Chương trình tổng kết chuỗi workshop cung cấp kiến thức về làm phim mang tên Kính vạn hoa và vinh danh 6 tác phẩm có ý nghĩa - nhân văn về HIV/AIDS vừa được tổ chức tại TPHCM.

batch_DSC_1319.jpg
Ban giám khảo cuộc thi phim ngắn "Kính vạn hoa". 

Dàn ban giám khảo gồm: NSND Kim Xuân, đạo diễn Ngọc Duyên, nhà báo/nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM Nguyễn Anh Phong, Tùy viên nghe nhìn từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Đông Nam Á - Jeremy Segay.

NSND Kim Xuân - nghệ sĩ đồng hành cùng dự án Dải băng đỏ suốt nhiều năm - nói muốn cùng mọi người gửi đi thông điệp đến cộng đồng người có H và thế hệ trẻ rằng, HIV/AIDS hiện không còn là căn bệnh nan y của thế kỷ. Thậm chí, việc chữa trị có phác đồ nhẹ nhàng hơn những căn bệnh khác như ung thư.

Theo Kim Xuân, đề tài về HIV vốn nhạy cảm, ít người khai thác trên phim. Các bạn trẻ đã cho thấy sự nỗ lực, tìm tòi thực hiện là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vài lỗi mắc phải như câu chuyện, hình ảnh, cách diễn đạt... khiến tác phẩm chưa được trọn vẹn. 

099 sv.jpg
NSND Kim Xuân có hơn 10 năm đồng hành với các dự án của cộng đồng HIV. 

"Nhưng đâu đó cũng có vài tác phẩm đạt được thông điệp tốt lan tỏa trong xã hội. Các bạn cần phải học hỏi, trau dồi, để tác phẩm phải thể hiện tính lạc quan, tươi vui đúng lứa tuổi, chứ đừng ủy mị già dặn", NSND Kim Xuân nói. 

NSND Kim Xuân kể từng chứng kiến một bé gái bị H ở Bến Tre do cả cha lẫn mẹ đều nhiễm căn bệnh này. Sau nhiều năm, cô bé trở thành thiếu nữ xinh đẹp, giỏi giang, được xã hội công nhận và sống chung với H vui vẻ.  

"Mọi người cần phải biết về HIV một cách văn minh, rõ ràng. Mỗi cá nhân biết phòng tránh, bảo vệ và đối diện với nó để xã hội ngày càng tốt hơn", NSND Kim Xuân chia sẻ.

batch_IMG_0201.jpg
Anh Nguyễn Anh Phong (phải) chụp ảnh cùng đạo diễn Ngọc Duyên và khách mời. 

Anh Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho rằng trăn trở lớn nhất của mình và ê-kíp là làm sao truyền tải được kiến thức về H đến cộng đồng. 

Qua dự án, anh thấy le lói niềm hy vọng khi thế hệ trẻ chịu ngồi xuống nghe và tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS, giúp mỗi người có thêm kỹ năng bảo vệ bản thân, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phòng chống H. 

Theo ban tổ chức, đây không chỉ là dịp để vinh danh tác phẩm tốt mà còn là cầu nối để cộng đồng cùng chung tay xóa bỏ định kiến và kỳ thị đối với cộng đồng người có H.

Với thông điệp chủ đề HIV - Chuyện không của riêng ai, dự án đã thu hút được nhiều bạn trẻ đam mê truyền thông, điện ảnh và cả công tác xã hội; từ sinh viên, nhân viên công tác tại cộng đồng HIV/AIDS cho đến những đạo diễn, biên kịch, quay phim chuyên nghiệp.

Danh sách tác phẩm dự thi gồm: Đỏ, Lời ru ở lại, Tâm, Chị em chúng mình, Trên tường có bông hoa đang nở, Viết tiếp câu chuyện dang dở của 6 nhóm được trình chiếu trước ban giám khảo. 

Bên cạnh lời động viên, khích lệ, thành viên ban giám khảo đưa ra góp ý thẳng thắn, chỉ ra từng lỗi sai, khuyết điểm của mỗi phim. 

batch_IMG_0335.jpg
Ban giám khảo trao bằng khen cho phim đoạt giải. 

Giải Nhất chung cuộc thuộc về phim Chị em chúng mình. Nội dung xoay quanh một chàng trai bị nhiễm HIV nhưng không có đủ can đảm thổ lộ với gia đình. May mắn, anh có người chị đồng hành, chia sẻ mọi điều khó khăn trong cuộc sống.

Giải Nhì thuộc về dự án Lời ru ở lại. Giải Ba gọi tên 2 tác phẩm ĐỏTâm. Hai giải Đồng hành là tác phẩm Trên tường có bông hoa đang nởViết tiếp câu chuyện dang dở.

Các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng làm tư liệu truyền thông cho hoạt động cộng đồng và công chiếu tại sự kiện Sống trọn vẹn 2024. Đồng thời, sẽ được Cục và Hội phòng chống HIV/AIDS sử dụng nhằm lan tỏa xa hơn giá trị cộng đồng cho cộng đồng người có H.

Clip NSND Kim Xuân chia sẻ quan niệm về hạnh phúc

Ảnh, clip: BTC, tư liệu