Chỉ cần nhắc tên bà Hoàng Thị Chắp, bà con trong xã Cốc San, huyện Bát Xát (Lào Cai) đều trầm trồ, ngưỡng mộ. Bà Chắp đã gây dựng nên trại nhân nuôi cung cấp cá giống cho nhiều chủ trang trại thủy sản lớn khắp miền Bắc.

Nắm bắt cơ hội, vượt qua nghèo khó

Bà Hoàng Thị Chắp là người dân tộc Giáy, năm nay đã ngấp nghé tuổi 50, nhưng về tính cách và sức khỏe vẫn rất “thanh niên”, tự lái ô tô bán tải đi bán cá giống khắp các tỉnh. Bà Chắp tâm sự: “Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm. Lúc lấy chồng, về nhà chồng lại đông anh em, tôi chỉ suốt ngày quanh quẩn với mấy thửa ruộng lúa, rau, khoai, cuộc sống rất khó khăn...”.

{keywords}

Bà Hoàng Thị Chắp giới thiệu lứa cá giống chuẩn bị xuất bán cho khách hàng.

Đầu những năm 1990, vợ chồng bà Chắp khi ấy luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo bởi cái đói luôn đeo đuổi gia đình. Vừa hay lúc ấy trại cá giống tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) - tiền thân của Hợp tác xã Cốc San - bàn giao đất cho nông dân, bà bàn với gia đình nhận toàn bộ 2,3ha ao về để nuôi cá, trong đó có 1,2ha mặt nước ương nuôi cá giống các loại. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn, như cá bố mẹ bị bệnh, khó kiểm soát thời gian cá đẻ… Tất cả những khó khăn đó dẫn tới thu nhập từ ương, nuôi cá của gia đình bà Chắp không cao.

Không ngại khó, vợ chồng bà mạnh dạn liên hệ, tham vấn ý kiến của các kỹ sư tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NNPTNT) cũng như các kỹ sư thủy sản tại tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Chịu khó tìm tòi, tích lũy kiến thức, bồi đắp kinh nghiệm, mạnh dạn ương nuôi giống thủy sản mới nên trại cá giống của bà Chắp ngày càng sản xuất hiệu quả, bền vững.

“Theo đó, nhiều đại lý, chủ trang trại nuôi thủy sản biết tiếng dần dần tìm đến để mua cá giống. Do điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn nước tốt, kết hợp cả kỹ thuật ương nuôi nên thương lái chỉ cần nhìn cá thân dài, bóng đẹp thì biết ngay là cá của nhà tôi…”-bà Chắp hãnh diện khoe.

Thương hiệu “cá chép bà Chắp”

Hiện nay trại cá của gia đình bà Chắp có 8 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. “Vì nghề làm cá giống cần phải túc trực 24/24 giờ từ khi cá nở với rất nhiều việc như kiểm tra nhiệt độ, mức nước, dinh dưỡng... Nhiều hôm tôi ngủ rất ít chỉ để lo chăm cá đẻ”-bà Chắp cười nói.

Mỗi năm, gia đình bà Chắp ương nuôi và bán ra thị trường 3-4 lứa cá giống, mỗi lứa 3 triệu con các loại, đạt doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Bà Chắp thổ lộ: “Tôi phải sang tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tìm giống cá chép lớn, đẹp mang về ương giống. Giống cá chép này mình dài, bóng vàng, trọng lượng đạt tới 2-3kg/con sau 8-9 tháng nuôi. Đây cũng chính là loại cá đem lại uy tín, thương hiệu cho trại cá chúng tôi”.

Để nhân giống được loại cá này, bà Chắp phải đi lại giữa Việt Nam – Trung Quốc không biết bao nhiêu lần để học hỏi. Và bằng một số biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm, bà đã nhân giống thành công loại cá này ở Việt Nam. Với giống cá chép này, bà Chắp có thể ép cho cá mẹ đẻ trứng, cá bố phối tinh theo ý mình. Khi nào có đơn hàng bà mới cho cá đẻ. Ở nơi khác, cá chỉ đẻ theo mùa, thời tiết, còn ở Cốc San, bà Chắp có thể cho cá đẻ quanh năm nên càng tạo ra hiệu quả cao trong việc nuôi giống cá này.

“Đợt mưa lũ quét vừa rồi ở Bát Xát, nhà tôi cũng bị thiệt hại nặng nề khi mất đi 70% sản lượng cá giống của lứa thứ 3 trong năm. Sau lũ quét, gia đình tôi lại gây dựng lại, chuẩn bị cho lứa cá tiếp theo” - bà Chắp chia sẻ.

...

Bà Chắp là điển hình của người nông dân mới, nhất là ở vùng cao Bát Xát này. Gia đình bà Chắp nhiều lần được T.Ư và địa phương tuyên dương vì có thành tích lao động xuất sắc. Đây là vinh dự của không chỉ của gia đình bà Chắp mà còn là của tất cả bà con nông dân xã Cốc San, bà Nông Thị Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc San

(Theo Dân Việt)