nước đổ về cao hơn so với mức 8 năm trước. Hiện nay, nước lũ còn đang tiếp tục đổ về, khả năng còn lên cao vào thời điểm con nước 30 tháng 8 và rằm tháng 9 âm lịch. Tin trên báo Đại Đoàn Kết.

SẼ CÓ NHIỀU CẦU BẮC QUA SÔNG HỒNG

Thành phố Hà Nội đang tập trung hoàn thành cầu Đông Trù (dự án đường 5 kéo dài), cầu Nhật Tân, cầu Phù Đổng 2, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).

Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án các cầu lớn quan sông Hồng như Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát và một số cầu qua sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy…

Hiện Hà Nội có 5 cầu bắc qua Sông Hồng gồm Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và cầu Long Biên chỉ dành cho xe máy và người đi bộ.

Ngoài ra, 35 cầu yếu trên địa bàn các quận, huyện như Ứng Hòa, Thanh Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sơn Tây, Thanh Trì, Hà Đông, Đống Đa… cũng được tập trung xây dựng để đảm bảo kết nối các khu vực. Tin trên báo Hà Nội Mới.

Ngọc Anh (Tổng hợp)