Bài phát biểu tham luận của NSND Trịnh Thúy Mùi, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

{keywords}
NSND Trịnh Thúy Mùi.

Thực hiện tốt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về việc Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 BCH TW Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nền văn nghệ hiện đại Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỉ 21 đã có nhiều thành tựu trong hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi sâu vào việc tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, đã tác động đến tư tưởng tình cảm và làm thay đổi nhận thức để hoàn thiện về nhân cách con người. Điều ấy chứng tỏ, các chủ thể là văn nghệ sĩ đã và đang thực hiện thắng lợi đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong phát biểu ngắn của mình, tôi chỉ nêu một số vấn đề liên quan tới giải pháp phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại trong thời gian tới:

1. Những thách thức của sự phát triển trong nền văn nghệ hôm nay

Chúng tôi nhận rõ hiện nay, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề, vẫn hết sức thiếu vắng và đang bị đứt gãy về sự kế tục. 

Hiện nay đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện để tiếp cận với những tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới. Phải chăng vì vậy mà văn học nghệ thuật nói chung nghệ thuật sân khấu nói riêng đang hiếm có khó tìm những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tác như trước đây? Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ, tài năng một cách trầm trọng nhất của sân khấu thế kỷ 21.

Công tác lý luận phê bình: Đây là công tác định hướng thẩm mỹ cho hoạt động văn nghệ, cho người thưởng thức văn nghệ nhưng các chuyên gia “có nghề” cao thì tuổi tác nay cũng ngày một cao, những chuyên gia trẻ chỉ dừng lại ở phần tuyên truyền, quảng bá tác phẩm, chứ chưa có nhiều công trình và bài viết lý luận phê bình phân tích đánh giá tác phẩm văn nghệ có chất lượng như mong đợi.

Cơ chế chính sách chưa đáp ứng được cho hoạt động sáng tác: Trên lĩnh vực sáng tác văn nghệ đã có Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút văn học nghệ thuật. Nhưng chế độ nhuận bút này nhiều nơi không đủ kinh phí để chi trả nhuận bút đúng như quy định của Nghị định Chính phủ ban hành. Các đơn vị nghệ thuật địa phương phải sáp nhập vào với các Trung tâm Văn hóa là đơn vị sự nghiệp hoạt động công tác tuyên truyền, phong trào nên nghệ thuật sân khấu có nơi đang bị tha hóa vào tình trạng nghiệp dư, tính chất chuyên nghiệp và bản sắc của nghệ thuật truyền thống đều bị phai bạc đáng tiếc.

Công tác định hướng đào tạo khán giả: Riêng nghệ thuật sân khấu đang đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức rất lớn, đó là phải tìm cách thoát khỏi hiện trạng sân khấu đang mất trắng khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không tìm cách giải quyết kịp thời thì sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, đứng trước thách thức lớn trong việc tồn tại và phát triển.

Nguyên nhân có lẽ là do chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới việc tổ chức, giáo dục, đào tạo các thế hệ khán giả mới của sân khấu truyền thống. Lớp khán giả trung và cao niên đông đảo quen thuộc, hiểu và say mê sân khấu truyền thống của những năm trước đây đã ngày càng ít dần và một ngày không xa sẽ không còn nữa.

Thực trạng ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào văn nghệ: Công nghiệp văn hóa hiện nay đang đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế tri thức, là thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ góp phần truyền bá bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, nền văn nghệ còn xa lạ với cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở vật chất sân khấu các đơn vị nghệ thuật đa phần cũ kỹ, lỗi thời, khó có thể nói đến việc ứng dụng công nghệ 4.0. Có thể thấy, nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 lẽ ra phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương ứng. Đặc biệt, phải có đội ngũ sáng tạo và cả khán giả đều phải mang tầm trí thức thời cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Để hoạt động sân khấu vượt qua khó khăn, thách thức, chúng tôi xin đề xuất mấy vấn đề mà, theo chúng tôi, là cần thiết.

Về chế độ, chính sách: Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả và chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác.

Đầu tư nguồn nhân lực: Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đó là đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù là gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật.

Đầu tư đào tạo khán giả: Sân khấu không thể tồn tại được nếu không có khán giả. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối của nghệ thuật sân khấu hiện nay. Một trong những đề án cần được quan tâm nhất của chúng tôi là đề án cho chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu, bằng cách Giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong các trường học nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu. Đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà cho giới trẻ vừa có tác dụng đào tạo định hướng khán giả chung cho nghệ thuật sân khấu.

Đầu tư Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật: Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập tạo sự công bằng bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội.

Đầu tư mạnh mẽ cho tác phẩm về đề tài hiện đại: Vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng, của Đảng. Những tác phẩm này rất cần Đảng và nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vở diễn được biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cán bộ đảng viên phải là người học tập và thẩm thấu trước tiên, nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật góp phần tích cực nhất vào việc “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam” vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

NSND Trịnh Thúy Mùi

Nghệ thuật không vì phẩm giá con người là nền 'nghệ thuật của cái chết'

Nghệ thuật không vì phẩm giá con người là nền 'nghệ thuật của cái chết'

Nếu những trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước không mang lòng tự trọng dân tộc, họ sẽ chẳng viết được gì có giá trị với con người, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.