- Nữ họa sĩ Ngọc Mai mê Truyện Kiều đến nỗi, bỏ nhiều công phu để vẽ nàng Kiều cùng một số nhân vật trong danh tác này ròng rã suốt 12 năm qua.
Chưa bàn đến những điều sâu xa, chỉ vừa "chạm" đến chi tiết 12 năm vẽ Kiều, cũng đã gợi mở câu chuyện khác thường của một họa sĩ. Một người bạn của nữ họa sĩ đã liên tưởng bằng những con số, rằng nàng Kiều mất 15 năm lưu lạc, còn Ngọc Mai cũng tốn đến 12 năm để vẽ Kiều.
"Lẩy" tranh từ Kiều
Không phải ngẫu nhiên mà nữ họa sĩ dùng lụa để vẽ Kiều. Khó còn chất liệu nào khác để phù hợp hơn lụa truyền thống để thể hiện những gì được "lẩy" ra từ Truyện Kiều. Nhẹ nhàng, mong manh, đẹp như những dòng lục bát mà đại thi hào Nguyễn Du đã gieo, song cũng man mác buồn dưới những lớp màu u uẩn.
|
"Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
|
"Tôi không minh họa Truyện Kiều, chỉ "trích" ra những tình tiết mình yêu thích và thể hiện nó lên tranh", họa sĩ Ngọc Mai chia sẻ. Nhưng thi phẩm lớn dày dặn tình tiết và nặng trĩu tư tưởng này có quá nhiều "đất" để khai thác, đã làm nữ họa mất đến hơn một thập niên sáng tạo.
Cách chọn lựa những đoạn trích để vẽ của họa sĩ Ngọc Mai không có gì lạ. Đó là những đoạn kinh điển của Truyện Kiều, quá quen thuộc với người Việt, hoặc một số đoạn "thuận" cho việc chuyển dịch từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ mảng khối, màu sắc của hội họa.
Cái dễ cũng là cái khó nhất, khi bức tranh được người xem nhận diện ngay khi lọt vào tầm mắt mà không cần đến diễn giải, nhưng có thể quen đến mức dễ làm người xem hoặc thích so sánh (với tác phẩm thuộc loại hình khác, với tưởng tượng của bản thân), hoặc thậm chí thờ ơ, lướt nhanh qua.
Kiều tắm "rõ ràng trong ngọc trắng ngà", Kiều ở lầu Ngưng Bích "hoa trôi man mác biết là về đâu", cuộc hội ngộ Kim - Kiều "người đâu gặp gỡ làm chi", Kiều trầm mình xuống dòng Tiền Đường "thôi thì một thác cho rồi", Từ Hải chết đứng "nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng", Kim Trọng trở lại vườn Thúy "trước sau nào thấy bóng người",... đầy chất thơ, đầy hình ảnh để thỏa sức sáng tạo. Thoát ra khỏi chất liệu đó để thành tác phẩm độc lập là một bản lĩnh.
Vẽ Kiều xưa nay hiếm
"Có những bức tôi vẽ ròng rã trong nhiều tháng mới xong. Trong số này, tôi rất thích bức vẽ Kim Trọng thưởng thức tiếng đàn của nàng Kiều mà mình đã vẽ suốt 4 - 5 tháng. Đó là vì câu chuyện tình trong sáng, đẹp mong manh của hai người", nữ họa sĩ Ngọc Mai "diễn giải" về tác phẩm vẽ Kiều mình thích nhất. Đẹp nhưng chứa đựng bất trắc, chẳng thế mà họa sĩ đặt cho bức tranh cái tên "Cung đàn bạc mệnh", "Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào".
|
Bức "Cung đàn bạc mệnh". "Ngọn đèn khi
tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đócũng ngơ ngẩn sầu... Rằng hay thì thật là
hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"
|
Ẩn dưới vẻ đẹp mượt mà của lụa, nét cọ trau chuốt như những câu thơ tài hoa của đại thi hào, không phải là sự bình yên. Từ những xáo động "Nghĩ đời mà ngán cho đời/ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen" thấp thoáng dưới vài đường gân li ti của vải lụa, đến những dự cảm bất an "Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu" được thể hiện bằng nhiều nhát cọ gằn mạnh.
Họa sĩ Trần Văn Phú nhận xét tác phẩm của Ngọc Mai: "Tranh đẹp ở chất lụa, hình cách tân, bố cục kết hợp thư pháp. Đời người không có hạnh phúc nào bằng ước mơ dai dẳng triền miên mà thực hiện được. Nó chạm đến mảng trí tuệ mênh mông của biển nghệ thuật hội họa, đòi hỏi người họa sĩ phải có quyết tâm cao".
Họa sĩ Trần Văn Phú cũng cho rằng "Tranh vẽ về Truyện Kiều xưa nay hiếm". Nghĩa là vẽ Kiều như Ngọc Mai đã là của hiếm, và vẽ Kiều từ thuở còn xuân thì đến nay mất hết 12 năm như Ngọc Mai càng là một kỳ công. Vậy nhưng cũng chỉ có 28 bức, được chủ nhân mang đi triển lãm cho công chúng yêu hội họa thưởng ngoạn từ ngày 17/9/2011 tại Nhà triển lãm TP.HCM. 28 bức tranh lụa vẽ Kiều khổ lớn được tác giả lồng kính cẩn trọng và tuyên bố không bán.
Nữ họa sĩ sinh năm 1951, con dâu của chủ bút tờ Bách Khoa nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 tâm sự: "Bao nhiêu năm rồi, niềm mơ ước thể hiện Truyện Kiều qua hội họa vẫn như một thách thức lớn cho mình, và tôi đã hoàn thành bộ tranh với tất cả đam mê, như có một ma lực gọi mời của màu sắc, cùng tiếng thì thầm nhẹ nhàng nhưng réo rắt bên khung lụa mơ màng huyền hoặc".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng: "Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là áng văn chương trác tuyệt của văn học Việt Nam. Từ lâu đã có nhiều danh sĩ bình luận, tán thưởng tuyệt tác này của thi hào Nguyễn Du, nào: Phạm Quí Thích, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến; nhất là Chu Mạnh Trinh viết bài "Tựa Truyện Kiều" (Đoàn Tư Thuật dịch) với tất cả nỗi lòng. Tác giả viết: "Ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, còn hồn xuân mộng bâng khuâng. Đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc; lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên. Sẵn bút nghiêng chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa". Hôm nay danh tác "Đoạn trường tân thanh" này được họa sĩ Ngọc Mai, cũng thuộc vốn "nòi tình" hân hạnh "đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc" Thúy Kiều vào ngự nơi các họa phẩm bởi bàn tay nghệ sĩ tài hoa. Mỗi họa phẩm sẽ là "hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu" giúp kẻ thưởng ngoạn nghệ thuật cảm nhận từng đường nét, sắc màu nhẹ nhàng và lãng mạn của tranh lụa qua những bức tranh phỏng theo Truyện Kiều, và Kiều: một tuyệt thế giai nhân". |
"Kim Kiều hội ngộ". "Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không"
"Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa".
Hai tác phẩm "Cậy em em có chịu lời" và "Để bia muôn đời".
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường"
Bức "Con nước mênh mông" và "Cùng nhau giao bái một nhà".
Tác phẩm "Trở lại vườn Thúy". "Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông/ Xập xè én liệng lầu không/ Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày".