Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt tác phẩm cải lương giả tưởng Cánh cửa khép hờ, tác giả kịch bản Hoàng Song Việt, Triệu Trung Kiên.

NSND Triệu Trung Kiên cho biết, mọi kết cấu trong vũ trụ không được định hình một cách tuyệt đối, nó luôn có khoảng hở nên chọn tiêu đề vở diễn là Cánh cửa khép hờ. 

Chọn đề tài viễn tưởng, điều tưởng chừng chỉ có ở phim hay sân khấu của Mỹ đưa lên sân khấu cải lương, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ với PV VietNamNet - đó là nhân sinh quan được ấp ủ từ nhiều năm. 

26 8 2024 (81).jpg
Khán giả có nhiều trải nghiệm nghệ thuật mới lạ khi xem "Cánh cửa khép hờ".

"Tôi rất quan tâm các vấn đề về tôn giáo và khoa học, luôn tò mò, tìm hiểu con người và vũ trụ, luật nhân quả, luân hồi, thế giới bên kia. Vở diễn ra mắt dịp này như một nhân duyên để tôi được trải lòng", NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ. 

Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chọn đề tài chưa ai đề cập tới khiến anh cùng ê-kíp dàn dựng và các nghệ sĩ có nhiều "đất" để sáng tạo. Tất nhiên, trong lúc vỡ vở, ê-kíp sáng tạo gặp nhiều khó khăn bởi diễn viên chưa mường tượng hết toàn bộ tầm vóc của tác phẩm.

26 8 2024 (45).jpg
Nhiều câu chuyện giả tưởng lần lượt được tác giả đưa vào vở diễn. 

"Ngày nay, biến đổi gen, công nghệ AI đang phát triển nhanh và mạnh mẽ. Thậm chí nhiều người còn lo lắng sự phát triển này ảnh hưởng đến cuộc sống con người, nhiều ngành nghề biến mất trong tương lai, thất nghiệp tăng lên, biến đổi gen từ thực phẩm tới con người càng phổ biến...

Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, tôi muốn đưa lên sân khấu cải lương. Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt. Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi tìm mọi cách để phát triển nó trong thời đại mới", NSND Triệu Trung Kiên khẳng định.

26 8 2024 (35).jpg
Vở diễn khiến khán giả thích thú về cách thể hiện cải lương mới lạ.

Trước khi ra mắt khán giả, nhiều người nghi ngờ sự thành công của vở diễn bởi sân khấu cải lương luôn mang tính chất trữ tình, lồng ghép với đề tài viễn tưởng liệu có khập khiễng. Thế nhưng, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống, kết hợp với âm thanh, ánh sáng... cùng cách dẫn dắt câu chuyện chặt chẽ, đạo diễn đã dựng lên một xã hội tương lai của 20 năm tới đầy cuốn hút. Một cặp vợ chồng hiếm muộn chỉ mong có người lãnh đạo kiệt xuất nối nghiệp, người chồng - Chủ tịch một tập đoàn đã bắt tay với một giáo sư để tạo ra đứa trẻ đột biến và nhiều câu chuyện giả tưởng khác lần lượt được đưa vào vở diễn. 

Xuyên suốt tác phẩm, đạo diễn lồng ghép nhiều đoạn cải lương có bản phối rất hiện đại. Quá trình dịch chuyển liên hành tinh được tái hiện bằng những hiệu ứng công nghệ giúp khán giả hình dung rõ bối cảnh vở diễn. 

Tác phẩm cải lương giả tưởng là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay. Đồng thời khẳng định, mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên. Mọi tham vọng tác động làm biến đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại. 

Diễn viên Charlie Win chia sẻ: "Tôi từng rất thích thú khi xem vở cải lương Vì nghĩa nước non. Là người Mỹ, thường xuyên xem nhạc kịch Mỹ, tôi bất ngờ khi nghệ thuật truyền thống lại đề cập đến yếu tố viễn tưởng tưởng chừng chỉ có ở phim điện ảnh Mỹ”. 

Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam