Farrah Daly, bác sĩ thần kinh 33 tuổi, chuyên chăm sóc cho những người sắp chết, dành hầu hết thời gian trong ngày trên những con đường. Thiết bị định vị trên ô tô của cô đầy những địa chỉ của những người có thể chỉ còn sống được một vài ngày.

  
“Hãy cảm nhận cơ thể bạn ngay lúc này! Nó cho thấy bạn vẫn còn đang sống!”
Vào một ngày lạnh lẽo của tháng 12, ngày được nghỉ, Daly lái xe tới gặp một bệnh nhân mà cô đã điều trị trong 8 tháng – ông Alton Hlavin, 74 tuổi.

Khi lái xe thận trọng trên con đường cao tốc đông đúc, để mặc cho những chiếc xe khác vượt lên phía trước mà không một lời than phiền, cô nghĩ về những đau đớn mà Hlavin đã phải trải qua.

Ông Hlavin mắc một căn bệnh chưa có thuốc chữa có tên là thoái hóa dây sống tiểu não. Giống như bệnh Parkinson, căn bệnh này từ từ tấn công các tế bào, gây ra đau cơ bắp suy nhược và thu nhỏ các bộ phận của não cho đến khi bệnh nhân không thể đi lại hoặc nói chuyện.

“Chết tiệt, căn bệnh đang tiến triển” – ông nói trong lần gặp nhau cuối cùng.

Khi Daly tới nhà lần này, ông đang ngồi trên một chiếc ghế tựa, im lặng và xanh xao. Trước đây, ông từng là cố vấn của bang. Ông từng viết 2 cuốn sách và đã đặt chân tới hơn 70 quốc gia.

Daly ôm hôn vợ, bà Martha và y tá của bệnh viện dành cho những người sắp qua đời Linda trước khi ngồi xuống cạnh ông Hlavin.

“Hôm nay ông có đau nhiều không?” – Daly hỏi.

Hlavin trả lời chậm rãi và ngập ngừng. Vợ ông trả lời thay khi ông ngừng lại quá lâu.

Chỉ cách đây mới vài tuần, Hlavin vẫn còn đến nhà thờ vào các ngày Chủ nhật. Thậm chí, ông vẫn còn cố gắng để đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tháng 11. Song gần đây, ông cần thuốc giảm đau nhiều hơn. Những bước đi của ông đã yếu dần. Ông nuốt viên thuốc của mình với nước táo và phải rất vất vả để chuyển chai nước từ tay phải sang tay trái – vợ ông giải thích.

“Đôi khi tôi gặp khó khăn khi diễn đạt” – ông Hlavin nói, sau đó thở dài. “Thực sự là rất đau khi bạn muốn nói điều gì đó và bạn…” – ông dừng lại.

“Bạn không thể tìm được từ đó?” – Martha hỏi lại.

“Đúng” – ông trả lời.

Daly viết một toa thuốc mới và tư vấn cho Martha và Linda về một số thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng của ông. Sau gần một giờ rưỡi, cô ra về.

Mặc dù không có giọt nước mắt nào trong chuyến thăm này, song rõ ràng là tình trạng của Hlavin đã tồi tệ hơn kể từ lần thăm gần đây nhất của cô trước đó 2 tháng. Chỉ cần một sự cố nhỏ như nhiễm trùng, ngã hay một viên thuốc bị mắc vào cổ làm ông nghẹt thở cũng có thể đe dọa tới tính mạng của Hlavin.

“Để làm tốt công việc này, bạn phải thực sự gắn bó với bệnh nhân” – Daly chia sẻ.


Giống như Daly, những người chọn công việc này phải thấy sự cần thiết trong việc giúp đỡ người khác.
Họ là những bác sĩ mà nhiệm vụ không phải là chữa trị, mà chăm sóc.

Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với nhiều căng thẳng.

Capital Hospice (Bệnh viện dành cho người hấp hối) – một cơ sở có 15 giường cho bệnh nhân nội trú – là nơi gặp gỡ hàng tuần của những người mất người thân cho các nhân viên, tăng lữ và các tình nguyện có một nơi an toàn để chia sẻ nỗi đau buồn của mình.

“Đó không phải là công việc dễ dàng, song rất có ý nghĩa” – y tá giám sát Stacey Ishag – người đã làm việc ở bệnh viện được 11 năm chia sẻ.

Ishag đã bỏ công việc của một y tá khoa ung thư cách đây hơn 10 năm khi cô không thể chịu đựng được việc nhìn thấy bệnh nhân gầy mòn đi vì sự tàn phá của hóa trị liệu.

“Tôi cảm thấy như mình đang gây ra nỗi đau của họ vậy” – Ishag nói.

Nhưng thậm chí, khi làm việc ở môi trường mới, có đôi lúc, cô cũng thừa nhận việc tiếp xúc với cái chết là quá nhiều. Trong một năm, cô đã chứng kiến tới 400 cái chết.

Cô bắt đầu ghi chép những điều mà mình học được từ bệnh nhân.

“Họ thực sự làm tôi bớt lo sợ về cái chết” – cô nói.

“Tôi cho rằng, điều quan trọng đối với mình là nhìn thấy những gì quan trọng trong cuộc sống. Nó không phải là những điều ở phía trước, không phải là những điều không thể xác định, mà là việc làm tốt đẹp hơn những mối quan hệ, cố gắng sửa chữa sai lầm”.

Một nghiên cứu gần đây về các chuyên gia chăm sóc những người hấp hối ở Canada cho thấy, việc tiếp xúc liên tục với cái chết thực sự mang lại những tác động tích cực.

Về phần mình, Daly thừa nhận rằng những thời điểm khó khăn nhất của cô là khi điều trị cho những bệnh nhân cùng lứa tuổi.

Cô nói rằng, có những lần phải xin nghỉ đột xuất 1 - 2 ngày và cấp trên luôn thông cảm cho những yêu cầu này.

Cô thực sự vui khi chồng mình - một kỹ sư phần mềm - không làm cùng nghề. Công việc làm thêm buổi tối của Daly là một giảng viên thể dục ở một phòng tập, nơi mà không ai biết công việc ban ngày của cô.

“Hãy sử dụng tay của các bạn. Chúng không là vĩnh viễn đâu!’ – cô nói to với lớp học của mình và tự hỏi rằng, liệu họ có thấy cô vừa nói một điều kì quặc hay không. “Hãy cảm nhận cơ thể bạn ngay lúc này! Nó cho thấy bạn vẫn còn đang sống!” – cô la lên.

  • Nguyễn Thảo (Theo AFP)