- Hôm đó tôi về quê, xuống nhà cậu mợ chơi. Vừa đến đầu ngõ đã nghe thấy tiếng khóc của cô em gái. Rồi sau đó là tiếng mắng chửi của mợ tôi: “Tao bảo mày viết chữ O thì phải vòng sang bên trái cơ mà. Sao mày viết thế này hả?”

1.Khi tôi vào nhà thì thấy cô em gái năm nay mới học lớp một đang vừa mếu khóc vừa cặm cụi viết bài.

Ảnh minh họa

Mợ tôi ngồi bên cạnh, cứ mỗi chữ viết sai, mợ tôi lại tiện tay tát vào má hay cốc vào đầu cô con gái mấy cái. Cứ mỗi câu “sai rồi, sai rồi” của mợ tôi luôn kèm theo một cái tát hoặc cốc đầu cô con gái bé bỏng. Vì thế, cô bé vừa viết, vừa khóc, vừa lấy áo quệt nước mắt, nước mũi. Vì nếu để nước mắt chảy xuống vở thì sẽ bị mẹ đánh đau hơn.

Tâm sự với tôi, mợ tôi cứ phàn nàn: “Đấy cháu xem, nó mới học lớp một mà ngu lắm cơ. Mợ đã bảo bao nhiêu lần rồi, là chữ O thì phải viết từ trái sang phải, chữ Ô thì phải có cái dấu ở trên đầu, chữ Ơ thì phải có cái râu…Thế mà cứ nói trước nó quên sau, không phân biệt được đâu là chữ Ô, đâu là chữ Ơ nữa…Chán lắm cơ cháu ạ. Mà hơi đánh một tí là khóc nhè đấy.”

Vừa nói chuyện, mợ vừa kèm cô con gái học: “Đấy, đấy, không viết bài đi, còn thích hóng hớt hả, có thích ăn mấy cái tát nữa không hả?”

Nghe đến đây, cô bé lại sợ hãi nhìn mẹ, rồi lại tiếp tục cặm cụi viết, nước mắt vẫn chảy dài trên khuôn mặt còn non nớt.

2.Tôi đi gia sư cho một em bé học lớp 6. Cậu bé này có một em trai học lớp mẫu giáo lớn. Hôm nào cũng vậy, cứ đến buổi tối, khi tôi đến thì gặp cậu bé ấy đang ngồi khóc nhè một mình bên mâm cơm. Hỏi sao em không ăn cơm thì em nói: “Có ai bón cho em đâu mà em ăn”. Cả nhà đã ăn cơm hết rồi...

Mẹ em thì bận rộn với công việc, tính toán sổ sách nên chẳng mấy khi có thời gian chăm sóc em. Mỗi lần em đòi mẹ bón cơm, hay vào chỗ mẹ làm việc thì mẹ em lại gắt lên: “Mày biến ra kia cho mẹ làm việc. Không thấy mẹ đang bận à?”

Lần nào cậu bé quấn quýt quá thì cô lại đưa cho cậu ít tiền, bảo ra ngoài mua mấy món đồ ăn hay đồ chơi về nghịch. Đã thành quen nên cậu bé hầu như rất ít khi dám gần mẹ. Những bữa cơm của gia đình em cũng diễn ra vội vã, cứ như để cho qua bữa vậy. Lần nào em cũng ngồi lại sau cùng với bát cơm của mình. Vì thế, lần nào tôi đến, cậu bé cũng quấn lấy, đòi: “Anh bón cơm cho em”.

Có lần, cậu đã hỏi: “Anh ơi, không hiểu sao cái đầu em nó rất ngu ấy. Em học mãi mà nó chẳng vào gì. Bây giờ làm sao cho nó đỡ ngu hả anh?” Câu hỏi của em làm tôi chết lặng. Tôi biết trả lời em thế nào đây. Khi mà ngoài giờ học ở trên lớp, về đến nhà em như một đứa trẻ bị bỏ rơi. Dù em cũng có gia đình, có anh, có mẹ. Nhưng mẹ em vì quá bận rộn với công việc kiếm tiền mưu sinh mà dường như đã quên mình còn có hai cậu con trai.

Người mẹ ấy luôn nghĩ rằng sẽ làm ra thật nhiều tiền, để cho các con mình có được một cuộc sống đủ đầy về vật chất. Nhưng cô đâu biết rằng những đứa con của cô còn thiếu một thứ rất lớn, mà sự đủ đầy về vật chất không thể nào bù đắp được: Đó là sự quan tâm của người mẹ với những đứa con.

* * *
Tâm hồn con trẻ non nớt như tờ giấy trắng, người lớn chúng ta là những người giúp con trẻ nắn nót viết những nét chữ đầu tiên lên đó. Rồi tương lai của những đứa trẻ kia sẽ đi về đâu nếu ngay từ nhỏ, các em đã lớn lên cùng những giọt nước mắt, những thiếu thốn về tình cảm, về sự quan tâm như vậy?

Thay vì những đòn roi, những lời quát mắng, người lớn hay chắp cánh những ước mơ cho trẻ bằng những nụ cười thật hồn nhiên, trong sáng. Đó có lẽ là điều các em mong đợi nhất ở những bậc làm cha, làm mẹ.

  • Vũ Viết Tuân