''Hôm đó, tôi đang dạy học trên lớp. Một học sinh hối hả chạy đến báo bạn X. đang đứng trên lan can trường học, đòi nhảy xuống. Tôi hoảng hốt chạy lên tầng và tiến đến gần X...", cô Hương Như nhớ lại.
Độc giả VietNamNet kính mến!
Tháng 11, tháng khiến trái tim của mỗi chúng ta khe khẽ rộn ràng khi nghĩ về mái trường cũ, về người thầy xưa. Ở dưới mái trường đó, có những câu chuyện vui cũng không ít câu chuyện khiến ta ngậm ngùi khi nhớ về. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài Trái tim người thầy - nơi chia sẻ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhưng chứa đầy tính nhân văn, tình người của những năm tháng học trò.
Độc giả có câu chuyện tương tự có thể gửi về Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Hy vọng mỗi câu chuyện nhỏ là một mảnh ghép tạo nên trái tim, tri ân những người đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen". Xin trân trọng cảm ơn.
“Cái ôm của cô giúp em xoa dịu nỗi đau”
20 năm trong nghề, Cô Nguyễn Thị Hương Như (giáo viên dạy Văn, Trường THCS Mỹ Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dạy dỗ, kèm cặp rất nhiều thế hệ học sinh, đi qua không ít vui buồn của nghề giáo.
Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Như được học sinh đặt biệt danh “phù thủy cán chổi” với những “tuyệt chiêu” biến học sinh cá biệt trở thành học sinh ngoan.
Không những là cô giáo có kỷ luật thép với học sinh, cô Hương Như còn được các em gọi là chuyên gia tâm lý học đường, người giáo dục giới tính cho các em. Lứa tuổi học trò ẩm ương, tâm lý bất ổn, cô Như vừa cô giáo vừa là người mẹ gỡ rối tâm, sinh lý cho các em.
Học trò của cô có nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Có em bố mẹ đi làm xa hoặc bố mẹ ly hôn, được ông bà nuôi nấng. Các em thiếu đi tình thương và sự dạy dỗ của bố mẹ nên ở tuổi dậy thì dễ nổi loạn hoặc bị trầm cảm.
Cô Hương Như chia sẻ, năm trước, X. (học sinh lớp 7) không phải là học sinh do cô chủ nhiệm nhưng gây ấn tượng với cô. Hoàn cảnh X. cực kỳ khó khăn khi bố mẹ ly hôn, em ở với bà nội già yếu. Em bị rối loạn tâm lý, không giao tiếp với ai, kể cả các giáo viên. Thỉnh thoảng, học sinh này còn lên cơn co giật trong lớp học.
“Hôm đó, tôi đang dạy học trên lớp. Một học sinh hối hả chạy đến báo: "Bạn X. đang đứng trên lan can trường học, đòi nhảy xuống". Tôi bỏ bài giảng, hoảng hốt chạy lên tầng và tiến đến gần X. để khuyên bảo em. Cuộc trò chuyện diễn ra lâu nhưng không có kết quả do tâm lý của em đang rất bất ổn", cô giáo nhớ lại.
Cuối cùng, cô Như nhẹ nhàng đề nghị: "Em xuống đây, cho cô ôm em một cái. Có vấn đề gì cô hứa sẽ cùng em gỡ rối". Lúc đó X. mới thôi ý định nhảy xuống. Em từ từ quay lại, ôm cô giáo và òa khóc trong vòng tay cô.
Sau lần đó, cô Như thường xuyên tới nhà bà nội em, quan tâm và yêu thương em như một người mẹ. Nữ giáo viên cũng sát cánh, cùng X. điều trị tâm lý.
Nhờ sự đồng hành, yêu thương đúng cách của cô Như, X. dần thoát khỏi ‘’bóng đen” tâm lý. Hiện, bệnh của X. đã cải thiện. Em vui vẻ, hòa đồng với các bạn và tìm được nhiều niềm vui ở lứa tuổi học trò.
X. từng tâm sự với cô: “Em rất thích được cô ôm. Cái ôm của cô ấm áp vô cùng giúp em không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi không được sống cùng bố mẹ và những lúc bị bạn bè kì thị. Cái ôm của cô giúp em xoa dịu nỗi đau”.
"Con là một học sinh bình thường như các bạn"
Với cô giáo trẻ Võ Thúy Vân (33 tuổi, Trường Tiểu học Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) niềm vui giản đơn là tất cả học trò của mình đều khỏe mạnh để đến trường vui chơi và học tập.
Công tác ở vùng quê nghèo nên nhiều học trò của cô có hoàn cảnh éo le. L. (học sinh lớp 3) là một trong số đó. Em sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ, lại không may cùng với bố bị nhiễm HIV. Bố mất sức lao động, cả gia đình - 4 bố con L., sống bằng nguồn trợ cấp ít ỏi.
Ba năm qua, cô Vân không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người mẹ đỡ đầu cho em. Hàng ngày, cô chăm lo cho L. từng hộp sữa, sắm sách vở, bút mực, quần áo, kèm cặp em học hành và động viên em đến trường.
Cô Thúy Vân nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 1, đã biết qua hoàn cảnh của L. nên cô cố gắng gần gũi em. Nhưng cô bé 6 tuổi có đôi mắt đượm buồn từ chối tiếp xúc với cô, không giao tiếp với bạn bè.
Thời gian đầu, L. thường xuyên nghỉ học. Gọi điện cho bố của em không được, cô Vân phải xuống tận nhà em. Tại đây, cô giúp L. vệ sinh cá nhân, chuẩn bị tư trang và chở em tới trường. Trên đường đi, cô động viên: “Con là một học sinh bình thường như các bạn nên con phải đi học chuyên cần để tiếp thu kiến thức. Con không cố gắng là không theo kịp các bạn”.
Vì số phận trớ trêu nên thể trạng của em L. nhỏ bé, ốm yếu. Đều đặn mỗi ngày, cô Vân đều đưa tới trường cho L. hai hộp sữa tươi. Việc cô Vân mang sữa cho trò duy trì được 3 năm nay. “Tôi cố gắng cho L. có sữa uống đến thời gian dài nhất có thể”, cô Vân nói.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Minh, ông Võ Sỹ Cương, cho biết: “Hoàn cảnh của em L. đặc biệt nhưng cô Vân không e ngại. Cô gần gũi, giúp đỡ em như một người mẹ chăm sóc con gái. Những hành động ấm áp, nhân văn của của cô giáo giúp L. vơi bớt mặc cảm”.
Cô Vân cũng thường xuyên chia sẻ và tuyên truyền cho các học sinh cách phòng chống nhiễm HIV, nhắc các học sinh khác không được kỳ thị, xa lánh bạn. Tình yêu của người giáo viên, đã một lần nữa, thắp lên sự sống cho cô trò nhỏ.