- Tài năng, tận hiến với nghề nhưng những ngày tháng cuối đời lại là những ngày buồn dài đằng đẵng của NSƯT Anh Dũng. Nói như NSƯT Quế Hằng, rời bỏ cõi trần, Anh Dũng đã vĩnh biệt những ngày buồn.

Nhiều vai diễn để đời

NSƯT Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1951) là nghệ sĩ xuất sắc trong lứa diễn viên trường Sân khấu Việt Nam từ năm 1968 đến 1971. Bén duyên với nghệ thuật sân khấu từ những năm 14 – 15 tuổi, khi đó, ông thường đi theo chị gái Tú Mai học nghệ thuật.  Khi học đến năm thứ hai Đại học Y Hà Nội, cậu sinh viên Anh Dũng giấu gia đình, lén thi vào trường sân khấu.

{keywords}

Vợ chồng cố nghệ sĩ Anh Dũng – Phương Thanh

Bỏ mặc lời can ngăn của gia đình, Anh Dũng quyết bằng được theo nghề này dù biết rằng con đường mình đi nhiều trông gai. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã đảm nhận hàng trăm vai chính với biết bao tính cách, số phận, và rất nhiều vai diễn trên truyền hình.

Vai Ngọ trong vở kịch “Đâu có giặc là ta cứ đi” của cố nghệ sĩ Ngô Y Linh là vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Anh Dũng khi về Nhà hát Kịch Việt Nam. Rồi sau đó, ông thành công với các vai diễn để đời khác như: vai Matsu trong vở “Kẻ sống ngoài vòng pháp luật”, vai con cả ông Trương Ba trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”,... Ngoài ra, ông còn có những vai diễn ấn tượng trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: “Cô gái trên sông”, “Kỷ niệm đồi trăng”...

Không chỉ tham gia diễn xuất, NSƯT Anh Dũng còn miệt mài viết kịch bản điện ảnh và sân khấu.

Nỗi đau đổ dồn hạ gục người nghệ sĩ

Năm 2009 là một năm đầy biến cố của NSƯT Anh Dũng. Đó là một năm nghiệt ngã nhất trong đời một người đàn ông đã ở tuổi tri thiên mệnh như ông.

Tháng 2/2009, vợ anh nghệ sĩ Phương Thanh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 53 trong một cơn tai biến. Nói về vợ, nghệ sĩ Anh Dũng từng tâm sự: “Tôi chưa thấy người phụ nữ nào thật thà hồn hậu như Phương Thanh. Sống với nhau hai mươi mấy năm trời, tôi chưa bao giờ to tiếng với vợ. Thông thường, tôi cứ vừa ngồi trò chuyện với vợ vừa viết kịch bản trên laptop. Bà ấy ngạc nhiên lắm. Chính vì thế nên khi bà ấy mất đi,  mở laptop ra tôi lại thấy nhớ vợ, thấy chán nản, khó khăn. Tôi đã phải cố nhiều trong mỗi ngày không có bà ấy. Mà, cuộc đời lạ thật, có những năm tháng, cứ dồn mình vào tận chân tường. Vừa lo xong hậu sự cho vợ, lại đến lượt mẹ tôi”.

19 ngày sau khi vợ mất, ông lại phải tiễn mẹ ruột mình về cõi vĩnh hằng. Cũng năm đó, do mâu thuẫn nội bộ, ông đã nhận quyết định từ Bộ VH-TT&DL thôi giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và chuyển sang làm chuyên viên tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, sau đó nghỉ hưu.

Dường như cái ghế Giám đốc đã lấy đi của ông quá nhiều thứ. Sinh thời nghệ sĩ Anh Dũng bảo: “Tôi chỉ có thể là một thằng nghệ sỹ. Tôi đảm nhiệm công việc của một diễn viên tốt hơn nhiều so với việc lãnh đạo”.

Nỗi đau đến với Anh Dũng thật khỏ tả thành lời. Chỉ người có sức chịu đựng phi thường mới vượt qua được những tháng ngày khủng khiếp ấy. Anh Dũng đã sống, bằng tất cả lý trí còn lại của mình. Những nỗi đau liên tiếp ập đến, cộng dồn vào một chuỗi mất mát đã hạ gục người nghệ sĩ tài hoa.

Có nhiều đồng nghiệp, bạn bè thân thiết với nghệ sĩ Anh Dũng đã quá hiểu nỗi buồn, sự thua thiệt trong nghề của anh nhưng họ đều lực bất tòng tâm. Không thể nào chịu thay nỗi buồn cho anh được, cũng không thể nào lên tiếng bênh vực anh trước sóng gió thị phi. Nói như NSƯT Quế Hằng: “ Anh Dũng thật tội nghiệp, làm lãnh đạo mà thật thà quá như Anh Dũng chỉ toàn là thua thiệt. Những ngày cuối đời là những ngày tháng buồn dài đằng đẵng đối với Anh Dũng. Tạm biệt cõi trần, coi như anh tạm biệt những ngày buồn”.

T.Lê