- Đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ khi nữ sinh lớp 10 bị các “đàn chị” đánh “dằn mặt”, học sinh trong trường vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sự việc xảy ra vào buổi trưa ngày 10/9/2012. Nữ sinh trong clip bị 4 nữ sinh khác đến tận phòng trọ “đánh ghen” là em Lý Thị T, học sinh lớp 10A7 trường PTTH Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).
4 “đàn chị” đến “đánh ghen”
em T. là Chẩu Thị Th., Chẩu Thị L., Thẻn Thị L. và Chẩu Thị T. đều đang học lớp
12, trên cháu T. 2 lớp.
Cả 5 nữ sinh trên đều ở các xã sâu xa của huyện Vị Xuyên, phải thuê nhà trọ ở
thị trấn để theo học cấp 3.
Nữ sinh Lý Thị T., quê ở xã Thượng Sơn, cách trường hơn 30km.
Các nữ sinh đến “đánh ghen hội đồng” trú ở xã Ngọc Minh; Thẻn Thị L. người trên huyện Quản Bạ, học tại Trung tâm GDTX huyện Vị Xuyên.
Khu trọ lụp xụp nơi xảy ra sự việc cháu Lý Thị T. bị các “đàn chị” đến tận phòng trọ “đánh ghen”. |
Vị Xuyên có 4 trường cấp 3, và hầu như đều tập trung ở khu vực trung tâm. Các em học sinh ở các xã vùng sâu vùng xa muốn theo học, hầu hết phải thuê nhà trọ.
Đó là lý do khiến trung tâm thị trấn Vị Xuyên có rất nhiều dãy nhà trọ cho học sinh thuê. Hầu hết, các dãy trọ này được xây dựng rất tạm bợ, lụp xụp.
Lúc xảy ra vụ việc, Lý Thị T. mới nhập học được hơn một tháng. Khi bị “đánh hội đồng”, T. ở khu trọ của gia đình ông bà Hải – Thêm (tổ 11, thị trấn Vị Xuyên) cùng với hai người bạn cùng khóa.
Cùng ngày bị các “đàn chị” đến “dằn mặt, ngay
trong chiều 10/9, T. đã sợ hãi chuyển sang khu trọ khác, của một chủ trọ có tên
là Bẩy, cách khu trọ cũ vài trăm mét.
Anh Đỗ Văn H., người được chủ khu trọ Hải – Thêm giao nhiệm vụ trông coi khu nhà
trọ xác nhận với VietNamNet: thời điểm xảy ra sự việc, anh H. đang mải sửa xe
cho khách (cửa hiệu sửa xe máy của anh ở bên ngoài, dãy nhà trọ ở phía đằng
sau). Nhưng ngay sau đó, anh được các cháu trong khu trọ kể lại.
Khu trọ mới (nơi cháu T. về ở sau khi bị đánh) cũng lụp xụp không kém. |
Khu nhà trọ gồm 7-8 phòng xây dựng bằng tường 10, mỗi phòng có diện tích chật hẹp chưa đầy chục m2. Phòng của cháu Lý Thị T. ở ngay phía cổng ra vào.
Anh H. kể: lúc cháu T. bị đánh, các bạn cháu đều không có trong phòng vì bị 4 đàn chị kia đuổi hết ra ngoài, sau đó đóng cửa bên trong “xử lý”.
Anh H. cũng không nghĩ sự việc đi quá xa như vậy.
Chỉ khi clip “đánh ghen” được đưa lên mạng internet, các em học sinh thuê trọ về
xì xầm và đám thanh niên thị trấn ồn ào bàn tán, anh H. mới hay.
“Điều kiện học hành ở khu vực miền núi rất khó khăn. Các cháu từ các xã vùng
sâu vùng xa ra ngoài thị trấn đều phải trọ học, xa gia đình, hiểu biết rất hạn
chế, lại không có bố mẹ giám sát nên không ai quản lý được các cháu.
Về phía chủ cho thuê trọ, chúng tôi cũng chỉ
quản lý các cháu bằng những thông tin yêu cầu các cháu khai lý lịch, quê quán,
tên bố mẹ, học lớp nào… Những thông tin này được lưu lại trong một cuốn sổ theo
dõi chung, và làm công tác đăng ký tạm trú cho các cháu…” – anh H. nói.
Chúng tôi tìm đến khu nhà trọ mới của cháu Lý Thị T. (cháu chuyển chỗ ở ngay
trong ngày xảy ra sự việc bị đánh).
Khu nhà trọ lụp xụp, tường đất, lợp pro-ximăng có khoảng hơn chục phòng, gồm 2 dãy vuông góc với nhau hình chữ L.
Khoảng sân đất phía trước khá rộng, tuy nhiên, tường rào khu trọ là một bờ cây dại, chiếc cổng tre ra vào khu trọ dường như chỉ là hình thức, bởi nó quá ọp ẹp, không đủ kiên cố để thực hiện chức năng giữ an ninh cho các cháu xa nhà.
Đường vào bản Hạ Sơn, xã Thượng Sơn – gia đình của cháu Lý Thị T. |
Phòng trọ của cháu Th. cửa khóa im ỉm bằng chiếc khóa cũ kỹ. Ngày cuối tuần, các em đều về nhà, chỉ còn duy nhất một phòng trọ có 3, 4 em đang chuẩn bị nấu cơm trưa.
Em H., (cùng khối với T. và là hàng xóm khu trọ của em Lý Thị T.) kể: “bạn T. mới chuyển về đây ở được hơn chục ngày. Bạn ấy ở một mình…”.
“Cháu học cùng trường với T., cháu có biết sự việc bạn T. bị các chị hơn tuổi đánh không? Bạn T. có kể cho các cháu nghe không?”.
“Cả trường biết, vì mấy ngày sau thì có cái clip ấy trên mạng. Bạn T., cũng kể cho chúng cháu nghe, nhưng cháu là con trai nên không được bạn ấy kể kỹ…”. “Cháu đã xem cái clip đấy chưa?”, “Cháu chưa, vì cháu không có điện thoại. Mà phải là điện thoại màn hình màu mới xem được, vì máy đó mới có Bluetooth”.
“Các cháu mới học lớp 10 mà đã có điện thoại cả
rồi hay sao? Các cháu sử dụng điện thoại để làm gì?”. “Nhiều bạn có lắm. Chúng
cháu liên lạc với bố mẹ, nhưng chủ yếu là nhắn tin cho bạn bè thôi”.
Qua lời kể của H., sáng sớm ngày 29/9, anh trai của Lý Thị T. đã lên xóm trọ đưa
em về nhà.
Em L., em Th. cùng xóm trọ với em Lý Thị T. kể: hai ngày sau khi bạn T. bị đánh,
các bạn trong lớp cháu đều xôn xao đi tìm xem cái clip ấy. Cả trường ai cũng
biết. Các bạn ấy còn xuống tận lớp bạn T. để “xem mặt”.
Câu chuyện về vụ “đánh ghen” khiến nhiều em học sinh, nhất là các em gái rất lo
lắng.
“Bạn T. chắc cũng rất sợ. Bạn ấy kể với cháu,
bạn ấy sẽ nghỉ học hoặc phải xin chuyển trường, vì chuyện vừa xảy ra khiến bạn
ấy rất sợ” – cháu Th kể.
Sau khi có được địa chỉ nhà cháu Lý Thị T., nạn nhân trong đoạn clip đánh ghen,
chúng tôi quyết định tìm đường về tận nhà của cháu ở thôn Hạ Sơn, xã Thượng Sơn
cách thị trấn gần 40km đường đèo dốc quanh co.
Và, gần như một đêm trắng giữa bản làng heo hút
ấy, chúng tôi đã gặp cả gia đình bị hại và gia đình các cháu “chủ mưu” vụ đánh
ghen này. Đáng buồn, tất cả các cháu đều là con em đồng bào dân tộc vùng sâu xa,
hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn…
Nhóm PV