Từng không biết mình sống được bao lâu

10 ngày sau khi xuất viện, Nguyễn Thị Vân Anh – nữ sinh ĐH Ngoại thương, người từng mang án tử mắc ung thư máu đã vui vẻ, tươi cười trở lại. Cô bắt xe trở lại Quảng Ninh, Hà Nội để thăm thầy cô, bạn bè tại trường ĐH Ngoại thương.

Vân Anh khoe, cô đã tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch khách sạn, tháng 10 tới sẽ được mặc áo cử nhân để nhận bằng.

Vân Anh chia sẻ, ngày 27/2 vừa qua, cô được xuất viện sau 4 lần điều trị hoá chất tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ. Nghe bác sĩ thông báo “lui bệnh hoàn toàn” sau nửa năm điều trị, Vân Anh và bố mẹ như không tin vào tai mình, nước mắt lăn dài vì hạnh phúc. 

Ngày ra viện, bác sĩ xoa đầu Vân Anh cười tươi: “Thật kỳ lạ, em có lẽ là người duy nhất đánh hóa chất loại nặng 4 lần vẫn không rụng tóc".

{keywords}
Hình ảnh vui tươi, hồn nhiên của Vân Anh hiện tại


“Chưa lúc nào em thấy mình sống trọn vẹn như lúc này. Trước mắt em sẽ nghỉ ngơi, sẽ sắp xếp lại cuộc sống của mình. Kế hoạch bây giờ của em có thể sẽ không giống những người bình thường khác vì em có những góc nhìn khác về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời”, Vân Anh chia sẻ.

Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, ở độ tuổi 21, mọi hoài bão, ước mơ như sụp đổ dưới chân Vân Anh khi bác sĩ thông báo bị ung thư máu (Lơ-xê-mi cấp dòng tủy thể M2). Thời điểm phát hiện bệnh chỉ còn cách tốt nghiệp ĐH 2 tháng.

{keywords}
Cô gái trẻ từng không biết mình còn sống được bao lâu, giờ đã chiến thắng ung thư


Khi chuyển lên Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, lần đầu tiên Vân Anh được một bác tiết lộ: “Tầng này toàn bệnh nhân bạch cầu hết cháu ạ”, rồi anh đứng kế bên chen ngang: “Bác nói luôn là máu trắng cho em nó dễ hiểu”. Căn bệnh lâu nay chỉ được biết đến nhiều qua các bộ phim Hàn Quốc giờ lại vận vào cô. Cô nghĩ, có lẽ mọi người chỉ nói đùa.

Sau vài phút khóc lóc với muôn vàn câu hỏi ập đến, Vân Anh lau nước mắt, quay lại phòng bố mẹ để cùng đi ăn cơm. Đó cũng là những giọt nước mắt hiếm hoi của Vân Anh trong suốt hành trình 6 tháng điều trị ung thư.

Những ngày đầu khi hay tin mình mắc bệnh, Vân Anh thấy tiếc nuối nhiều điều, tiếc vì đã không ăn uống khoa học, ngủ nghỉ điều độ, tiếc vì không tìm hiểu về phật giáo sớm hơn và hoạt động tình nguyện nhiều hơn.

Ở giây phút sinh tử, cô gái trẻ rất tiếc nuối vì đã không dành nhiều thời gian đi chơi với bố mẹ, gia đình nhiều hơn. Cô cũng tiếc vì chưa tốt nghiệp, chưa được mặc bộ áo cử nhân mơ ước, chưa có người thương yêu, chưa được mặc váy cưới... và chưa biết mình sẽ sống được bao lâu nữa...

Điều ám ảnh nhất không phải là đau đớn

Khi được hỏi, điều ám ảnh nhất 6 tháng qua với em có phải là những cơn đau đớn nối tiếp? Giọng Vân Anh liền trùng xuống: “Không chị a”.

{keywords}
Vân Anh tại thời điểm điều trị tháng 10/2018

“Điều ám ảnh nhất là chứng kiến giây phút cận tử của người khác. 6 tháng qua, em đã chứng kiến rất nhiều. Có hôm nằm ở tầng 8 truyền hoá chất không ngủ được, nghe được tiếng vang lớn từ phòng cấp cứu bên cạnh. Tiếng bác sĩ đếm để giật xung điện, tiếng người nhà bên ngoài khóc lóc, tiếng bước chân rầm rập, tiếng bánh xe kéo thi thể đi ầm ầm. Lúc đó nghĩ mình cũng sắp chết nên em và chị nằm cùng phòng đều im lặng, không ai nói với ai câu nào”, Vân Anh kể lại.

Vân Anh chia sẻ, lần đầu tiên chứng kiến cái chết đang đến gần ngay trước mắt mình là khi nằm ở phòng chờ la liệt bệnh nhân.

“Nhiều người nằm la liệt, người thì cười khỏe mạnh, người thì ốm yếu khóc lóc, ai nấy đều bịt khẩu trang kín mặt, căn phòng không khác nào một nghĩa địa dành cho người sống. Ám ảnh nhất là một chị nằm cạnh giường. Đó là người yếu nhất trong 16 người ở phòng.

Chị chia sẻ về cuộc sống đang hạnh phúc, có chồng và 2 con thơ, chị không muốn chết nhưng nằm trước mặt mình là người phụ nữ gầy còm ốm yếu, thều thào câu được câu chăng. Nhiều lúc bác sĩ vào hỏi thăm chị không thể mở miệng trả lời, nằm bất động và khóc”, Vân Anh nhớ lại.

Cô cũng nhớ như in hình ảnh của bà Năm, bà Tâm, 2 người nằm giường kế bên, đều trạc 60 tuổi. Khi viết lại quãng thời gian nằm điều trị, Vân Anh vẫn không khỏi sững sờ:

Một hôm, bà Tâm co giật, rét run cầm cập. Mọi người phủ hàng tầng chăn dày lên người nhưng bà vẫn co giật liên tục. Mình sốc và bàng hoàng quá, cả 21 năm sống, mình chưa bao giờ chứng kiến những cảnh tượng cận tử khủng khiếp như vậy. 

Mình như chôn chân xuống đất. Các y tá bắt đầu vào, khoảnh khắc 5, 6 anh chị kéo giường bà Tâm chạy xồng xộc qua mình, máy trợ thở hòa với tiếng khóc lóc ầm vang của người nhà.

Mình vào nhà vệ sinh cố rửa mặt để tỉnh táo và nói thầm: "Không sao đâu, mày phải bình tĩnh". Và rồi, không bao giờ mình thấy bà Tâm quay lại nữa.

Ngày hôm sau, tầm 23h, bà Năm cũng bắt đầu sốt rét, co giật. Cả phòng đang ngủ lại tức tốc dậy, mặt ai nấy đều sợ hãi, đặc biệt là mình. Lại điệp khúc kéo giường, mọi người chìm dần vào giấc ngủ trong sự hoang mang tột độ. Đến tầm 6h sáng căn phòng tối om tự nhiên sáng đèn, một tiếng người thông báo: "Mọi người dậy truyền thuốc nào, bà Năm đã qua đời rồi...".

Mình tỉnh dậy, sợ hãi xen lẫn sững sờ. Vậy là chỉ còn mỗi mình nằm giữa 2 chiếc giường không người? Lúc ấy mình thực sự đã khóc, ôm con gấu bông được tặng. Mình thầm nghĩ về một kết cục không mấy nhẹ nhàng....

Chuỗi ngày lạc quan vô lo vô nghĩ của cô sinh viên trẻ đã hoàn toàn chấm dứt vào lần cuối cùng điều trị. Vân Anh kể: "Trong một ngày không mấy đẹp trời, khi vừa đặt bát cháo sáng lên bàn, mở điện thoại thì tin đầu tiên đập vào mắt mình là thông báo một người anh rất thân từng nằm cùng phòng với mình, vừa qua đời.

Đó có lẽ là khoảnh khắc sốc nhất cuộc đời mình, chỉ mới hôm qua anh còn ngồi đó, bên cạnh mình cười nói vui vẻ kể chuyện, thi thoảng khỏe lại rủ mình đi chơi. 

Cuộc nói chuyện cuối cùng anh đã yếu nhưng sau trao đổi về phương pháp điều trị khác, trong ánh mắt anh, mình đã tin rằng qua Tết anh sẽ lên đánh hóa chất tiếp và chưa từng nghĩ anh có thể rời đi nhanh đến vậy.

Từng mong được giải thoát

Giống như bao bệnh nhân ung thư máu khác, Vân Anh từng trải qua những tháng ngày đau đớn khủng khiếp khi truyền hoá chất.

Lần đầu tiên truyền hoá chất, đột nhiên Vân Anh thấy nước tắm có mùi tanh khác lạ. Nhìn kĩ, nhận ra máu ở mũi đang tuôn ồ ạt hoà cùng nước vòi sen. Cố trấn tĩnh, Vân Anh rút khăn tắm bịt mũi, ngẩng cổ về phía trước. Một lúc sau máu đông lại. Nhưng đó chưa phải là những chuỗi ngày bi kịch nhất.

“Mình ho khạc ra máu, đau họng nghiêm trọng. Lần bị đau dạ dày, mình vật lộn trên giường đến mức không còn sức để kêu, bố mẹ chạy loạn lên gọi bác sĩ. Mình chỉ lờ mờ thấy bố mẹ mắt đỏ hoe, bác sĩ nhấn bụng hỏi nhưng mình không thể trả lời.

Giây phút đó mình đã nghĩ rằng mình sẽ chết, mình đã cảm nhận được khoảnh khắc chia ly thực sự, cố gắng nhìn bố mẹ lờ mờ như lời chào cuối, thật sự rất buồn. Cho đến bây giờ, hệ lụy của cơn đau đó vẫn còn khiến mình chướng bụng.

Hành trình cận tử, mình cảm nhận về cái chết sau đó rất nhiều. Hóa chất khiến mình lả đi, thiếp dần. Nó giống như một loại axit đang cố gắng ăn mòn ruột của bạn. Một ngày 3 lần, mỗi lần truyền hóa chất từ 6h sáng hôm nay đến tận 3h sáng hôm sau, mình gần như không được ngủ và thậm chí không đủ sức để kêu”.

Vân Anh cũng gặp tình trạng táo bón nặng trong suốt quá trình điều trị. Vô cùng kinh khủng. Cô từng ngồi trong nhà vệ sinh hàng giờ đồng hồ nhưng không giải quyết được gì. Sau phải nhờ mẹ thông táo bón nhưng khi thuốc kích vào người tạo ra cơn đau thắt dữ dội khiến cô phải quỳ xuống nhà vệ sinh ôm bụng.

Đặc biệt, ở những bệnh nhân điều trị hoá chất, hầu như ai cũng bị giảm bạch cầu – tế bào miễn dịch của cơ thể. Theo lời Vân Anh, mỗi lần kích bạch cầu là đau đến tận xương tuỷ. May mắn, Vân Anh chỉ phải kích 2 lần nhưng đau buốt đến mức muốn khóc không khóc được, không ngồi được, nằm cũng không xong.

Bác sĩ thường yêu cầu trong vòng 2 ngày, nếu không tự làm tăng bạch cầu lên sẽ phải kích, để tránh đau đớn, Vân Anh cố gắng ăn, vừa ăn, vừa bịt mũi vừa khóc vì cùng lúc buồn nôn trong dạ dày, đau tuỷ trong xương, sưng lợi, đau do mọc răng số 8, đau khắp mọi chỗ... Vân anh cũng bị đau tim, đau phổi, khó thở thời gian dài. Cảnh tượng đó đã diễn ra suốt nửa năm trong sự chống chọi điên cuồng để giành giật sự sống.

{keywords}
Cô nữ sinh Ngoại thương với nghị lực phi thường sẽ bắt đầu cuộc sống mới với nhiều hoạch định mới 


Khi những cơn đau tưởng chết đi sống lại hành hạ, Vân Anh may mắn gặp được 1 người bác, cũng là người đưa cô tiếp nhận tri thức đạo phật, giúp cô biết đến thiền và giúp cô luôn lạc quan kể cả trong giờ phút sinh tử.

“Nỗi sợ hãi của bệnh nhân ung thư là sợ bị rơi vào quên lãng, sợ phải bước đi trên con đường đến thế giới khác một mình. Vậy bạn hãy nhớ, sẽ đến một thời điểm mà không còn người nào sống và nhớ xem ai đã từng hiện diện trên cõi đời này. Tất cả mọi thứ đều trở về con số không tròn trĩnh.

Có thể thời điểm đó sẽ đến sớm hay muộn, nhưng dù bạn có may mắn sống sót thì cũng không sống mãi được, ai rồi cũng phải chết chỉ khác nhau rằng ai đã từng sống có ý nghĩa hơn ai. Và nếu như việc bị lãng quên hay sợ hãi làm bạn lo lắng thì mình khuyên chân thành hãy quên nó đi và lạc quan đến hơi thở cuối cùng, đó mới là điều ý nghĩa.

Một lúc nào đó những nỗi đau này sẽ trở nên hữu dụng, bạn sẽ bình thản thấy mình như đang đứng ngoài quan sát nỗi đau của chính mình.

Sau tất cả, nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai”, Vân Anh viết.

Thúy Hạnh

Nữ sinh Ngoại thương mắc ung thư thức tỉnh người trẻ: ‘Hãy rời xa điện thoại’

Nữ sinh Ngoại thương mắc ung thư thức tỉnh người trẻ: ‘Hãy rời xa điện thoại’

Hãy trân trọng từng khoảnh khắc mình đang sống, đừng thức khuya và hãy rời xa điện thoại.