Triển lãm Những nỗi buồn đẹp của Hồng Ngọc vừa khai mạc tại TP.HCM. Đây là triển lãm đầu tay, đánh dấu bước đầu dấn thân vào con đường hội họa chuyên nghiệp của nữ họa sĩ 9X.
Khác với các đồng nghiệp, Hồng Ngọc dùng ngón tay để vẽ. Theo nữ họa sĩ, ngón tay là cách tốt nhất để có thể truyền tải những cảm xúc của bản thân vào tác phẩm một cách chân thực nhất. Thông qua chạm vào sơn và cảm nhận từng sớ vải, cô cảm giác mọi thứ như thể hòa làm một.
Với lối vẽ đặc biệt, Hồng Ngọc mất 10 năm để luyện tập. Cô may mắn được bố - họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh chỉ dạy kỹ thuật này và tập vẽ chân dung, tĩnh vật từ nhỏ. Nhờ đam mê và khổ luyện, Hồng Ngọc dần hình thành bản sắc riêng trong hội họa.
Hồng Ngọc cho biết vẽ ngón tay khó hơn nhiều so với cọ, bởi phụ thuộc vào cảm hứng. Người vẽ sẽ nặn màu trực tiếp lên toan rồi dùng ngón tay vẽ. Điều này đòi hỏi họa sĩ cần nhạy cảm về màu sắc, vì hư sẽ rất khó sửa.
Chia sẻ với VietNamNet, Hồng Ngọc nói vẽ tranh dựa trên cảm xúc và cái nhìn suy tư về cuộc sống. Triển lãm gồm 26 bức tranh bằng chất liệu sơn dầu. Họa sĩ bắt đầu vẽ từ 2018, mất 5 năm để hoàn thành bộ sưu tập. Cô chọn chủ đề nỗi buồn, giữa vô vàn những cảm xúc để qua đó gửi gắm tâm tư của mình.
Về tựa đề triển lãm – Những nỗi buồn thật đẹp, Hồng Ngọc nói: “Qua mỗi tác phẩm, tôi muốn gửi gắm mọi người thay vì cứ mãi ngụp lặn trong nỗi buồn, hãy học cách thoát ra khỏi nó và chấp nhận như một phần của cuộc sống. Tôi vẫn tìm kiếm vẻ đẹp của nỗi buồn, biến điều đó thành những tác phẩm hội họa. Sự lạc quan là điều cần thiết với bất cứ ai lúc này”.
Với BST mỹ thuật đầu tay, họa sĩ tập trung khai thác hình tượng thiếu nữ với vẻ ngoài thuần khiết, thân hình mảnh mai. Dù duy nhất một mẫu dáng, Hồng Ngọc không vẽ trùng lặp mà mỗi bức tranh có sắc thái riêng, từ hình tượng đến bố cục màu, không gian, dễ đưa người xem đến cảm giác nhẹ nhàng, thích thú.
Thông qua đôi mắt mỗi nhân vật, cô lột tả nội tâm với đa dạng sắc thái: không chỉ là sự ngây thơ, hồn nhiên hay thánh thiện mà còn có cả những lo lắng, những nỗi buồn ẩn sâu... Người thưởng lãm cũng dễ dàng tìm được sự đồng cảm vì tranh phản ánh cảm xúc thực tế dễ bắt gặp trong chính mình hay những người xung quanh.
Có mặt trong triển lãm, họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh tự hào khi thấy thành quả của con gái sau thời gian miệt mài sáng tác. Họa sĩ nhận xét con gái hướng nội, ít bộc lộ cảm xúc nhưng là người sâu sắc trong suy nghĩ.
“Cháu tìm chính mình qua từng tác phẩm, vì vậy tranh cháu biểu cảm sự chân thật, dễ đi vào lòng người. Những ánh mắt nhân vật trong mỗi bức tranh, là tâm cảm của Hồng Ngọc. Là cha, tôi tự hào vì con gái mình tiếp nối con đường hội họa, đặc biệt là lối vẽ tranh bằng ngón tay”, ông nói.
Các tranh trưng bày trong triển lãm