- Giám sát 15 khu kinh tế và 48 làng nghề, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bật đèn đỏ cảnh báo thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chạy theo mục tiêu tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, bất chấp những hậu quả lộ rõ.

Sáng nay (21/9), đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân chủ trì đã họp với các bộ, ngành về kết quả bước đầu chuyên đề giám sát bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế ven biển và làng nghề.

Nước thải vượt tiêu chuẩn vài chục lần

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề được đánh giá "đáng báo động". Tuy nhiên, giải pháp khắc phục lại không dễ trong bối cảnh các tỉnh thành đều nỗ lực chạy theo mục tiêu tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của đoàn giám sát sau khi thực tế tại 15 khu kinh tế và 48 làng nghề, việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường đang rất chậm ở hầu hết các khu kinh tế hiện nay và với tốc độ phát triển của khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí: Chính quyền địa phương nắm trong lòng bàn tay. Nói chính quyền không biết là không đúng. Ảnh: Lê Nhung

Như kết luận thanh tra của Bộ TN&MT tiến hành từ 2009 đến nay, nhiều cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, thường xuyên xả nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép (có nơi 10 lần đến vài chục lần). Một số nơi, các cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới.

Hầu hết các khu kinh tế đều không có trạm quan trắc không khí.

Trong bối cảnh đó, việc hậu kiểm đánh giá tác động môi trường chưa được thực hiện thường xuyên và kiên quyết. Hầu như chưa áp dụng hình thức xử lý nghiêm với sai phạm. Mức quy định xử phạt hành chính hiện nay quá thấp so với chi phí mà DN bỏ ra đầu tư hệ thống xử lý, chi phí vận hành.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, kinh phí cho bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế cao nhất là 618 triệu đồng (Hà Tĩnh, năm 2009). Có nơi như khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà) lần lượt các năm 2009 và 2010 chỉ "rót" 10 và 30 triệu đồng. Nhiều tỉnh còn không bố trí ngân sách.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kính Tần thì phàn nàn, trước đây về với nông thôn rất thanh bình, nhưng đến nay chỉ thấy ô nhiễm. Theo ông Chí, tỷ trọng đóng góp của các làng nghề từ sản phẩm xuất khẩu chỉ thu được khoảng 1 tỷ USD nhưng hậu quả để lại sau 5 - 10 năm tới là vô cùng nghiêm trọng.

Ô nhiễm môi trường làng nghề khiến cảnh quan nông thôn bị phá vỡ. Đa số cơ sở sản xuất đều dùng công nghệ lạc hậu, thủ công, chắp vá và tiêu hao nhiên liệu. Với nếp sống tiểu nông chỉ quan tâm lợi ích trước mắt nên nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nguyên, nhiên liệu rẻ tiền, hoá chất độc hại gây tác động lên sức khoẻ của dân.

Những tồn tại này kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý. Bởi, ngoài các làng nghề thủ công, nhiều nơi phát triển các cơ sở sản xuất "núp bóng" làng nghề nên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc thanh tra, xử lý vi phạm ở các làng nghề còn đang "bỏ trống".

Coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường

Theo các đại biểu, trách nhiệm giám sát chính vẫn phải thuộc về địa phương. Tuy nhiên, các địa phương lại đứng trước bài toán trải thảm đỏ mời gọi đầu tư (vào khu kinh tế) và phát triển nông thôn (ở các làng nghề).  Vì vậy, việc thanh tra, giám sát hầu như không được làm chặt chẽ, rốt ráo, dẫn đến hậu quả khó lường.

Sông Ngũ Huyện Khê trên địa phận xã Phong Khê (Bắc Ninh) là điểm tập kết rác thải tự phát của dân. Ảnh: Lê Nhung

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí phản ánh, nhiều nơi nộp được một đồng ngân sách thì phải bỏ ra ba đến năm đồng để khắc phục hậu quả môi trường.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ở các khu kinh tế không mấy quan tâm đến vấn đề này. Bởi, như một đại diện của Tổng cục cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã chỉ ra, với mức xử phạt cao nhất hiện nay 500 triệu đồng (và rất ít khi DN bị phạt tối đa) thì DN sẵn sàng nộp phạt thay vì bỏ tiền đầu tư hệ thống xử lý môi trường và vận hành.

Còn theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, ở nhiều làng nghề, người dân vì lợi nhuận trước mắt nên chỉ quan tâm đến kinh tế và cho rằng trách nhiệm với môi trường là của chính quyền. Chính quyền lại coi nhà nước phải có nghĩa vụ đầu tư và xử lý hậu quả.

Về giải pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường kiến nghị Chính phủ phải xem xét trách nhiệm của chính quyền các cấp trong vấn đề bảo vệ môi trường, trước mắt phải thay đổi nhận thức "coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đề xuất, sau đợt giám sát, Chính phủ nên chọn một số địa chỉ ô nhiễm nghiêm trọng để xử lý dứt điểm mới mong tạo chuyển biến rõ rệt.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đoàn giám sát cần nêu ra được các giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới, chỉ rõ địa chỉ sai phạm và đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm quản lý của các địa phương, bộ ngành.

Chuyên đề giám sát này sẽ được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới. Người dân sẽ được xem trực tiếp qua truyền hình nội dung phiên họp thảo luận của Quốc hội kéo dài một ngày về vấn đề này.

Số tiền nhà nước chi từ ngân sách cho bảo vệ môi trường vẫn được tăng lên hàng năm. Năm 2008 tăng 10,9% so với 2007. Năm 2009 tăng thêm 32,6%. Năm 2010 tăng 21%. 2011 tăng thêm 22%.

Năm 2010, có 29 địa phương cắt giảm chi ngân sách cho bảo vệ môi trường.

                          Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí

  • Lê Nhung
Chồng chéo và 'ngoại lệ'
Khu kinh tế Vân Phong có diện tích lớn nhất nước nhưng chưa có nổi quy hoạch chiến lược về môi trường. Các địa phương đều phàn nàn sự chồng chéo trong quản lý...
 
Về nơi những con sông từng giờ bị "bức tử"
"Dân ở đây cứ bảo nhau trước kia hình như mọi người đều khỏe mạnh, còn mấy năm nay ai cũng thấy mình cứ yếu đi", chị Lê Thị Nhàn kể.
 
Đừng 'bắt cóc bỏ đĩa'
"Mình làm quản lý ở xã, tầm nhìn hạn chế, cũng khó xử lý vi phạm vì vướng tình làng nghĩa xóm" - Chủ tịch phường Đình Bảng (Bắc Ninh) thừa nhận.