Đọc được những vần thơ, những đoạn văn vần của nữ phạm nhân ký tên Vân Khanh treo đầu trên trang báo tường của phân trại K5, trại giam Xuân Lộc (thuộc Tổng cục VIII – Bộ Công an, đóng tại tỉnh Đồng Nai), tôi đã mường tượng phần nào sự hối hận, ăn năn của nữ phạm nhân này. Nếu Vân Khanh không giới thiệu thì tôi cũng không hề biết rằng, chị từng là một trí thức, lại từng giữ chức vụ phó hiệu trưởng của một trường.

“Trải lòng qua thơ văn cho đỡ… nhớ nghề”

Gặp tôi, nữ phạm nhân Vân Khanh đã nói như thế. Do vậy trong lúc đầu trò chuyện thì người phụ nữ này liên tục khoe về những bài thơ, đoạn văn vần mà chị sáng tác được treo đầy trên tờ báo tường của phân trại.

Nước da sạm đen, gương mặt buồn, nụ cười e dè khi tiếp xúc với nhà báo, chị giới thiệu là Huỳnh Thị Vân Khanh (SN 1967, ngụ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) và từng là hiệu phó của trường tiểu học Tây Bắc Lân ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

Vân Khanh cười và nói rằng “mình đang thụ án 21 năm tù về hàng loạt tội là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức Nhà nước” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.

Nụ cười hiếm hoi trên gương mặt của phạm nữ Huỳnh Thị Vân Khanh trong cuộc trò chuyện.

Và đến thời điểm trò chuyện với tôi, chị nói chị nhớ rõ đã thụ án được 7 năm 3 tháng 7 ngày.

Chị trải lòng, “cải tạo nhiều lúc thấy buồn, vì đã phụ ơn cha mẹ nuôi dưỡng, nên chỉ biết gửi gắm tất cả lòng thành vào thơ, văn”.

Làm cho đỡ nhớ nghề như thế nhưng tờ báo tường treo tại nhà văn hóa của phân trại K5, trai giam Z30A những bài viết thơ, văn của Khanh lại chiếm đến 60%. Những trang thơ, văn vần của chị tuy không thật sự xuất sắc nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, trung tá Nguyễn Trọng Tuấn – phó giám thị trại giam Z30A – khẳng định “đó là nỗ lực cải tạo hoàn lương của 1 nữ phạm nhân trí thức điển hình, gương mẫu ở đây”.

Những ngày đầu, phạm nhân Khanh viết nên những dòng tự sự đầy nước mắt “ngày còng sắt tra tay, thân kể bỏ/mất danh dự, tương lai lẫn chồng con/Ba má già ngày càng héo hon/buồn con dại ham danh đi “lừa đảo”....”.

Có những lúc Vân Khanh bị liệt vào diện cứng đầu và khi nhớ lại chị trải lòng trong bài thơ có tựa đề “hối hận” có đoạn: “Nhìn tôi hiền đến vậy…/mà tôi “quậy” đục nước khuấy cò/đã vào đây mà tôi có buồn lo/cứ đánh đấm và nằm buồng kỷ luật….”.

Nhưng tất cả đều đã khép lại quá khứ, đến giờ phạm nhân Khanh luôn nghĩ đến một ngày về không xa. Ngoài việc cải tạo với niềm tin hướng thiện, nữ phạm nhân trí thức này còn là gương điển hình tại phân trại K5.

Trong bài “Nghị lực niềm tin” mà chị sáng tác mới đây chị viết những dòng thơ tự đáy lòng mình như: “Nghị lực lên hỡi bạn ơi/học tập, lao động cuộc đời tươi vui/lúc nào cũng nở nụ cười/vượt lên chính bạn mặc lời khen chê/mấy lời phụ lục tiêu đề/phải cần nghị lực đường về sớm hơn”….

Vết trượt dài của nữ phó hiệu trưởng


Khi nói về những bài thơ, câu văn thì phạm nhân Khanh hồ hởi như thế; nhưng khi nói đến hoàn cảnh gia đình và hành trình trượt dài trên con đường phạm tội thì giọng chị trầm buồn đến lạ. Thi thoảng trên khóe mắt chị có những giọt nước mắt rơi ra.

Khanh nhớ như in ngày chị tra tay vào còng là 20/5/2004 và ngày bị TAND TP.HCM tuyên phạt 21 năm tù đúng vào thời điểm 3 năm sau đó.

Những bài thơ thể hiện khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời của Huỳnh Thị Vân Khanh

Phạm nhân Khanh kể, nhà chị có tất cả 10 anh chị em. Cũng như bao người, học hành xong, Khanh xin làm giáo viên. Bấy giờ  chồng lại không có công ăn việc làm, lương giáo viên “ba cọc ba đồng”.

Nhờ bằng cấp và có trình độ, nên không bao lâu sau chị “leo” lên được đến chức phó hiệu trường của trường tiểu học Tây Bắc Lân và bố trí chồng vào làm tại căn-tin của trường nhưng cuộc sống gia đình không cải thiện được bao nhiêu.

Nói về vết trượt tội lỗi, đến giờ Khanh vẫn đổ thừa là do… hoàn cảnh nghèo túng. Theo lời nữ phạm nhân này kể “lương không đủ trang trải chi phí trong gia đình. Rồi ngày vợ chồng mình ra ở riêng trên căn nhà ba má cho thì nó cũng dột nát tứ bề, không có nổi tiền để sửa chữa”.

Thế là trong cái khó…. ló “cái khôn”. Đó là thời buổi các ngân hàng đến tận trường tiếp thị, chào mời cho giáo viên vay tiền cải thiện đời sống theo hình thức tín chấp.

Với cương vị phó hiệu trưởng, việc vay vốn cũng dễ hơn những giáo viên khác nên Khanh nảy ra cách làm ăn mới, sẽ vay tiền ngân hàng rồi cho các đối tượng ngoài xã hội vay lại với lãi suất cao hơn, nhằm kiếm chút tiền trang trải cuộc sống.

Ban đầu Khanh “cắm” sổ đỏ căn nhà vợ chồng đang ở để vay 50 triệu đồng rồi cho vay lại; những lần đầu tiền gốc, lãi chị trả đều đặn, đúng hẹn cho ngân hàng. Thấy dễ kiếm tiền nên càng ngày chị cứ… lao theo.

Khanh xác nhận những người vay lại của chị đều là dân làm ăn mua bán nhà cửa, bất động sản.

Rồi đời ai biết được chữ ngờ, khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều con nợ không có khả năng quyết toán cho Khanh. Bị ngân hàng vây đòi nợ, cuối cùng Khanh phải mượn chỗ này, đắp chỗ kia để đáo hạn.

Kể đến đoạn này, phạm nhân Khanh giọng chùng xuống “Mình bị thế này cũng đáng thôi. Do lòng tham mà ra, mình đã không biết dừng lại đúng lúc. Làm kinh tế mà không biết quản lý kinh tế…”.

Giai đoạn tiếp sau đó Khanh bắt đầu sa chân trên con đường phạm tội, khi nghĩ ra độc chiêu lừa đảo mới.

Cấu kết cùng động bọn, Khanh mượn hàng loạt giấy CMND, hồ sơ của nhiều người như: xe ôm, thợ hớt tóc…và với cương vị phó hiệu trưởng Khanh “hô biến” những người này thành giáo viên của trường với đầy đủ hồ sơ như: bảng lương, quyết định nâng lương… rồi giả luôn chữ ký của hiệu trưởng nhà trường nhằm làm hồ sơ tục vay vốn.

Vay mỗi trường hợp hàng trăm triệu nhưng Khanh chỉ “bồi dưỡng” cho những người đứng tên vay vốn chỉ 200 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng; còn bao nhiêu Khanh bỏ túi.

Bên cạnh đó nhiều đồng nghiệp cùng trường của bị Khanh “giăng bẫy” nhờ đứng tên về mặt pháp lý vay tiền mà đến khi vỡ lỡ những người này cũng vô tình… nhúng chàm. Khi tôi hỏi kỹ càng về cách thức làm hồ sơ giả thì Khanh chùng giọng rằng “mình không muốn nhắc lại chuyện buồn đó nữa”.

Và không ngờ khi vụ việc bị phanh phui, Khanh đã thực hiện trót lọt đến 89 vụ lừa đảo, trong đó có 25 nạn nhân và 7 ngân hàng bị sập bẫy của nữ phó hiệu trưởng này, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 1 tỷ đồng – số tiền không hề nhỏ với mức lương giáo viên của Khanh bấy giờ.

Khi tâm sự thi thoảng phạm nhân Khanh gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân, những người bị chị lôi kéo vào con đường tội lỗi. Khanh kể, khi ra tòa ngoài chị còn có 12 bị cáo, trong đó có số ít là giáo viên và cán bộ của công ty tài chính.

Lại rơi nước mắt khi nữ phạm nhân này nói đến nỗi buồn, nỗi nhớ con. Chị tâm sự, vợ chồng có được đứa con gái duy nhất sinh năm 1992, mà năm nay đang theo học trường cao đẳng Ngân hàng.

Thế rồi ngày chị dính vào vòng lao lý, chồng giận không ngó ngàng gì đến, thậm chí cấm cản cả con đến thăm nuôi chị và hạn chế quan hệ với gia đình bên ngoại. Buồn là thế nhưng Khanh khẳng định “bây giờ chỉ có hi vọng duy nhất là đứa con gái, là cả cuộc đời của mình; nên tôi cố gắng cại tạo tốt để có ngày trở về với con”.

Khi chia tay tôi, Khanh chỉ lên tờ báo tường của phân trại K5 có treo bài thơ lục – bát mà chị vừa sáng tác, trong giọng ngâm thơ trầm buồn có đoạn cuối tha thiết: “Ngày về gần sắp đến rồi/hoàn lương hướng thiện, đổi đời từ nay”.

Dù 21 năm tù dài đằng đẵng, nhưng tôi tin chị sẽ làm được.

Đàm Đệ