LTS: Chữa hiếm muộn bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) đang là lựa chọn hàng đầu của những cặp vợ chồng hiếm muộn do chồng bị tinh trùng yếu. Chuyện chữa hiếm muộn bằng IUI mệt mỏi, tốn kém đủ đường. Chỉ riêng việc phải lấy tinh dịch vào ống nghiệm mang đến nộp bác sĩ tưởng đơn giản cũng thật gian nan. Chuyên đề Nước mắt bên trong phòng lấy tinh trùng sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào về hành trình gian nan chữa hiếm muộn của các cặp vợ chồng.
Bịt khẩu trang đến phòng khám
Chúng tôi đến Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện C), một trong những nơi chữa hiếm muộn bằng phương pháp IUI uy tín nhất Việt Nam hiện nay, vào một buổi sáng thứ 6. Nghe thiên hạ đồn về lượng người đến khám, chữa bệnh tại khoa cực đông nên chúng tôi đã chủ ý tránh đi ngày đầu tuần, thật bất ngờ là ngày cuối tuần dòng người đến khám vẫn rồng rắn xếp hàng.
Gần 8 giờ sáng, toàn bộ hành lang tầng 3 của Khoa đã chật kín, người đứng người ngồi lố nhố, nhiều người phải ra bậc cầu thang ngồi chờ đến lượt mình. Cái oi của mùa hè càng khiến những gương mặt ủ rũ, mệt mỏi vì đợi chờ thêm khắc khổ hơn.
Hành trình chữa hiếm muộn tốn kém, mệt mỏi đủ đường. Ảnh minh họa |
Cầm tờ báo trên tay mà không buồn đọc, anh méo mặt nói với vợ: "Đói quá. Hay tranh thủ ra kia ăn cái gì đi". Chị vợ nhìn chồng động viên "Thôi cố đợi tí nữa, lấy xong rồi đi ăn cũng được". Chị vợ vừa dứt lời thì cánh cửa mở, người đàn ông trong phòng bước ra, cái lọ nắp đỏ trên tay gần đầy. Anh Đạt đứng dậy bước vào phòng đóng cửa lại.
Bắt chuyện với chị Thu, vợ anh Đạt mới biết hai vợ chồng anh chị lấy nhau đã 6 năm mà chưa có con. Lúc đầu anh cứ đổ cho chị "có vấn đề" nên nhất quyết không đi khám, đến khi chị đi khám mọi thứ đều bình thường anh mới xuôi xuôi nghe lời vợ.
"Ổng ngại nên mấy lần mình bảo đi khám có chịu đi đâu. Cứ nghĩ mình to cao vạm vỡ là mọi thứ bình thường thế mà đi khám hóa ra lại bị yếu, A (tinh trùng loại A - PV) có 4% thôi. Từ lúc biết lỗi do mình ông ấy mới chịu đi cùng thế này đấy chứ", chị Thu nói.
Vừa ngó vào phòng lấy tinh trùng để chắc chắn chồng vẫn chưa ra, chị Thu thủ thỉ kể tiếp: "Ôi, lần đầu đi khám buồn cười lắm. Hai vợ chồng đi xe máy từ Vĩnh Phúc lên đây bụi như thế bảo ông ấy đeo khẩu trang mà không chịu, bảo là đàn ông ai dùng cái đấy. Thế mà vừa đến cổng bệnh viện là đòi lấy cái khẩu trang bằng được, đeo đến lúc vào phòng gặp bác sĩ mới chịu bỏ ra".
"Cái ông quần ngố dép tông kia kìa, cũng khám cùng đợt với vợ chồng mình. Lần trước gặp còn lén la lén lút cầm tờ báo giả vờ đọc để che mặt vì ngại. Bây giờ thì cười nói thả phanh với người xung quanh rồi. Ai cũng thế, vài lần là quen hết, với lại ở đây toàn những người cùng cảnh ngộ với mình", vừa nói chị Thu vừa chỉ về "đối tượng" miêu tả.
Rình rình là chuồn về!
Cùng cảnh ngồi chờ tới lượt, thấy câu chuyện của tôi và chị Thu rôm rả, chị Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp chuyện: "Chị là còn sướng chán, dù sao vẫn có chồng đi cùng. Còn em đi khám toàn đi một mình, chồng nhà em thì lấy tinh trùng cũng đòi lấy ở nhà chứ không chịu đến bệnh viện".
Chị Lan cho biết, nhà chị cách bệnh viện chưa đến 10 phút đi xe máy nên chồng chị đòi lấy tinh trùng ở nhà rồi đưa chị mang đến bệnh viện chứ nhất quyết không chịu đi cùng. Lý do là nhà gần bệnh viện, anh chồng sợ gặp người quen, biết mình yếu thì ngại.
"Em có một đứa con gái đầu lòng rồi đấy chứ, gần 7 tuổi rồi. Đứa trước thì đẻ bình thường mà không hiểu sao mãi mà không có đứa thứ 2. Giục ông đi khám mãi mà có đi cho đâu, cuối năm ngoái muốn có thằng cu năm rồng mới chịu đi khám đấy. Đến lúc bác sĩ bảo A có 5%, yếu, mới chịu làm IUI đấy", chị Lan nói.
Phòng lấy tinh trùng ở Bệnh viện C luôn trong tình trạng "người ở trong, người đứng đợi". Ảnh: La Hoàn |
Kể lại lần đầu tiên chồng đến phòng khám, chị Lan vừa buồn cười vừa tức: "Hôm đấy ông ấy đòi đi sớm để đỡ gặp đông người. 7 giờ có mặt ở bệnh viện thì lại chưa làm việc. Thế là để em ngồi ở ghế đợi ông chuồn ra ngoài mất. Đến 8 giờ em gọi điện bảo vào khám, mãi gần tám rưỡi mới thấy ông lò dò đến, mắt lấm la lấm lét. Qua lượt khám lại phải ngồi đợi, ông thấy đông lại bảo buồn đi vệ sinh rồi chuồn ra ngoài. Gọi điện giục mãi mới chịu vào. Đến là khổ".
"Cũng tại cái tính sĩ diện ấy mà lần đầu tiên làm IUI bị hụt đấy. Mình thì tiêm thuốc kích trứng, chuẩn bị các thứ xong xuôi hết rồi. Đến phút cuối cùng thì không có tinh trùng. Vừa thấy ông bước vào phòng lấy tinh đã thấy chui ra đưa cái lọ cho em bảo một câu "kiểu này không được đâu", rồi chuồn về trước", chị Lan kể tiếp.
Chữa hiếm muộn cần sự bền bỉ, kiên nhẫn, có chị em phải mất cả tuần để tiêm thuốc kích trứng, chầu chực ở bệnh viện cả tháng trời nhưng chạnh lòng hơn là các ông chồng lại ít có sự chia sẻ với vợ dù nhiều trường hợp lỗi hiếm muộn là ở người chồng.
"Chị em ở đây phần lớn là đến khám một mình, chỉ đến ngày bơm tinh trùng mới thấy chồng đi cùng. Nhìn nhau mà thấy tủi thân lắm. Ai cũng mong con mong cái cả, nhưng chồng thì cứ thờ ơ", chị Lan tiếp lời.
La Hoàn
(còn tiếp)
KÍNH MONG ĐỘC GIẢ CHIA SẺ NHỮNG CÂU CHUYỆN TƯƠNG TỰ THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC HÒM THƯ DOISONG@VIETNAMNET.VN! TRÂN TRỌNG CẢM ƠN ĐỘC GIẢ! |