- Từ công nhân ngành than trở thành “quý ông đi hát” và mới đây được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, hành trình làm nghề của anh có “thuận buồm xuôi gió”?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hòn Gai - Quảng Ninh. Mồ côi cha mẹ khi mới 8 tuổi, tôi từng làm đủ mọi việc lao động chân tay rất vất vả như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác... để mưu sinh. Chỉ có âm nhạc mới cứu rỗi tâm hồn, cho tôi thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc đời, vào tương lai phía trước. 

Vì hát hay nên dù là công nhân mỏ song tôi hầu như không phải lao động chân tay mà quanh năm đi diễn phục vụ mọi người. Hồi ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ đi hát động viên, khích lệ người lao động hoàn thành chỉ tiêu mà xí nghiệp giao phó. Đến bây giờ tôi vẫn tự hào về thời đã qua, được cùng đội ca hát của xí nghiệp liên tiếp giành vị trí đầu bảng trong các hội diễn ca nhạc không chuyên ở cả ba miền.

Tôi theo âm nhạc chuyên nghiệp sau khi giành giải Nhất cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1980 với bài hát Chiều Hạ Long. Sau đó, năm 1982, tôi được Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Phòng không Không quân mời về. Chính nấc thang này cho tôi một cuộc sống mới, cuộc sống mà dù có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến, là được trở thành ca sĩ.

Chính môi trường đó đã trui rèn cho tôi những phẩm chất của một người lính hát, ấy là sự tận tâm, là hy sinh, nhiệt huyết. Dù có đi bất cứ nơi đâu, hát ở sân khấu nào chúng tôi cũng rút ruột như con tằm nhả tơ để được phục vụ khán giả, nhất là những người lính.

Tính đến ngày tôi được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND là tròn 47 năm công tác. Quá trình làm nghề của tôi toàn kỷ niệm vui. Còn những điều buồn, tất cả đều qua mau. Buồn kiểu nghệ sĩ, thoáng đến rồi thoáng đi chỉ sau tràng pháo tay động viên của khán giả. 

duclong1.jpg
NSND Đức Long không xấu hổ vì hành trình làm nghề đã qua.

Đến hiện tại, khi đã nghỉ hưu, tôi hài lòng và tự hào với những gì mình đã làm được, đã cống hiến. Tôi không xấu hổ vì hành trình đã qua.

- Cuộc sống khi nghỉ hưu của anh diễn ra như thế nào?

Nghệ sĩ, đến chế độ thì nghỉ hưu nhưng vẫn đi diễn, đi dạy bình thường. Sau khi nghỉ hưu, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có chương trình vẫn mời tôi tham gia biểu diễn. Hằng ngày, tôi cũng đi tập với các nghệ sĩ.  

- Cả chặng đường nghệ thuật, người hâm mộ luôn gọi NSND Đức Long với cái tên “quý ông hát” nhưng bạn nghề vẫn hay gọi anh là “quý ông cô đơn”?

Mỗi người chọn cho mình một cách sống. Với tôi, âm nhạc là cuộc sống. Tràng pháo tay của khán giả, ánh đèn sân khấu là niềm hạnh phúc của tôi.  

Tôi sống một mình nhưng không cô đơn. Xung quanh có nhiều học trò luôn luôn theo sát. Với tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là không được hát, ngoài ra tôi không sợ gì cả.

img 3712.jpg
NSND Đức Long ví mình là công nhân hát kỹ thuật cao chứ không phải là nghệ sĩ.

- Anh lấy vợ muộn, song lại sớm cô đơn. Sống một mình như vậy, anh đã nghĩ tới ‘kịch bản’ khi về già?

Vì nhiều lý do, cuộc sống vợ chồng tôi cứ mỗi ngày một nhạt nhẽo đi. Có khi cả ngày hai người không nói với nhau một câu, dù chẳng có chuyện gì xích mích. Đến giai đoạn cuối, tôi trở về nhà, hai người nhìn nhau như hai người xa lạ. Việc của ai người nấy làm, không liên quan gì đến nhau. Tôi nghĩ, nếu cứ như thế này là sống một mình chứ có phải là có gia đình đâu. Tôi cũng đấu tranh ghê lắm nhưng rồi chuyện gì đến đã phải đến. Chúng tôi ra toà mà đến giờ vẫn không hiểu lý do là tại ai. 

Tôi cũng không tính tới chuyện lập gia đình nữa, nên nghĩ thoáng một chút, đừng quan niệm phải có gia đình mới là hạnh phúc. Nếu sau này không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ chọn nhà dưỡng lão. 

Tôi đã trải qua nhiều nỗi khổ nên thấu hiểu tất cả những nỗi cùng cực trên đời. Bù lại, cũng không ai sướng bằng tôi. Trong số các ca sĩ dòng nhạc tiền chiến, tôi là người được đi nhiều nhất, đến nhiều nước nhất. Vì thế mà đôi khi ngẫm nghĩ, tôi thấy con người ta nên biết tự bằng lòng với những gì mình có.

- Được mệnh danh là "quý ông hát nhạc tình", nhưng sớm "đóng cửa" con tim anh nuôi cảm xúc như thế nào để truyền tải những bản nhạc yêu đương lãng mạn?

Tôi không nhận mình là nghệ sĩ, chính xác tôi là công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Tôi nuôi cảm xúc như mọi người đan một cái áo vậy. Bạn định đan áo cho ai, hình dung cái áo sẽ đan như thế nào, kích thước ra sao... thì âm nhạc cũng vậy. 7 nốt nhạc cũng tôi được đào tạo 9 năm trong trường, chúng tôi nhìn là biết sẽ phải hát như nào chứ không nhờ vào chuyện tình cảm yêu đương nam nữ để âm nhạc thăng hoa.

- Anh hẳn là ca sĩ giàu có?

Làm nghề hát mà "giàu có" đúng nghĩa tôi nghĩ khó lắm. Trên chặng đường âm nhạc suốt 47 năm qua, "giàu có" đối với tôi là cái vốn của mình với âm nhạc, có bạn bè, khán giả, nghệ sĩ luôn bên cạnh.

Thế hệ chúng tôi khi đi hát không ai nghĩ đến chữ “tiền”, cũng không đòi hỏi cao về cát-sê. Bao tâm huyết, tình yêu dành tất thảy cho âm nhạc. Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất chỉ là, khi bước ra sân khấu, khán giả có nghe mình hát nữa không và họ có đồng điệu với cảm xúc trong câu chuyện bài hát mà mình chuyển tải hay không. 

Vì thế, từ lâu danh tiếng, đắt show, tiền cát-sê, nhà lầu, xe sang... đối với tôi không quá quan trọng. Bởi, tất cả những thứ đó là vật ngoài thân. Tôi chỉ mong được mọi người yêu quý vì sức lao động, sự cống hiến của mình. Và dĩ nhiên tôi luôn muốn có được sự cộng hưởng cảm xúc của khán giả mỗi khi lên sân khấu. Đó mới là điều quan trọng!

NSND Đức Long thể hiện 'Hà Nội và em':