- "Bốn ngày mất nước làm cuộc sống của cả gia đình chao đảo. Mọi sinh hoạt tất yếu lại trở thành nỗi ám ảnh, nhất là cái toilet" - chị Thu Phương, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính kể lại.


Mặc dù gia đình đã có sự chuẩn bị từ trước do công ty chủ quản đã thông báo với các hộ dân về sự cố đường ống nước, nhưng mọi sự chuẩn bị đối với căn hộ trên tầng cao đều không bao giờ là đủ.

"Thông báo từ ban quản trị tòa nhà đồng nghĩa với việc cả nhà không được tắm, gội. Việc đánh răng, rửa mặt, rửa tay đều ở dạng "khô". Tức là, không đánh răng, mà chỉ súc miệng nước muối. Không rửa mặt, chỉ dùng khăn ướt. Không rửa tay, chỉ dùng xà phòng khô" - chị Thu Phương kể lại.

Thực tế đó đã phát sinh ra một nỗi ám ảnh khi giao tiếp.

"Tôi và chồng không dám đối diện nói chuyện với nhau vì sợ miệng hôi (mà đúng là hôi thật), chứ đừng nói tới việc hôn nhau. Lúc đi ngủ phải trùm chăn cho thật kín, vì sợ nhỡ khi quay ra... thở phải mặt người kia. Cũng có lúc tôi nghĩ đến việc đeo khẩu trang, nhưng e ngạt thở mà chết" - chị Thu Phương nói.

Cảnh chầu chực đi xin từng xô nước ở Hà Nội trong những ngày qua. (Ảnh: P.Hải)

Chị Phương nói thật lòng chẳng có điều gì thảm hại hơn là chẳng may hít phải hơi thở của nhau trong lúc đó: "Mất hết cả lãng mạn!"

Thậm chí, vợ chồng chị phải nhịn cả "chuyện ấy", vì đã không tắm rửa, người lại hôi hám, dù có muốn cũng đành "chịu" vì sau đó không thể vệ sinh được.

Việc nấu nướng trong nhà chị cũng hoàn toàn chấm dứt khi nước mất. Chồng bát đũa chất cao như núi trong chậu rửa, bốc mùi nồng nặc.

"Thiếu nước uống thì còn mua được, chứ nước sinh hoạt thì làm sao có. Vì nhà ở trên tầng 16, làm sao có thể chở nước lên?"- chị Thu Phương than thở.

Vậy là, nhà có bao nhiêu bát, bao nhiêu đũa sạch đều được mang ra dùng tới chiếc bát, chiếc đũa cuối cùng.

Điều mà chị Phương và gia đình cho là khủng khiếp nhất, chính là đợt mất nước trùng vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đây là khoảng thời gian cả nhà sinh hoạt cùng nhau, nên nhu cầu dùng nước cũng cao hơn những ngày trong tuần.

"Nếu như mất nước vào ngày đi làm, thì mọi người còn có thể tranh thủ "giải quyết" một số nhu cầu thiết yếu ở cơ quan, nhưng là ngày nghỉ thì ... chịu chết. Hơn nữa, mất nước trên diện rộng thế này thì chạy sao cho kịp" - chị Phương rùng mình kể lại.

Ban đầu, cả gia đình quy định: khi tiểu tiện thì sẽ dùng một gáo nước để dội; đại tiện dùng hai gáo. Nhưng khi số nước tích trữ trong nhà cạn dần (vì không đủ dùng tới ngày thứ 2), nỗi căng thẳng và bức bối bao trùm. Câu hỏi lớn đặt ra: lấy nước ở đâu để... dội toilet?

Lại thêm một nỗi khổ nữa phát sinh chỉ vì không có nước rửa tay, đó là nguy cơ về các bệnh đường ruột tăng cao. Nhà có 5 người lớn, nhưng chỉ có duy nhất 1 toilet, nước thì cạn, không có ... bô dự trữ.

Tin dữ kinh hoàng trong nhà xảy đến là khi mẹ của chị Phương bị ... đau bụng do "Tào Tháo đuổi". Toàn bộ số nước trong nhà cũng chỉ đủ cho một lần đau bụng của một người duy nhất.

Mang "câu hỏi lớn" này lên Facebook chia sẻ với bạn bè, có người mách nước, nên đem hết các nhu cầu đó ra nhà nghỉ gần nhất (có nước) để xả.

Tuy nhiên, phương án này dường như chỉ áp dụng khi mất nước trên diện hẹp, còn với quy mô sự cố lần này, gia đình chị Phương cần một giải pháp mang tính "tại chỗ" nhiều hơn.

Trong khi nước trong nhà không còn, cả gia đình nặng nề với các nhu cầu trong toilet. Chồng chị Phương phải thốt lên rằng: "Bây giờ thì đúng là phải gào thét trong toilet rồi!".

Trong cái khó lại ló cái khôn", bố của chị Phương chợt phát hiện ra trong bình cắm cành đào từ Tết vẫn còn nguyên nước.

"Đúng là bình hoa đào đã giải cứu cho cả nhà tôi. Số nước trong bình đủ để dội toilet trong 1 ngày. Mọi người thở phào nhẹ nhõm và "tự tin" hơn khi bước vào toilet" - chị Phương kể lại.

Dù vậy, bình hoa đào cũng chỉ giúp gia đình chị cầm cự được đến ngày thứ 3 của đợt mất nước, với điều kiện phải "xếp hàng" cùng nhau đi rồi dội luôn một thể.

Nửa đêm hôm thứ Hai (6/2), nhà có 2 người cùng đau bụng nên tất cả mọi người phải bắt taxi, sơ tán sang nhà người quen ở quận Hai Bà Trưng để "giải quyết", tiện thể tranh thủ tắm rửa, đánh răng rửa mặt.

"Gần 12 giờ đêm, tôi vẫn thấy các gia đình khác phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chở các bình nước 20 lít. Các gia đình có con nhỏ đều phải chạy qua nhà nội hay ngoại để 'lánh nạn'. Ngày rằm cũng không thể cúng được, vì không có nước để nấu nướng... Nhưng, đến lúc mọi người sợ cái toilet đến mức không dám ăn, uống gì thì chẳng còn ai thiết tha gì tới việc nấu nướng nữa" - chị Phương nói sau khi rùng mình nghĩ lại.

Lê Thu (ghi)