NSND Trà Giang là thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tên tuổi sáng chói của bà gắn liền với hàng loạt bộ phim kinh điển như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Em bé Hà Nội...
Trò chuyện với phóng viên VTC News trong những ngày đầu năm Tân Sửu, NSND Trà Giang chia sẻ về niềm hạnh phúc của sự tận hiến, tìm tòi sáng tạo trên con đường điện ảnh bà đi qua.
"Đừng gọi tôi là minh tinh"
- Thưa NSND Trà Giang, bà dừng đóng phim 30 năm, thế nhưng rất rất nhiều người vẫn nhớ tới bà như một minh tinh của điện ảnh Việt…
Chưa bao giờ tôi dám nhận mình là minh tinh, mặc dù có thời điểm truyền thông nước ngoài gọi tôi là “Huyền thoại điện ảnh Việt Nam”.
Ở thời điểm tôi nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973, có nhà báo viết bài về tôi và gọi tôi là minh tinh. Trong một lần gặp mặt, tôi nói: "Anh chữa giúp em đi chứ gọi em là minh tinh, em ngại lắm".
Tôi nói những lời này rất thật lòng, không một chút màu mè. Thế hệ chúng tôi ngay ngày đầu tiên đến với nghề diễn đã được các thầy cô dạy dỗ rất kỹ lưỡng. Các thày cô luôn nói rằng, diễn xuất là công việc đặc thù, nhưng diễn viên cũng giống như những người lao động khác, phải bỏ sức lao động, phải làm việc nghiêm túc thì mới có được thành quả.
Tôi nghĩ từ “minh tinh” hợp với các diễn viên phương Tây hơn. Còn với tôi, xin hãy cứ gọi tôi là diễn viên Trà Giang. Chỉ cần được gọi thế thôi, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc.
- Từng đảm nhận vai chính trong rất nhiều bộ phim, trong đó có những phim được coi là kinh điển của điện ảnh Việt, bà thấy, cái khó khăn nhất của nghề diễn là gì?
Khó khăn lớn nhất của nghề diễn là làm sao sống được trong nhân vật. Muốn làm được điều đó, diễn viên phải có sự hiểu biết. Những người trong nghề như chúng tôi thường dặn nhau phải hiểu biết thì mới có thể sáng tạo.
Ngày xưa, chúng tôi làm việc cẩn thận lắm. Khi nhận vai diễn nào là phải nghiên cứu cả lý lịch của nhân vật. Sau khi đọc kịch bản, phải hình dung được nhân vật này là người thế nào, gia đình họ ra sao, họ yêu ai, gia đình người yêu thế sao, bối cảnh xã hội lúc đó có gì đặc biệt. Diễn viên phải hiểu về nhân vật, hiểu nội dung câu chuyện sâu hơn cả những từ ngữ trong kịch bản.
Có nghiên cứu kỹ như thế thì mỗi khi cất lời thoại, diễn viên mới diễn đạt được cái ý ngầm mà nhân vật gửi gắm trong đó, chứ không chỉ đọc những câu chữ trơn tuột.
Tôi còn nhớ, trước khi đóng phim Lửa rừng, tôi và các đồng nghiệp như Ngọc Lan, Trần Phương, Trịnh Thịnh phải đi thực tế ở miền tây Nghệ An. Lúc đó, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Chúng tôi vào Nghệ An bằng tàu hỏa vào buổi tối, sau đó lại mất thêm hai ngày leo núi, lội suối mới tới được ngôi làng nơi câu chuyện trong phim diễn ra.
Chúng tôi phải tới tận nơi, sống với người dân ở đó một thời gian để hiểu được không gian sống của nhân vật, hiểu được cuộc sống của người dân tộc, cách phụ nữ ở đó yêu chồng thế nào, thậm chí ngay cả cách họ ngồi bên bếp lửa ra sao, rồi mối quan hệ của họ với những người lính biên phòng… Phải hiểu được những điều đó, chúng tôi mới có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, mới khiến khán giả tin vào câu chuyện chúng tôi đang kể.
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà trong chuyến đi thực tế này?
Tôi và các diễn viên được sống ngay tại ngôi nhà của người phụ nữ có chồng làm phỉ. Tôi và Ngọc Lan là nữ nên được ưu ái hơn, ở trong một căn phòng nhỏ. Còn các nam diễn viên khác phải ngủ phía ngoài nhà, trên chiếc sạp dài đan bằng tre nứa.
Đêm đầu tiên, tôi và Ngọc Lan không ngủ được, cứ vừa ngả lưng lại nghe thấy tiếng sột soạt bên ngoài. Chúng tôi sợ có thú dữ nên không dám chợp mắt. Về sau mệt quá, chúng tôi mới ra ngoài. Hai người phụ nữ nằm ở giữa sạp, còn những người khác nằm ngoài.
Có đi, có tiếp xúc mới thấy thương các chú bộ đội biên phòng. Bộ đội nơi chúng tôi đi thực tế khi đó thường để những cây gỗ to, được đục như quan tài dựng sẵn trong nhà, phòng khi sự cố xảy ra. Họ luôn sống trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ra đi bất cứ khi nào. Thương lắm.
Hòa bình lặp lại, tôi khi đó là đại biểu Quốc hội khóa VI có dịp đi về vùng biên giới với Campuchia. Có một anh bộ đội biên phòng tới gặp tôi. Hóa ra, anh là một trong những chiến sĩ biên phòng ở miền tây Nghệ An - nơi tôi đi thực tế năm xưa. Anh vẫn còn nhớ khi đó tôi hát bài gì, Ngọc Lan ngâm thơ ra sao. Tôi mừng, hạnh phúc lắm. Không ngờ sau 11 năm, chúng tôi lại có dịp hội ngộ.
- Thời của bà, mỗi khi đóng phim, các diễn viên thường phải đi thực tế trong thời gian khá dài, đôi khi phải sống ở những nơi rất thiếu thốn về điều kiện vật chất. Có khi nào bà thấy nản?
Lúc đó chúng tôi còn trẻ, hơn nữa lại rất yêu nghề nên có khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng không nề hà, miễn sao là thu được nhiều trải nghiệm để hiểu nhân vật hơn, thể hiện nhân vật một cách tốt hơn.
Với thế hệ chúng tôi, việc đi thực tế, trải nghiệm những khó khăn mà nhân vật đã trải qua là điều hết sức bình thường.
“Tôi chưa bao giờ giải nghệ”
- Đang ở đỉnh cao, vì sao bỗng dưng bà giải nghệ mà không có bất cứ thông báo nào?
Tôi chưa bao giờ giải nghệ (cười). Sau khi đóng phim Huyền thoại người mẹ, tôi được mời tham gia một phim về Sơn Mỹ. Ê-kíp làm phim đã hoàn thiện, tôi và các bạn diễn cũng đã đi thực tế, chỉ đợi qua Tết Nguyên đán năm 1988 là bắt tay vào thực hiện.
Tuy nhiên, sau đó biến cố xảy ra, bộ phim không được thực hiện nữa. Giai đoạn này, đất nước cũng đang có nhiều thay đổi. Mô hình kinh tế đang chuyển từ bao cấp sang thị trường. Những phim về đề tài chiến tranh không còn được yêu thích như trước đây. Các nhà làm phim chuyển sang làm phim video. Có nhiều đạo diễn mời tôi tham gia các phim của họ nhưng tôi cứ đợi tìm được vai ưng ý mới nhận lời. Tôi cứ đợi mãi cho tới tận hôm nay.
- Bà có phải là người cực đoan trong nghệ thuật không?
Không, tôi không phải là người cực đoan. Tôi chỉ nghĩ, nếu nhận lời đóng một vai mà mình không yêu thì chắc chắn không thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật này được. Nhân vật của mình, mình không yêu thì làm sao có thể khiến khán giả yêu được.
Trong sự nghiệp của mình, tôi đã đóng nhiều phim, có vai thành công, có vai không nhưng đó đều là những vai tôi cảm thấy yêu, thấy muốn thể hiện. Khi tôi rời xa màn ảnh, cũng có hai luồng ý kiến. Có người luyến tiếc khi tôi dừng lại ở thời điểm vẫn còn sung sức, vẫn còn đam mê, vẫn còn nhiệt huyết và vẫn nhận được nhiều lời mời từ các đạo diễn, được khán giả yêu quý. Nhưng cũng có người cho rằng, tôi dừng lại ở thời điểm đó là hợp lý.
Tôi dừng lại để chờ đợi những vai diễn thực sự ưng ý là đúng, dù thời gian chờ đợi của tôi đã hơn 30 năm.
Còn với riêng tôi, tôi nghĩ mình dừng lại để chờ đợi những vai diễn thực sự ưng ý là đúng, dù thời gian chờ đợi của tôi đã hơn 30 năm và giờ bước sang tuổi 80, tôi gần như không còn cơ hội tìm được vai diễn khiến mình cảm thấy yêu, thấy muốn hóa thân nữa.
- Khi không đóng phim nữa, cuộc sống của bà thay đổi thế nào?
Tôi dành thời gian cho gia đình, điều mà trước đây khi bận rộn với phim ảnh tôi không làm được. Sau đó, tôi tình cờ phát hiện ra niềm đam mê với vẽ. Tôi mới đi học được 3 - 4 tháng thì chồng lâm bệnh và ra đi. Thời gian sau đó, tôi miệt mài vẽ.
Tôi cảm ơn ông trời cho tôi niềm đam mê mới vào đúng thời điểm tôi chênh vênh nhất. Tôi rất thích vẽ, thậm chí trong giấc mơ cũng thấy màu sắc, khung hình, hệt như khi còn đóng phim, tôi hay mơ thấy các cảnh quay hay giật mình thức giấc vì mơ thấy mình quên thoại.
Tôi thấy mình là người hạnh phúc vì luôn tìm được cái mình yêu và hết lòng với nó. Trước đây, tôi dành tình yêu, đam mê và nỗ lực thế nào với điện ảnh, thì giờ đây, tôi cũng tìm được niềm vui và sự say mê trong vẽ.
- Với điện ảnh, bà không nhận mình là minh tinh, còn với hội họa, dù đã có các tác phẩm được chú ý, có cả triển lãm riêng, bà cũng không nhận mình là họa sĩ?
Nghề chính của tôi là diễn viên. Tôi chỉ dám nhận mình là diễn viên vẽ chứ không bao giờ dám nhận mình là họa sĩ. Tôi không có sáng tạo gì ghê gớm trong hội họa. Tôi chỉ vẽ lại những cái mình thấy. Thấy bông hoa đẹp thì tôi vẽ, đi đâu chơi thấy cảnh đẹp tôi cũng tranh thủ chụp lại, rồi về nhà vẽ thành bức tranh của riêng mình.
Hơn 20 năm qua, tôi chỉ vẽ tranh phong cảnh và hoa thôi. Đặc biệt, tôi chỉ vẽ những bông hoa đang tươi thắm chứ không bao giờ dám vẽ những bông hoa đang tàn úa.
Vẽ với tôi như sự cứu rỗi, giúp tôi giải tỏa được tâm lý khi chồng mất. Lúc chồng ra đi, tôi mới 57 tuổi, vẫn còn sức khỏe. Từ ngày đó tới giờ, nếu không làm việc, không tìm thấy niềm đam mê trong vẽ, làm sao tôi sống được cho tới bây giờ? Hằng ngày, tôi vẫn dậy sớm, tập thể dục rồi ngồi vào vẽ. Chỉ hôm nào thấy mệt, tôi mới nghỉ ngơi.
Bạn bè nói, tôi có cuộc sống bình dị, bình dị hơn cả những người bình dị nhất.
- 30 năm không đứng trước máy quay, tình yêu bà dành cho điện ảnh có giảm đi?
Tôi chỉ không đứng trước ống kính máy quay chứ vẫn luôn đồng hành với các đồng nghiệp trong các hoạt động của Hội Điện ảnh. Tôi không có bất cứ mưu cầu riêng gì trong các hoạt động này mà chỉ muốn sự xuất hiện của mình giống như sự động viên, khuyến khích thế hệ trẻ, những người đang nỗ lực vì nền điện ảnh Việt Nam.
Tôi trân trọng thế hệ đi trước và cả những đồng nghiệp trẻ tuổi. Có khán giả nói với tôi, họ ít xem phim Việt vì nội dung không còn sát với cuộc sống. Nhưng là người trong nghề, tôi rất hiểu và trân trọng sức lao động của các bạn trẻ bây giờ.
Thế hệ của chúng tôi có những khó khăn riêng, nhưng thế hệ hiện nay cũng đâu chỉ có toàn thuận lợi. Diễn viên bỏ sức lực cho các vai diễn không khác gì thế hệ chúng tôi trước đây. Các nhà sản xuất hiện nay muốn làm phim phải bỏ ra số tiền rất lớn. Nếu làm theo kiểu mà chúng ta tạm gọi là “thiên về nghệ thuật” thì không thu hồi được vốn, làm giải trí đơn thuần thì lại bị phê bình thiếu nhân bản, nhân văn. Thế hệ trẻ ngày nay cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn và tôi nghĩ, điều chúng ta có thể làm là động viên họ, giúp họ vững tin vào sự lựa chọn của mình.
Là người gắn bó cả thời thanh xuân với Hãng Phim truyện Việt Nam, tôi rất thương những đồng nghiệp ở đây. Thanh tra Chính phủ đã kết luận quá trình cổ phần hóa của hãng có quá nhiều sai phạm và nhà đầu tư chiến lược phải thoái vốn. Tuy nhiên, vụ việc kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, các nghệ sĩ của hãng phim không có lương, không được đóng bảo hiểm, vậy họ sống bằng gì?
Mỗi lần có việc ra Hà Nội, tôi đều cố gắng ghé qua hãng phim. Nhìn thấy cảnh hãng phim hoang tàn, tôi rất đau lòng.
Hay như vừa rồi, Hội Điện ảnh tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2020 -2025 nhưng chưa bầu được chủ tịch. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này. Có lẽ chưa có hội nghề nghiệp nào bầu được ban chấp hành rồi nhưng không bầu ra được chủ tịch hội. Tôi chỉ mong các lãnh đạo quan tâm nhiều hơn tới điện ảnh và các nghệ sĩ nỗ lực hơn để chúng ta có thêm nhiều tác phẩm hay.
- Bà yêu nền điện ảnh Việt Nam nhưng trong chia sẻ vừa rồi của bà, liên tiếp là những câu chuyện buồn...
Đúng, đó là những câu chuyện không vui nhưng không có nghĩa vì những điều đó mà chúng ta đánh mất niềm tin vào nền điện ảnh Việt Nam.
Thế hệ của chúng tôi đã ở phía sau, giờ là lúc những bạn trẻ tỏa sáng và điều chúng ta có thể làm tốt nhất là trao cho họ niềm tin và hy vọng.
Theo VTC
Tài lẻ ít biết của NSND Trà Giang, Việt Trinh, Chiến Thắng
NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, danh hài Chiến Thắng, diễn viên Bảo Thanh,... ngoài khả năng diễn xuất còn có những tài lẻ ít người biết.