- Con ơi! Có đói không hả Út? Có khỏe không con?”, người mẹ già lật đật chạy lại gần hỏi vội khi thấy bị cáo được dẫn giải vào phòng xử án. Bị cảnh sát dẫn giải ngăn lại, mẹ già hẫng hụt, òa khóc.

“Tôi phải làm sao?”

Gần 8h sáng, bị cáo được cảnh sát dẫn giải đưa vào phòng xử án. Người mẹ già đứng chờ sẵn trước cửa phòng, trên tay cầm ổ bánh mì kẹp thịt đã nguội ngắt từ bao giờ.

Bà xin cảnh sát được gửi ổ bánh cho con nhưng bị từ chối. Rồi bà bị ngăn lại, không được vào phòng vì Hội đồng xét xử chưa làm việc. Không gửi được bánh cho con, mẹ già hẫng hụt, òa khóc.

{keywords}
Người mẹ già ngoài phòng xử án.

Ngồi ngoài phòng xử, bà N.T.N.(SN 1954) cho biết mình có 5 người con, một người mất từ nhỏ, một người bị bệnh tâm thần và Huỳnh Thanh Lợi (SN 1990) là con út của bà.

Gia đình bà quê gốc Đồng Tháp nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà lên TP.HCM kiếm sống.

Chồng bà mất khi Lợi mới hơn 10 tuổi, hàng ngày bà bán vé số để trang trải cho mấy mẹ con. Sau đó, 2 người con lớn lập gia đình ở riêng. Bà, Lợi cùng người con bị bệnh ở lại phòng trọ cũ. Rồi tai ương ập đến.

Vào một ngày cuối tháng 1/2014, bà nhận được tin Lợi bị triệu tập lấy lời khai sau đó bị tạm giữ vì là nghi can trong vụ án “dâm ô với trẻ em” và “hiếp dâm với trẻ em”.

Điều đau lòng hơn là người đứng đơn tố cáo Lợi chính là con dâu của bà – chị dâu của bị cáo, bị hại trong vụ án chính là cháu H.T.Đ (SN 2008) - cháu nội của bà N.

“Tôi không tin cô ạ! Con tôi bị oan! Nó với chị dâu nó mâu thuẫn nên người ta mới tố cáo oan cho nó! Một đứa là con tôi, một đứa là cháu nội tôi mà. Sao người ta đã thả nó ra rồi lại bắt lại, giam nó hơn 1 năm rồi. Tôi phải làm sao, cô làm ơn chỉ giùm tôi đi! Con ơi, mẹ phải làm sao?”, người mẹ già thổn thức.

Nước mắt mẹ nghèo

Khi được hỏi về vụ án, người mẹ già lập cập đưa đôi bàn tay gân guốc nhặt vài ổ bánh mì, vài chai nước ngọt từ một cái túi bỏ ra ngoài.

Bà lục tìm rồi đưa cho tôi một tờ quyết định được ép plastic cẩn thận với tiêu đề “quyết định trả tự do”.

Theo quyết định này, sau khi tiến hành điều tra, cơ quan CSĐT quyết định trả tự do cho Huỳnh Thanh Lợi vì xét thấy không đủ căn cứ để khởi tố bị can với Lợi về tội “hiếp dâm với trẻ em” và “dâm ô với trẻ em”.

{keywords}
Bị cáo tại tòa.

Người mẹ già tâm sự, sau khi con được trả tự do, bà ngỡ rằng mọi tai ương đã qua. Nào ngờ, Lợi bị bắt lại. Từ đó, bà luôn thấp thỏm, lo lắng khi nghĩ đến đứa con đang trong chốn lao tù.

Hàng ngày, dù sức khỏe yếu, chân rất đau nhưng vẫn phải lặn lội đi bán vé số để kiếm từng đồng nuôi người con bệnh tật.

Số tiền thuê trọ 700.000 đồng/tháng đối với bà giờ đây quá lớn, hơn nửa năm qua người chủ nhà trọ đã thương tình không lấy, chỉ yêu cầu đóng tiền điện nước.

Chắt góp từng đồng nhưng mỗi lần thăm nuôi con, bà chẳng có gì để gửi cho con.

“Người ta thăm nuôi con gửi cho con thứ này, thứ khác. Còn tui, tui là mẹ nhưng mỗi lần thăm con chỉ biết khóc, cùng lắm chỉ được ổ bánh mì. Tội nghiệp thằng Út lắm cô ơi!”, người mẹ khóc.

Vụ án được xử kín, bị hại không có mặt chỉ có đại diện hợp pháp người bị hại chính là anh trai của Lợi. Họ là người một nhà, trước hoàn cảnh éo le, người anh chỉ biết buồn bã nhìn em trai ngồi trước vành móng ngựa.

Quá trình xét hỏi, HĐXX xét thấy vụ án còn một số nội dung, chứng cứ chưa được làm rõ. Từ đó, tòa quyết định hoãn.

Theo cáo trạng, khoảng 8h hàng ngày, cháu H.T.Đ. được mẹ gửi cho bà N. trông coi tại nhà trọ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đến khoảng 10h hàng ngày, bà N. giao lại cháu cho Huỳnh Tấn Lợi trông coi.

Quá trình trông giữ cháu Đ., từ 6/12/2013 đến 13/12/2013, Lợi đã thực hiện hành vi dâm ô và giao cấu với nạn nhân. Ngày 13/1/2013, mẹ cháu Đ. nghe con gái kể lại sự việc nên đã làm đơn tố cáo.

Ngoài việc được xác định là bị hại trong vụ án này, trước đây Đ. cũng là bị hại trong một vụ án hiếp dâm trẻ em khác do bị cáo Lý Quang Út (SN 1994, TP.HCM) thực hiện. Tháng 3/2015, vụ án đã được đưa ra xét xử, do Út là người chậm phát triển, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên được xem xét giảm nhẹ và bị tuyên mức án 5 năm tù.

M.Phượng