Bắt đầu sưu tầm ốc mượn hồn từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Thanh Phượng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã sở hữu hơn 6.000 cá thể với nhiều màu sắc và giống khác nhau, chúng được nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới. 

Ốc mượn hồn còn có tên gọi là "cua ẩn sĩ", thường sống trong vỏ ốc, sò... Đây là loài động vật thuộc họ giáp xác, lai giữa tôm và cua, thường xuất hiện tại môi trường rừng ngập mặn, những nơi gần biển hoặc khu vực có khí hậu ẩm ướt. 

Tại Việt Nam, ốc mượn hồn thường được tìm thấy ở Đảo Phú Quý (Bình Thuận), Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và có đa dạng các dòng như: Violasen, Rugo Albino, Pelartus...

Một số chủng loại ốc mượn hồn do nữ chủ nhân sưu tầm.

Nổi bật trong bộ sưu tập của Phượng là cá thể Brevimanus tuổi thọ gần 30 năm, được tìm thấy tại Indonesia. Nó có đặc trưng là càng to so hơn so với các loài khác. 

 Để duy trì đam mê, Phượng vừa nuôi vừa bán cho những người có cùng sở thích. Giá của mỗi con dao động từ 6.000 đến 500.000 đồng tùy kích thước và độ hiếm.

"Hồi nhỏ, mình tình cờ thấy người ta bán loài động vật này ở ven đường nên cũng mua 3-4 con để chăm sóc, lâu dần thành niềm đam mê, đến nay đã gắn bó được hơn chục năm", Phượng chia sẻ. 

Ban đầu Phượng chỉ có ý định nuôi chơi nhưng vì bạn bè hỏi mua quá nhiều, chị đã mạnh dạn mở cửa hàng. Lúc mới khởi nghiệp, 9X gặp không ít khó khăn vì phải đầu tư nhiều thiết bị. Việc chăm sóc chuyên nghiệp cũng cần phải bài bản hơn so với nuôi chơi. Hiện tại, Phượng kinh doanh khá ổn định, xuất đi khoảng 400 đến 500 đơn hàng mỗi tháng. 

Ốc mượn hồn là loài động vật ăn tạp. Để phát triển khỏe mạnh và lên màu đẹp, chúng phải được duy trì chế độ ăn khoa học, hạn chế những thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, đặc biệt là vỏ trứng để bổ sung thêm canxi, giúp phần vỏ được cứng cáp.  

Môi trường sống cũng rất quan trọng, nhiệt độ lý tưởng thường phải duy trì từ 22-28 độ C, độ ẩm trên 85%. Phần nền được sử dụng là cát hoặc rêu. Cơ thể của ốc mượn hồn yếu nhất vào giai đoạn thay vỏ, nền cát giúp chúng có nơi trú ẩn, tránh bị đồng loại ăn thịt.

Ốc mượn hồn có tập tính sống bầy đàn. Diện tích bể nuôi tối thiểu từ 30x30cm với sức chứa từ 20 đến 30 con, bên trong được trang trí thêm tiểu cảnh như gốc cây, hốc đá để giống với môi trường tự nhiên. Khoảng 1 đến 2 tháng, loài cua này sẽ thay vỏ một lần, Phượng phải đặt thêm nhiều loại vỏ cho chúng thay, tránh trường hợp vỏ vỡ và làm xước cơ thể.

Phượng cho biết, loài động vật này khá dễ nuôi và không tốn kém. Đối với người chơi bình thường thì chỉ cần cấp ẩm đầy đủ, thức ăn không quá quan trọng vì người ăn gì chúng ăn nấy. Vào mùa hè, người nuôi nên đắp khăn ẩm lên miệng bể nuôi hoặc đặt chai nước đá treo bên trong bể, mùa đông có thể sử dụng thiết bị sưởi ấm.

Trong tự nhiên, sau khi giao phối, trứng ốc phải được nở trong môi trường nước biển. Để phối giống nhân tạo, người nuôi cần phải tạo được môi trường giống nước biển thì trứng mới nở. Tuy nhiên, hiện chưa nhiều người có thể thực hiện được điều này.