Hà Nam là địa phương thứ 4 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020.

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, phát triển kinh tế khu vực nông thôn đã đem lại hiệu quả thiết thực cũng như đáp ứng, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân. Đây là chương trình đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cả về vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

W-nongthon.png

Hiện Hà Nam đang tập trung xây dựng NTM nâng cao, thông minh, sinh thái…

Những năm qua tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ người nông dân, tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến vào hoạt động truyền thông; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; phối hợp hỗ trợ đưa 157 sản phẩm của hội viên tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ kích hoạt 230 tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, hỗ trợ ra mắt 6 cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn cho nông dân với trên 70 sản phẩm, trong đó có 40 sản phẩm OCOP. Cùng với đó, phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Sự hình dung mơ hồ, thiếu hiểu biết, nhất là hiểu nhầm về mặt khái niệm khiến Hội nông dân các cấp khó xác định được các chương trình, kế hoạch, cách thức, trong tiến trình chuyển đổi số.

Tại huyện Bình Lục, Hội nông dân tỉnh Hà Nam vừa tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số, phát triển sản phẩm OCOP, VietGap, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã quan tâm thảo luận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, những quy định, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay, những khó khăn, tồn tại, hạn chế; kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số và vai trò của Hội nông dân trong tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, VietGap, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hiện nay; những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội, thách thức đối với hội viên, nông dân trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; vai trò, trách nhiệm, giải pháp của tổ chức Hội nông dân các cấp trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Tính đến nay tỉnh đã có 83/83 xã để đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn 100%, có 6 huyện, thành phố, thị xã đã được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành chương trình NTM từ năm 2020 gồm thành phố Phủ lý, Thị xã Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng. Hiện trên địa bàn đã có 31/83 xã NTM nâng cao.