- Quyền Thị Phương H. (học sinh lớp 11, Trường THPT Tử Đà, Phú Thọ) sau gần 7 tháng không nói được đã nói cười vui vẻ. Nhưng việc em “câm lặng” chỉ có một phần nguyên nhân do bị bạn đánh.
Những ngày nửa đầu tháng 3/2015, câu chuyện của Phương H. (học sinh lớp 11, Trường THPT Tử Đà, Phú Thọ) do bị bạn đánh dẫn đến mất khả năng nói gần 7 tháng được VTV đăng tải khiến dư luận vô cùng bức xúc. Các nữ sinh cũng chia sẻ với VTV mình có đánh bạn nhưng “không đến nỗi giọng bạn không nói được”.
Clip: Nữ sinh vui vẻ trò chuyện sau gần 7 tháng câm lặng
Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ ở BV Châm cứu Trung ương, đến chiều 30/3 khi gặp mặt với PV VietNamNet, Phương H. đã nói cười vui vẻ trở lại.
Bác sĩ Dương Văn Tâm – người trực tiếp điều trị cho Phương H. cho biết em đã trải qua quá trình 8 lần châm cứu với biện pháp điện châm. Bản thân nữ sinh này cho biết em đã nói trở thành gần như bình thường.
Giám đốc BV Châm cứu Trung ương Nghiêm Hữu Thành cho biết: “Những trường hợp mất tiếng, không phải câm bẩm sinh như của H. bệnh viện đã có phác đồ điện châm, thủy châm nên hoàn toàn có thể can thiệp điều trị được. Chỉ cần một vài ngày nữa H. có thể trở về nhà và đi học bình thường”.
Khám bệnh sử của H., ông Thành và các bác sĩ bệnh viện Châm cứu Trung ương khẳng định: “Trường hợp mất tiếng của H. là do ức chế về tâm lý rất mạnh trên nền tảng thần kinh yếu lại gặp chấn động mạnh về tâm lý dẫn đến không nói được hay mất tiếng”.
Với riêng H., em cũng chia sẻ bản thân mình hay bị căng thẳng, thần kinh yếu, sau khi bị bạn đánh lại gặp ác mộng, mỗi lần nhớ về chuyện đã xảy ra bị đau đầu. 7 ngày sau khi bị đánh, H. hoàn toàn sống trong im lặng, muốn nói nhưng không thể cất thành lời.
“Trận đánh chỉ như một áp lực mạnh mẽ khiến triệu chứng của H. trở thành bệnh lý. Tôi dám đảm bảo không thể vì một trận đánh của bạn mà cháu trở nên câm lặng như vậy” – giám đốc Thành cho biết.
Đánh giá trường hợp của Phương H. là khó, phải mất thời gian can thiệp ít nhất 1 tháng mới hồi phục nhưng bác sĩ Tâm và giám đốc Thành khá bất ngờ với khả năng lấy lại tiếng nói như bình thường của nữ sinh lớp 11.
Phương pháp trị liệu của BV Châm cứu Trung ương chủ yếu là điện châm, kết xoa bóp bấm huyệt, tâm lý trị liệu và trao đổi, vỗ về động viên Phương H.
Sau sự việc của Phương H., giám đốc Thành khuyên nhà trường, đặc biệt là các gia đình nên gần gũi với con cái nhiều hơn nữa để hiểu các con, các trò hơn.
- Văn Chung (Kỹ thuật: Duy Tiến)