Cả đời tôi ăn lộc của… Thị Nở

NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939, bà nổi danh với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy cách đây hơn 40 năm. Bà vừa có một thời gian dài sống ở TPHCM cùng vợ chồng người con trai thứ 2. Tuy nhiên các con của bà vừa quyết định về Hà Nội sinh sống nên bà cũng theo các con về ngoài Bắc.

image004.jpg

Căn nhà nhỏ ở Xã Đàn (Hà Nội) sạch sẽ, ấm cúng vì có bàn tay chăm sóc của bà. Khi có người đến chơi nhà, nữ nghệ sĩ tuổi U90 hoan hỷ khoe ảnh, kỷ vật của gia đình. Đó là bức ảnh chụp khoảng năm 1951 - 1952 gồm toàn thể anh chị em và bố mẹ bà khi sơ tán ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hay ảnh bà cùng con trai cả chụp cùng nhau sau ngày thống nhất đất nước, lúc đó nghệ sĩ Đức Lưu để tóc dài. Hoặc ảnh bà chụp với người chồng quá cố - GS.TS Trần Hạ Phương.

Nhà bà treo nhiều tranh quý. Thời trẻ, nhiều danh họa đã vẽ bà, có cả bức tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ chân dung của chồng bà. Những bức tranh khác được treo trang trọng trong nhà như nhắc nhớ quá khứ đầy tự hào, hạnh phúc của người nghệ sĩ già.

Ở một góc không thể thiếu trong căn nhà, bà trưng bày 2 bức tượng Chí Phèo và Thị Nở - hình ảnh của bà và NSND Bùi Cường - trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Thong thả, bà mới chia sẻ cuộc sống, công việc của mình với phóng viên Dân trí.

Cho đến bây giờ khán giả vẫn nhớ tới bà với vai diễn Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", nhiều người tò mò bà đến với nghệ thuật thế nào?

- Quê gốc tôi ở Ba Vì (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), sau khi vào trường Văn công của Tổng cục Chính trị, tôi được cử sang trường Điện ảnh Việt Nam khóa I năm 1957 để học cùng với những diễn viên như: NSND Lâm Tới, NSND Trà Giang, NSND Minh Đức, Lân Bích…

Sau đó tôi về xưởng phim truyện (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) làm việc, thời gian sau tôi chuyển sang Nhà hát Kịch Hà Nội công tác đến khi nghỉ hưu.

Tôi vui vì người ta cứ nhắc tới Đức Lưu là nhắc tới Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa năm 1982. Có lẽ, vai diễn này là định mệnh của tôi.

Thời đó, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm diễn viên đóng Thị Nở cả năm trời, có đến gần 20 người thử vai này nhưng đều bị trượt. Một trưa hè, khi tôi đang ở căn nhà trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), thì ông Khoa gõ cửa. Nhìn thấy ông ấy, tôi đã biết ngay ông đi tìm diễn viên cho phim của mình.

Ông Khoa nói: "Tôi muốn gặp cô để mời vào một phim". Tôi trả lời: Em biết anh tìm vai gì rồi, là vai Thị Nở đúng không?". Anh Khoa gật đầu và đưa kịch bản cho tôi. Khi đọc kịch bản, tôi cảm giác như "cá gặp nước", nghĩ đúng vai diễn định mệnh đây rồi, vai Thị Nở thuộc về tôi thật là may mắn.

Tôi thường nói với mọi người, cả đời tôi ăn lộc của… Thị Nở, lộc chính là cái danh, từ khi vào vai này, ai cũng biết đến tôi dù vai diễn ngắn. Lộc của tôi không phải là tiền mà cơ hội làm nghề, được gặp gỡ nhiều người.

image005.jpg
NSƯT Đức Lưu bên cạnh những bức tranh nhiều danh họa vẽ bà.

Bà có nhiều kỷ niệm gắn liền với vai diễn Thị Nở không?

- Nhiều chứ. Vào vai Thị Nở, tôi phải hóa trang xấu hơn, răng đen, mặt nhom nhem, mặc váy đụp… xấu hơn ngoài đời, nhưng nhân vật này vẫn có sự  hấp dẫn của một người phụ nữ lực điền. 

Ngay sau khi ông Phạm Văn Khoa đến tìm tôi thì ngày hôm sau tôi đến đoàn thử phục trang, vừa mặc váy vào, tôi thoại: "Ăn cháo đi, sao hôm qua liều thế, nếu trúng gió là chết toi đấy", và... dúi cho bạn diễn một cái.

Thế là cả đoàn phim vỗ tay rào rào. Hội đồng nghệ thuật của phim gồm đạo diễn Hải Ninh, Phạm Văn Khoa... đều đứng lên nói: "Thị Nở đây rồi", khiến tôi rất xúc động. Đến giờ, tôi vẫn không quên được khoảnh khắc này.

Hôm đó, tôi vẫn chưa gặp Bùi Cường - người đóng Chí Phèo của phim. Cường là người ngoại đạo, làm phim tay ngang, tôi lại đang nổi tiếng nên cậu ấy rất tôn trọng tôi. Cường ít tuổi hơn tôi, chúng tôi xưng chị - em ngoài đời với nhau. Sau này, có thời gian làm phim nhiều nên hai chị em thân và hay đi cùng nhau.

Có điều đặc biệt là sau này, nhiều nơi, nhiều làng gốm, mỹ nghệ ở miền Bắc thường lấy hình ảnh chúng tôi trong phim để làm tượng Chí Phèo - Thị Nở để trang trí trong nhà, góc sân... Nhiều khán giả gặp chúng tôi cũng mang những bức tượng nhỏ của hai nhân vật này tặng khiến chúng tôi rất vui.

Tôi vẫn thường nghĩ, là nghệ sĩ có được danh khó, việc giữ được danh càng khó hơn. Nhiều nghệ sĩ làm nghề đến già, đến hết đời mà không ai biết mặt đặt tên. Tôi luôn được nhắc đến với vai diễn đặc biệt trong một bộ phim nổi tiếng nên rất hạnh phúc.

image006.jpg

Cả nước biết tên nhưng… không có tiền

Bà nổi tiếng từ các bộ phim, sân khấu kịch... Ở thời kỳ hoàng kim, cát-xê chắc rất cao?

Tôi được biết đến với vai diễn trong phim Cô gái công trường, nhưng sau khi đóng Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi nổi tiếng gấp 10 lần, được cả nước biết đến Đức Lưu nhưng tôi… không có tiền.

Hồi đó, sau khi đóng Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi và Bùi Cường (vai Chí Phèo), đi đâu cũng được khán giả nhận ra. Thời đó, nghệ sĩ ít, phim ảnh chưa có nhiều nên xuất hiện bất cứ đâu, chúng tôi được chào đón ghê lắm.

Có nơi mời hai chúng tôi tới nói chuyện nhưng ngày đó, chỉ đi nói chuyện thôi chứ không có thu nhập. Chúng tôi vẫn sống bằng đồng lương của nghệ sĩ do Hãng phim trả. Diễn viên ngày nay còn có sự kiện, có quảng cáo chứ hồi đó nghệ sĩ thuần lắm, chỉ biết làm nghệ thuật mà không đòi hỏi gì.

image007.jpg
Nghệ sĩ Đức Lưu khoe ảnh bà và chồng hồi trẻ.

Thu nhập từ nghề diễn không nhiều thì bà nuôi con thế nào?

- Cũng tiết kiệm mà nuôi con thôi. Tôi sinh 2 con cách nhau 12 năm nên cũng có thời gian để kiếm tiền, dù không nhiều. Hãng phim hồi đó có chế độ tem phiếu. Mỗi tháng, tôi cũng được một ít thịt, gạo, mấy hộp sữa để nuôi con.

Có thời gian, tôi đi làm phim phải mang con theo, tuy vất vả nhưng được sống với đam mê của mình nên tôi cũng vui mà cố gắng vượt qua khó khăn. Thời đó, phim đếm trên đầu ngón tay, nên không có nhiều việc, chúng tôi phải cố gắng diễn trên sân khấu.

Bà và ông xã gặp nhau thế nào?

- Năm 1961, tôi học trường Điện ảnh, còn ông ấy dạy ở trường Đại học Tổng hợp, sinh viên của hai trường đi thực tập ở chùa Thầy. Chúng tôi quen nhau ở đó rồi yêu nhau. Ngày nghỉ, ông ấy thường đạp xe từ Lò Đúc đến chỗ tôi chơi.

Hồi ấy yêu nhau trong sáng, vì hai người ngồi trên 1 chiếc xe đạp khá nặng nên chúng tôi thường dắt xe đi bộ từ Cao Bá Quát chỗ tôi về Lò Đúc chỗ ông ấy và ngược lại, một tối đi lại như thế 2-3 lần là đến 11h đêm, chúng tôi chào nhau ra về.

Thi thoảng, khi đi chơi, ông ấy cũng mời tôi một bát phở. Ngày đó, chúng tôi ăn như thế là sang lắm. Ông ấy đi dạy học rồi nên cũng có tiền hơn tôi.

Ông ấy đi du học ở Đức về nên rất văn minh và ga-lăng. Bố mẹ tôi là cán bộ nên cũng để cho con tự quyết định hôn nhân. Quen nhau một năm thì chúng tôi kết hôn. Ngày đó cũng vất vả, hai vợ chồng chưa có nhà nên phải mượn nhà một anh bác sĩ đi B ở phố Mã Mây để ở. Sau đó, chúng tôi được một bà bác họ cho mượn nhà ở phố Triệu Việt Vương.

Thời gian sau, chúng tôi về ở khu tập thể của trường Đại học Bách Khoa cho đến khi về hưu thì hai vợ chồng mới mua được một căn nhà ở Xã Đàn này.

Tôi sống thoải mái, không phải lo về kinh tế

Chồng làm khoa học, vợ là nghệ sĩ, hai nghề trái ngược nhau vậy ông có tạo điều kiện cho bà làm nghệ thuật không?

- Ông ấy luôn tạo điều kiện và rất hãnh diện khi lấy được một diễn viên, lại nổi tiếng. Bạn bè thường hỏi ông: "Mày làm thế nào mà "cưa" được diễn viên xinh đẹp vậy?".

Quê ông ở Duy Xuyên, Quảng Nam, khi về làm dâu mọi người cũng rất yêu quý tôi. Hồi đó, mẹ chồng tôi còn sống, tôi thi thoảng có về quê chồng.

Thời điểm lấy chồng tôi đã nổi tiếng rồi nên ở quê chồng nhiều người biết. Có lần về quê, ông Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam hồi đó - còn cho xe để chở tôi về nhà chồng. Về Quảng Nam mọi người cũng rất quý, đi hội nghị nào tôi cũng được giới thiệu đầu tiên. Sự vinh dự này không tiền bạc nào mua được.

Bà đi diễn kịch bận rộn như vậy thì ai chăm con giúp bà?

- Tôi sinh con đầu năm 1965, 12 năm sau là năm 1977 tôi mới sinh con thứ 2. hai vợ chồng tự thu xếp để lo cho gia đình. Tôi đi làm thì ông ấy ở nhà cơm nước, chăm con và đi dạy học. Khi tôi sinh con thứ 2, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, chúng tôi đã có tiền để thuê người giúp việc chăm con.

Ông ấy còn chăm con khéo hơn tôi, nấu ăn cũng ngon. Tôi là kiểu nghệ sĩ lông bông có biết nấu nướng gì đâu. Ông ấy chiều vợ con lắm nên tôi rất hạnh phúc.

Ông ấy trân trọng tôi lắm, chỉ tiếc là ông mất sớm. Ngày xưa có chồng, tôi dựa vào ông ấy nhiều. Ông là người nghiêm túc, tôi ảnh hưởng từ chồng nhiều. Khi ông ấy mất, tôi tưởng không đứng dậy được nhưng cuối cùng tôi vẫn vững vàng, dựa vào con, vào cháu mà sống.

Hiện tại, các con đã trưởng thành, có điều kiện nhưng tôi vẫn muốn ở lại ngôi nhà giữ nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng.

Ở một mình tôi cũng cô đơn, nhưng sự cô đơn này là do ngoại cảnh. Tôi nhìn thấy cảnh xã hội nhiều chuyện rối ren, khó kiếm cho mình một người bạn tốt. Con người giờ thực dụng, tính toán quá, tìm một người đồng cảm với mình rất khó.

image009.jpg

Cuộc sống hiện tại của bà thế nào?

- Tôi hạnh phúc vì các con trưởng thành, các cháu nội cũng rất giỏi giang. Hàng ngày, tôi cũng phải tu dưỡng và làm gương cho con cháu. Hai con trai ở riêng nhưng mỗi khi rảnh rỗi hay cuối tuần là đến thăm mẹ. Ở đây, tôi có người giúp việc nên không vất vả gì.

Tôi không phải lo kinh tế, các con không để mẹ thiếu thứ gì cả. Tôi có nhiều thời gian và dùng tiền lương, thu nhập của mình đi làm từ thiện, giúp các cháu nhỏ khó khăn ở vùng cao. Đây cũng là việc làm mà nhiều năm nay tôi gắn bó.

Sáng tôi dậy từ 6h rồi ngồi thiền, sau đó ăn sáng và xem ti-vi. Chiều đi bộ ra hồ gần nhà. Ở tuổi 85 nhưng tôi vẫn tự học, học hàng ngày. Ngoài đạo đức, tôi muốn dạy các cháu, dù mình thế nào cũng chưa bằng ai, cần phải rèn luyện thêm để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người ta bảo bà rất đại gia vì vẫn có thu nhập cao từ việc đóng cổ phần ở một trường Đại học?

- Từ năm 1996, tôi và ông Trần Phương là một trong những người đầu tiên sáng lập ra trường Đại học Công nghệ kinh doanh Hà Nội. Tôi có tên trong cổ phần của trường. Hàng tháng tôi vẫn nhận lương từ trường. Tôi có mặt trong thành phần chủ chốt của trường, có những quyết định mới gì thì Ban lãnh đạo nhà trường vẫn phải hỏi ý kiến chúng tôi.

Nói chung, tôi có cuộc sống sung túc, có tiền đi du lịch, làm từ thiện và yên tâm tuổi già.

image012.jpg

Ảnh: Toàn Vũ

(Theo Dân Trí)