Ca bệnh đặc biệt

Ca trực đêm kết thúc vào lúc 7h sáng ngày 3/8, điều dưỡng Nguyễn Thị Hải (SN 1992, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) thay bộ đồ bảo hộ và chờ xe đến đón về khách sạn lưu trú. Hôm nay là hơn 3 tuần chị rời TP.Vinh vào BV Trưng Vương – nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, tăng cường cho TP.HCM chống dịch.

{keywords}
Đoàn y, bác sĩ Nghệ An chi viện cho TP.HCM chống dịch.

“Khi đặt bút điền vào đơn đăng ký, tôi khá đắn đo. Chồng tôi (đang ở nước ngoài) cũng lo lắng vì sợ vợ có nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi đã thuyết phục anh. Tôi nói, tuổi trẻ là phải cống hiến…”.

Chị cũng tìm cách thuyết phục cậu con trai 3 tuổi khi nói với con: “Mẹ phải vào Sài Gòn, mẹ đi tiêm các bạn bị ốm để các bạn nhanh khỏe”. “Vậy mà khi tôi lên đường, bé lại đổi ý ôm chặt, không cho mẹ đi. Lúc đó, tôi cũng thấy tủi thân và thương con vô cùng”, chị kể.

Ngày 12/7, chuyến bay của họ đáp xuống TP.HCM, đêm 13/7, chị Hải cùng đồng nghiệp bắt đầu vào ca trực đêm đầu tiên. Cũng ngay trong đêm đó, chị được tham gia vào một kíp mổ rất đặc biệt. “10h đêm nhận ca, đến khoảng 3h30 sáng, chúng tôi được thông báo có sản phụ phải mổ cấp cứu’, chị Hải nói.

{keywords}
Thăm khám các thai phụ nhiễm Covid-19.

Bệnh nhân là thai phụ mang thai ở tuần 36, bị tiểu đường thai kỳ, nhiễm Covid-19 và phải thở oxy. Hoàn cảnh thai phụ này khá đặc biệt khi chị một mình vào viện điều trị Covid-19 vì cả gia đình đang bị cách ly.

Đến thời điểm đó, tình hình nạn nhân chuyển biến nặng, sau cuộc hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ bắt con. Chị Hải và các nữ hộ sinh phải chuẩn bị dụng cụ cấp cứu phòng trường hợp em bé bị ngạt.

{keywords}
Chăm sóc các bệnh nhi

“Tôi thấy thương chị vì rơi vào cảnh “đàn bà vượt cạn đơn côi một mình” khi không có gia đình, người thân bên cạnh. Rất may, ca mổ thành công. Bé trai chào đời nặng 3,6kg. Chúng tôi đón bé, lau rửa, thay quần áo và chuyển bé về khoa sản tiếp tục điều trị”, chị Hải nhớ.

Ca mổ thành công, người mẹ hạnh phúc bày tỏ nguyện vọng muốn được nhìn con nên các điều dưỡng đã chụp ảnh bé gửi cho bác sĩ để đưa cho chị. “Đến nay, bé cũng đã được rời viện về với vòng tay gia đình. Người nhà vẫn thường nhắn tin cho chúng tôi nói rằng em rất ngoan, ăn ngủ tốt”, nữ điều dưỡng kể.

'Chưa thể nói ngày về'

Cùng đoàn chi viện với chị Hải là anh Nguyễn Đình Hiệp (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An). Trưởng đoàn y, bác sĩ Nghệ An chi viện cho TP.HCM chống dịch Covid-19 này chia sẻ, đoàn gồm 60 người từ các bệnh viện tỉnh Nghệ An.

Trước khi lên đường, các y, bác sĩ đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, xét nghiệm, đảm bảo điều kiện sức khỏe và tập huấn công tác chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và điều trị cho bệnh nhân.

{keywords}
Các bác sĩ mua dụng cụ, tự cắt tóc cho nhau để giảm nóng bức khi mặc đồ bảo hộ.

“Các y, bác sĩ đều rất nhiệt tình. Có những chị con còn nhỏ vẫn đăng ký lên đường. Số lượng đăng ký nhiều nhưng chỉ tiêu chỉ 200 người. Đoàn chúng tôi gồm 60 người vào TP.HCM, sau đó sẽ có các đợt khác tiếp tục chi viện cho TP.HCM và các tỉnh lân cận”.

Theo BS Hiệp, công việc chia theo ca (mỗi ca 8 tiếng) khá căng thẳng, áp lực. Làm trong môi trường nhiều bệnh nhân nặng, phải thở máy, họ không có phút được ngồi nghỉ ngơi.

“Có những tuần làm ca tối, chúng tôi phải thức xuyên đêm. Trong những bộ đồ bảo hộ nóng, mồ hôi đổ như tắm suốt thời gian dài, da bợt ra, nhăn nheo. Có những nhân viên đuối sức bị ngất nhưng rồi họ vẫn quay lại, tiếp tục chiến đấu”, anh nói.

Thời gian điều trị F0, anh ấn tượng với 2 vợ chồng cao tuổi cùng một phòng điều trị. Ban đầu, họ vẫn còn chăm sóc được cho nhau. Nhưng sau đó, bệnh của người vợ diễn biến nặng, phải đặt ống thở máy.

Cuối cùng bà phải ra đi trong sự chứng kiến của người bạn đời. “Chúng tôi dốc hết nỗ lực để giữ tính mạng cho người còn lại. Nhưng hình ảnh người chồng nhìn vợ qua đời mà bất lực, không thể làm gì được rất khó quên đối với tôi”, anh Hiệp nhớ lại.

{keywords}
Các bác sĩ từ Nghệ An vào chi viện ở Bệnh viện Trưng Vương, công tác tại khoa sản.

Anh cùng đồng nghiệp cũng điều trị cho một nữ bệnh nhân khác. Người phụ nữ cao tuổi đã qua giai đoạn nguy kịch, được rút thở máy khiến ai cũng thở phào. Bệnh nhân đã hy vọng đến một ngày được về nhà. Nhưng bệnh lý khác nặng hơn, biến chứng của Covid-19 (tắc mạch phổi) ập đến khiến bà không qua khỏi.

“Chứng kiến những ca bệnh đó khiến các y bác sĩ càng nỗ lực hơn trong công việc. Chúng tôi vào đây biết ngày đi nhưng chưa thể hẹn ngày về nếu Sài Gòn vẫn chưa hết dịch”, nam bác sĩ nói.

Ngọc Trang

Ca F0 nặng khỏi bệnh: 'Các bác sĩ chăm sóc tôi hơn cả người nhà'

Ca F0 nặng khỏi bệnh: 'Các bác sĩ chăm sóc tôi hơn cả người nhà'

20 ngày điều trị Covid-19 khiến chị Ngô Hoàng Yến nhận ra, những lời kêu ca trên mạng xã hội có thể khiến cho tinh thần người bệnh kiệt quệ. Những gì chị cảm nhận được những ngày qua là sự giúp đỡ, động viên.